Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực trong Dự án thu hái bền vững dược liệu từ tự nhiên

(13:26:06 PM 03/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Hơn 50 cán bộ Kiểm Lâm, cán bộ lâm nghiệp xã và trưởng thôn của các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Đồn và Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn đã tham dự khóa tập huấn Phát triển Cộng đồng Dựa vào Nội lực (ABCD) được tổ chức tháng vừa qua.

Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực trong Dự án thu hái bền vững dược liệu từ tự nhiên

Khóa tập huấn Phát triển Cộng đồng Dựa vào Nội lực (ABCD)


Hai khoá tập huấn 4 ngày, được tổ chức từ ngày 17/11 đến 20/11 tại huyện Ngân Sơn và từ 24/11 đến 27/11 tại huyện Ba Bể, sẽ cải thiện những nỗ lực phát triển cộng đồng tại 9 xã của dự án thông qua cơ hội thu hái bền vững nguồn tài nguyên hương, dược liệu từ tự nhiên.

Thông qua các phần đào tạo trong khóa học được thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, những cán bộ xã cũng như các trưởng thôn đã có thể áp dụng Phương pháp tiếp cận ABCD, một chiến lược phát triển mới mà trọng tâm là xác định và phát huy các nguồn lực sẵn có của cộng đồng địa phương, tại vùng dự án. Chiến lược này giúp người dân biết tạo ra và nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế mới cho chính cộng đồng mà không phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức bên ngoài.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án giữa Văn phòng Dự án TRAFFIC Quốc tế tại Việt Nam và Chi cục Kiểm Lâm Bắc Kạn (CCKL) bắt đầu từ năm 2011 nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế thông qua việc sử dụng các kỹ thuật thu hái bền vững các loài cây tự nhiên. Dự án này,ban đầu được tài trợ bởi Quỹ Đối tác các Hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) và sau là Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Keidanren (KNCF), đã cung cấp các khóa đào tạo, công cụ và sự kết nối cho cộng đồng những người thu hái, trang bị cho họ các kiến thức  và kỹ năng để thu hái cây thuốc một cách bền vững và đảm bảo một thị trường công bằng cho những sản phẩm này. Một trong những mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ để những sản phẩm sơ chế có nguồn gốc bền vững từ tự nhiên này là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ FairWild-  một tiêu chuẩn quốc tế về thu hái bền vững và chia sẻ lợi ích công bằng.

Hai khóa đào tạo này đã đánh dấu một khởi đầu mới của dự án giữa TRAFFIC và CCKL được Quỹ Sáng Kiến Darwin tài trợ và đã khởi động vào đầu tháng 10 năm nay. Tiếp tục các hoạt động từ năm 2011, mục tiêu đầu tiên của pha tiếp theo của dự án 3 năm này là nâng cao năng lực cho các nhóm thu hái bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên tại khu vực dự án.

Phương pháp đào tạo tương tác giúp các học viên tự phát hiện và hiểu hơn về các điểm mạnh và tài sản của cộng đồng của họ. Các tài sản này bao gồm các loại tài sản con người, thiên nhiên, văn hoá, vật chất, tài chính và xã hội đã được xem xét và phân tích trong mối liên hệ với nỗ lực bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu và phát triển sinh kế cho cộng đồng người dân địa phương.

“Điểm mới thú vị của phương pháp ABCD này là học viên bắt đầu sử dụng những gì sẵn có trong cộng đồng. Đây là sự kết hợp giữa các nguồn lực, với quy hoạch phát triển vùng và những mục tiêu hay kì vọng của cộng đồng để xác định được những cơ hội phát triển mới. Cộng đồng địa phương sẽ tham gia tích cực trong quá trình xác định và thực hiện kế hoạch phát triển thôn bản hoặc cộng đồng của chính mình, chủ động huy động mọi nội lực nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững,” theo bà Nguyễn Thị Mai, Cán bộ Chương trình của TRAFFIC tại Việt Nam.

Bằng cách sử dụng sự kết nối và các cơ hội thông qua phương pháp ABCD, những người thu hái địa phương sẽ có thể thành lập những tổ hợp tác thu hái bền vững, huy động nội lực của chính họ để thực hành kĩ thuật thu hái bền vững và cải thiện kĩ năng sơ chế sản phẩm. Ngoài ra, họ cũng có thể nâng cao khả năng tiếp cận thị trường bằng cách kết nối chặt chẽ với các công ty dược mỹ phẩm.

“Chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên về những tiềm lực của cộng đồng khi chúng tôi xác định các nguồn lực sẵn có. Tôi tin chắc rằng chúng tôi có thể áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả, không chỉ trong phạm vi dự án mà còn trong công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.” theo ông Hoàng Văn Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bắc Kạn

Mặc dù mô hình ABCD mới được phát triển vào những năm 1990 tại đại học Northwestern, và cũng chỉ được áp dụng tại Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng trung tâm GreenViet đã thành công khi sử dụng công cụ ABCD để bảo vệ loài Chà vá chân nâu (tên gọi khác Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc), góp phần nâng cao nhận thức của người dân Đà Nẵng về tầm quan trọng của loài nguy cấp quý hiếm này. Sử dụng những kinh nghiệm này làm hướng dẫn, các thành viên của trung tâm GreenViet đã trực tiếp tập huấn cho những cán bộ nguồn sẽ trực tiếp thực hiện dự án bảo tồn và phát triển dược liệu tại Bắc Kạn.

“Mô hình ABCD thay đổi vai trò của các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận từ ‘những người sửa chữa’ thành ‘những người thúc đẩy’. ‘Những người sửa chữa’ tập trung vào đưa ra các câu trả lời, trong khi người thúc đẩy lại tập trung vào đặt các câu hỏi. Các câu hỏi tạo ra cơ hội cho các thành viên trong cộng đồng xác định được và giải quyết các thách thức bằng cách sử dụng nguồn nhân lực, kiến thức, tổ chức, văn hóa và kĩ năng sẵn có của cộng đồng,” theo tiến sĩ Hà Thăng Long, Người sáng lập trung tâm GreenViet, một trong những Thúc đẩy viên của khóa tập huấn.

“Với những thành công của các cộng đồng đã được chúng tôi hướng dẫn áp dụng mô hình ABCD, chúng tôi rất háo hức được thấy cộng đồng người thu hái cây dược liệu tại tỉnh Bắc Kạn sẽ đạt được lợi ích từ mô hình này như thế nào.”

Trong tháng này, CCKL Bắc Kạn và TRAFFIC sẽ bắt đầu áp dụng phương pháp ABCD vào các hoạt động của dự án tại hiện trường, điều này sẽ cho phép quá trình thực hiện dự án trong 2.5 năm tới đạt được hiệu quả và hiệu suất cao hơn nữa.

TIN MÔI TRƯỜNG (tinmoitruong@tinmoitruong.vn)