Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh

(13:43:15 PM 03/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Nhằm đóng góp tiếng nói của các nhà khoa học cho quy hoạch này, sáng 3/12, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm “Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh”. Diễn đàn là cơ hội để đưa ra những khuyến nghị từ các nhà khoa học tới cơ quan hoạch định chính sách để thúc đẩy ngành điện Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Quy hoạch Điện 7 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, tới nay đã thực hiện được hơn 4 năm. Bên cạnh tính ưu việt của nó trong việc đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân từ thiếu điện trở thành đủ điện (có dự phòng). Tuy nhiên bên cạnh đo Quy hoạch điện 7 cũng đã bộc lộ một số vấn đề mang tính vĩ mô và ảnh hưởng tới tính khả thi.

 

Để hạn chế những tồn tại nêu trên năm 2014, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Năng lượng tiến hành hiệu chỉnh lại Quy hoạch điện 7, đến nay quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh đang được gửi tới các cơ quan của Chính phủ để thẩm định, phê duyệt.

 

Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh

Toàn cảnh Hội thảo
   

Nhằm đóng góp tiếng nói của các nhà khoa học cho quy hoạch này, sáng 3/12, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm “Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh”. Diễn đàn là cơ hội để đưa ra những khuyến nghị từ các nhà khoa học tới cơ quan hoạch định chính sách để thúc đẩy ngành điện Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
   

Tại tọa đàm các chuyên gia đã đưa ra các đánh giá, phân tích về Quy hoạch hiệu chỉnh điện 7, các vấn đề về chính sách, chiến lược và rào cản phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030. Theo đánh giá Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh đã dự báo nhu cầu điện năng quá lớn khiến nhu cầu vốn đầu tư quá nhiều mà nền kinh tế không chịu nổi; huy động nhà máy nhiệt điện chạy than quá cao, nhu cầu than cung cấp cho điện lớn dẫn tới khả năng không đủ nguồn cung cấp kể cả nhập khẩu. Đặc biệt trong quy hoạch chưa quan tâm nhiều đến đảm bảo môi trường và phát triển bền vững chưa chú trọng đúng mức tới nguồn năng lượng tái tạo. Ở một góc độ khác kết quả giữa dự báo và thực tế có độ chênh lệch cao, mức tiêu thụ điện gấp nhiều lần so với các nước có cùng GDP. Về hệ số đàn hồi, Việt Nam tăng theo một kiểu riêng so với thế giới, mặt khác hệ số đàn hồi hiện nay xấp xỉ 2,0 cho thấy tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn nhiều nếu chính sách phù hợp...
   

Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID phát biểu tại Hội thảo.

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khó khăn trong phát triển nhiệt điện than ngoài nguồn than nội địa cạn kiệt, khả năng nhập khẩu số lượng lớn trong thời gian dài sẽ khó khăn, giá và cơ chế của từng nước đối tác không đồng nhất. Điều này sẽ mất đảm bảo trong an ninh năng lượng, tác động đến môi trường xã hội ở nhiều góc độ.
   

Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo.

 

Từ những thực tế trao đổi, các đại biểu chuyên gia đã đưa ra các đóng góp, đề xuất với quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh như lộ trình, ban hành chính sách, thách thức. Trong đó nhấn mạnh một số điểm như quy hoạch cần xem xét trong tổng thể các quy hoạch khác, phải cần bằng phát triển bền vững và môi trường, năng lượng tái tạo cần hài hòa trên bình diện và tình hình Việt Nam. Dự báo về nhu cầu số liệu và phương pháp cần phù hợp, cần khảo sát dự báo lại nhu cầu một cách sát và chính xác tại thời điểm hiện nay. Ngoài ra việc sử dụng năng lượng hiệu quả là một giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay. Theo GreenID “Không cần đầu tư xây dựng mới từ 30.000 tới 35.000 MW nhiệt điện than (tương đương với 25 đến 30 nhà máy nhiệt điện than) mà có thể dùng nguồn đầu tư này vào việc thực hiện sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu”.


    Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh
TS. Nghiêm Vũ Khải: "Nếu so sánh giá thì khó có ai đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, cần phải đưa giá của bảo vệ môi trường vào giá điện của nhiệt điện, thủy điện mới thực sự công bằng".

 

Phát biểu tổng kết TS.Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cảm ơn các đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời khẳng định Quy hoạch hiệu chỉnh điện 7 là một vấn đề lớn, quan trọng, nhưng cũng rất khó vì thế cần được tham vấn cẩn trọng để giúp chính phủ có sự điều chỉnh nhằm phát triển ngành điện bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Các nội dung góp ý sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp đề xuất Viện Năng lượng, Bộ Công thương tham khảo, nghiên cứu hiệu chỉnh.

Tin & ảnh: THÁI SƠN/ Tinmoitruong.vn