Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những hình thế thời tiết có khả năng gây lũ lớn trên các sông tỉnh Ninh Thuận

(11:08:22 AM 02/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Đối với địa bàn tỉnh Ninh Thuận, lũ lụt sinh ra chủ yếu là do mưa rào có cấp mưa từ to đến rất to bao trùm trên một diện rộng. Mưa sinh lũ thường có liên quan đến sự phát triển của những nhiễu động thời tiết như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp.

Qua phân tích các đặc trưng mưa lũ của những trận lũ lớn nhỏ có trong truỗi số liệu quan trắc được, trên lưu vực sông Cái Phan Rang; chúng tôi thống kê được một số hình thế thời tiết chính gây ra mưa lũ lớn ở tỉnh Ninh Thuận.

 

 Những hình thế thời tiết có khả năng gây lũ lớn trên các sông tỉnh Ninh Thuận

Ảnh: Trần Bình An


Hình thế 1: Bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vĩ độ từ 9 - 11 độ vĩ bắc kết hợp với không khí lạnh  tăng cường mạnh. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, đỉnh lũ trên các sông vượt báo động III từ 0,0 - 0,5 m.


Hình thế 2: Bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Ninh Thuận. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 150 - 180mm, đỉnh lũ trên các sông đạt mức báo động III.


Hình thế 3: Dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có trục dao động ở khoảng  9 - 11 độ vĩ bắc kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, đỉnh lũ trên các sông vượt báo động III từ 0,3 - 0,8 m.


Hình thế 4: Bão hoặc áp thấp nhiệt đới họat động  từ 9 - 13 độ vĩ bắc, kết hợp với không khí lạnh tăng cường và dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có trục đi qua khu vực từ  9 - 13 độ vĩ bắc.

 

 a - Không khí lạnh tăng cường mạnh: Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 120 - 280mm, đỉnh lũ trên các sông vượt báo động III từ 0,5 - 1,0 m.


 b - Không khí lạnh tăng cường ở mức trung bình Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 120 - 150mm, đỉnh lũ trên các sông đạt mức báo động III.


c - Không khí lạnh tăng cường yếu Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 100 - 120mm, đỉnh lũ trên các sông đạt từ báo động II đến báo động III.

 

Hình thế 5: Không khí lạnh có cường độ mạnh tăng cường, kết hợp với đới gió đông. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 100 - 150mm, đỉnh lũ trên các sông đạt từ báo động II đến báo động III.


Hình thế 6: Dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) nối với tâm bão hoặc áp thấp nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 60 - 100mm, đỉnh lũ trên các sông đạt từ báo động I đến báo động II.


Hình thế 7: Không khí lạnh có cường độ mạnh tăng cường. Gây mưa lũ diện rộng, lượng mưa phổ biến 50 - 80mm, đỉnh lũ trên các sông vượt mức báo động I.


Trên cơ sở của thống kê nêu trên, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa đối với các loại hình thế thời tiết chính gây ra mưa lũ lớn trong khu vực tỉnh nhà. Thông qua hình thức thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nhằm tham khảo đối chiếu với hình thế; đặc biệt hơn cả là hiện nay đang trong thời kỳ mùa mưa lũ chính vụ. Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra, chúng ta cần chủ động  trong công tác Phòng chống thiên tai.

ĐẶNG THANH BÌNH - Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận