Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân Tà Mon qua suối bằng cầu tạm
Tôi đang ở miền Trung, nơi bão lũ đang diễn ra, gây bao nỗi kinh hoàng, mất mát cho người dân nghèo? Không! Tôi đang ở Tà Mon, xã Tân Lập, cách Phan Thiết chừng 40 cây số. Tôi đến đây là do lá đơn đề nghị được giúp đỡ chữa bệnh hiểm nghèo của một người dân và kẹt lại ở Tà Mon.
Ông Ba, chủ căn nhà tôi ở lại, đã quá quen với những tiếng kêu đó, cứ lẳng lặng dọn chén, đãi cơm khách. Chỉ đến khi thấy tôi vẫn nhìn ra màn mưa dày đặc, lộ vẻ băn khoăn, ông buột miệng nói: “Ở đây, chuyện đó xảy ra thường xuyên. Chú ăn cơm rồi muốn nghe chuyện gì, tui kể cho nghe bởi tui lên đây lâu lắm rồi”.
Bữa cơm ở nhà ông Ba diễn ra chóng vánh, một phần vì cúp điện phải thắp sáng bằng đèn ắc quy, một phần trong chúng tôi chẳng có ai uống bia rượu mà rề rà. Con trai lớn ông Ba đi lấy thuốc đau lưng cho ông già chưa về.
Trong nhà chỉ còn tôi và một ông lão gần đất xa trời, vì vậy, những chuyện kể về quá khứ tỏ ra hợp với nhau. “Đã có nhiều đoàn Quốc hội về đây. Mỗi lần họ về, tui đều đề nghị xây cho Tà Mon một cây cầu qua suối Lạnh để người dân tổ 5, tổ 6… dễ dàng đi lại, không phải chịu cảnh: chồng sản xuất bên nay suối, vợ ở nhà bên kia suối, hú gọi nhau như anh vừa thấy. Người già chúng tôi sau nhiều năm đề nghị nhưng không thấy có cầu, đâm chán. Bọn trẻ mới lớn, chẳng quan tâm nhiều đến chuyện làm nông nghiệp, nên cầu, hoặc đường, chúng được chăng hay chớ! Chỉ lứa tuổi như chú em, còn trồng thanh long, làm vườn bên kia suối Lạnh thì tiếp tục mong cầu…”. Ông Ba bắt đầu câu chuyện về Tà Mon như vậy.
Địa danh Tà Mon có từ rất lâu. Sau ngày giải phóng, Tà Mon là một trong nhiều khu kinh tế mới của tỉnh Thuận Hải. Những người ở vùng biển La Gi lên đây sinh sống, sau 6 tháng được cấp gạo, phải vỡ đất làm nông nghiệp nuôi sống gia đình, bản thân. 300 ha đất bên kia suối Lạnh, nay được gọi là tổ 8, tuy thế đất hơi thấp nhưng là vùng màu mở, nhiều người dân Tà Mon tìm tới sản xuất. “Bắp trồng ở cánh đồng ven suối trái to và hạt nhiều lắm. Người ta chỉ ngại ở chỗ thường mất người bởi mưa lớn, nước nguồn về đột ngột, suối trở nên rất hung dữ. Ai không may đi qua suối lúc nước nguồn đổ về, chỉ có trời cứu! Từ năm 77 - 85, mỗi năm, Tà Mon mất một, hai mạng người là vậy” - Ông Ba tiếp tục câu chuyện.
Khoảng cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, sau chuyện một số hộ dân bỏ đi, Tà Mon còn khoảng 400 dân và đã nhập vào xã mới Tân Lập của huyện Hàm Thuận Nam. Lúc bấy giờ rừng Tân Lập đang trong quá trình bị tác động mạnh. Nhiều khu rừng trước đó còn là rừng giàu chỉ sau một số năm trở nên nghèo kiệt, đòi hỏi phải được khoanh lại bảo vệ.
Đó cũng là thời kỳ sau mỗi cơn mưa, nước từ trên nguồn đổ về rất nhanh. 300 ha đất ở ven suối đều bị nước tràn qua mỗi khi mưa lớn, làm hư hoa màu. Người ta trở nên lo lắng khi phải sản xuất trên phần đất của tổ 8, dặn nhau không nên ở lại rẫy vườn trong mùa mưa, cũng như xây những ngôi nhà ven suối một cách vững chải hơn. Mặc dầu vậy, cái chết vẫn diễn ra, bởi không ai biết nước nguồn về lúc nào để không qua suối sản xuất, hoặc đi làm cho mấy công ty lâm nghiệp gần đó.
Sáng hôm sau, theo sự hướng dẫn của ông Ba, tôi tìm gặp anh Bá Khương và anh Nguyễn Văn Thọ. Một người là cộng tác viên của Báo Bình Thuận, thông thuộc đường đi lối lại, một người là Chủ tịch Hội Nông dân, có người thân từng mất vì lũ rừng.
Chúng tôi kể cho nhau nghe, gần đây, mặc dù hết sức cẩn thận, Tà Mon vẫn tiếp tục mất hai người. Đó là em Lê Văn Tuấn ở tổ 3 khi đi chăn bò về và anh Hồ Ngọc Châu ở tổ 2. Anh Châu đã có gia đình. Trên đường đi làm về, anh và xe bị nước lũ cuốn trôi. Cả tổ 2 phải mất nhiều thời gian mới tìm ra xác anh trên lưng chừng một thân cây. Vợ anh, chị Võ Thị Nhung, vượt qua nỗi đau mất chồng, nuôi con kể: “Hiện nay em làm tiếp phẩm, nấu cơm cho công ty trồng rừng Bảo An. Ngày nào cũng cởi xe qua suối Lạnh. Mỗi lần qua suối, đều nhớ tới chồng. Rất sợ lũ rừng đổ về đột ngột nhưng không thể không đi. Không đi lấy gì nuôi con!”.
Trên đường trở về UBND xã Tân Lập, anh Thọ nói: “Mong sao có cây cầu bắc qua suối để hàng trăm người dân được nhờ. Anh xem, sau hơn 30 năm, Tà Mon của tôi mới chỉ được Nhà nước xây cho cái trường học!” - anh Thọ nói và chỉ vào ngôi trường mới vừa khai giảng niên học đầu tiên. Chúng tôi mừng cho các em nhỏ có nơi chốn học hành tử tế, nhưng trong đầu vẫn nghĩ đến chiếc cầu không to lắm, đủ cho dân đi lại và vận chuyển nông sản…