Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tuy nhiên, do chưa có quy định chặt chẽ, chuyện xã hội hóa tại nhiều bệnh viện hiện đang trong cảnh “dở khóc, dở cười”.
"Chén đắng" cho bệnh viện công
BV Q.Tân Phú gặp rắc rối với mô hình liên kết công - tư
Chuyện hợp tác, liên doanh giữa bệnh viện (BV) công với tư nhân diễn ra phức tạp, nhất là khi “cơm không lành, canh không ngọt”, BV công luôn phải nuốt “chén đắng”.
BV Q.Tân Phú (TP.HCM) là một trong những đơn vị liên kết với tư nhân đang gặp không ít rắc rối. Rắc rối thứ nhất là việc BV liên kết liên doanh phòng xét nghiệm với Công ty TNHH Tấn Dũng.
Theo thỏa thuận, BV đầu tư toàn bộ phòng ốc, Công ty TNHH Tấn Dũng đầu tư thiết bị máy móc; BV Q.Tân Phú có trách nhiệm chỉ định bệnh nhân, thu viện phí; hai bên cùng theo dõi quyết toán hàng tháng và hàng quý. Hợp đồng có thời hạn 5 năm. Năm đầu tiên, công ty được hưởng 58%, BV 42%. Từ năm thứ 2 trở đi, công ty hưởng 55%, BV hưởng 45%.
Thế nhưng, sau sáu tháng hợp tác, hai bên đã “đường ai nấy đi”. Điều đáng nói, khi Công ty TNHH Tấn Dũng rút hết số máy móc thiết bị ra khỏi phòng xét nghiệm, BV không thực hiện lời hứa đền bù thỏa đáng.
Công ty TNHH Tấn Dũng nhiều lần yêu cầu bồi thường nhưng phía BV “ngó lơ”. Hiện tại, toàn bộ máy móc thiết bị có giá trị gần 2,4 tỷ đồng của Công ty TNHH Tấn Dũng đang “xếp xó”.
Vụ lùm xùm trên chưa kết thúc thì BV Q.Tân Phú lại vướng vào vụ thứ hai, liên quan đến Phòng khám đa khoa Việt Phước. Theo giải thích từ phía BV, trong quá trình hoạt động, đã xảy một số mâu thuẫn trong việc điều hành, đầu tư góp vốn, chia lợi nhuận.
Được biết, do chỉ mới góp vốn được khoảng 1,2 tỷ đồng (theo hợp đồng phải đủ 2,5 tỷ đồng) nên lãnh đạo BV chỉ đề xuất cho đối tác hưởng thu nhập theo tỷ lệ tương ứng 1,2 tỷ đồng đã đầu tư. Phía đối tác không đồng ý. Hai bên đã làm việc nhiều lần nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện tại, lợi nhuận tồn đọng từ phòng khám gần ba tỷ đồng chưa thể chi cho bên nào.
Bên cạnh bức xúc về phân chia lợi nhuận, điều hành quản lý, phía đối tác còn “tố” ông Đinh Thanh Hưng - Giám đốc BV có “dây mơ rễ má” với phòng khám. Bởi ông Đinh Thanh Tân - người góp vốn vào phòng khám (số 772 đường Tân Kỳ - Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) là anh ruột của ông Hưng. Bản thân ông Hưng đã hai lần đại diện ông Tân gửi tiền góp vốn với số tiền là 637 triệu đồng.
Tuy nhiên ông Đinh Thanh Hưng cho biết: “Người ta gửi đơn khắp nơi tố tôi có liên quan đến Phòng khám đa khoa Việt Phước là không đúng bản chất sự việc, cá nhân tôi khẳng định tôi hoàn toàn không liên quan”.
Vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Q.Tân Phú vào cuộc và xác định BV Q.Tân Phú đã thực hiện liên kết xã hội hóa với Phòng khám đa khoa Việt Phước đúng quy định, vốn góp hợp lệ, phân chia thu nhập hợp lý; không thấy có hiện tượng hoặc hành vi khuất tất, không minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách.
Về việc liên kết xã hội hóa với Công ty TNHH Tấn Dũng trong hoạt động của phòng xét nghiệm cũng không có cơ sở để khẳng định ông Đinh Thanh Hưng có khuất tất về tài chính. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy yêu cầu ông Đinh Thanh Hưng nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm trước chi ủy và ban giám đốc BV, kịp thời lãnh đạo đơn vị giải quyết dứt điểm mâu thuẫn còn tồn tại với đối tác.
Trước đó, khi BV ĐH Y Dược TP.HCM cần có thêm một cơ sở thì Công ty Mêkông cũng đang có ý định thành lập một cơ sở y tế tại địa chỉ 243A Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình. “Cá nước gặp nhau”, BV ĐH Y Dược đã liên kết với Công ty Mêkông lập ra Phòng khám Phụ sản ĐH Y Dược.
Theo hợp đồng, BV ĐH Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm về chuyên môn, nhân sự; Công ty Mêkông đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất. Lợi nhuận thu được chia theo tỷ lệ 3/7 (BV ĐH Y Dược 30%, Công ty Mêkông 70%).
Một thời gian sau, nhiều bệnh nhân, sản phụ quay trở lại nơi này khám chữa bệnh, sinh nở thì không thấy bảng hiệu ĐH Y Dược TP.HCM đâu. Không chỉ bảng hiệu thay đổi, hàng chục bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề của BV ĐH Y Dược cũng chuyển công tác về BV Phụ sản Mê Kông.
BV Phụ sản Mê Kông ra đời từ việc liên kết công - tư
Chỉ "nhóm lợi ích" có lợi
Với lý do xã hội hóa, thời gian qua một số BV đã liên kết với tư nhân để đầu tư trang thiết bị. Tất nhiên, người bệnh sẽ đóng góp “nguồn thu” béo bở cho loại hình liên kết này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều BV lớn, có thương hiệu, có lượng bệnh nhân đông, tỷ lệ ăn chia giữa hai bên chênh lệch lớn, trung bình BV chỉ hưởng 20-30%, trong khi đối tác tư nhân hưởng 70-80% doanh thu và được độc quyền cung ứng hóa chất, vật tư. Chưa kể khi những hợp đồng liên doanh liên kết hết thời hạn, đối tác đã thu hồi vốn, lấy đủ lãi, nhưng vẫn tiếp tục được gia hạn, số tiền lãi sau đó không biết đi vào đâu. Lợi ích quá lớn này khiến hình thành những “nhóm lợi ích” trong các BV.
Bà Lê Thị Phúc (ngụ tại P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) nhớ như in lần được gia đình đưa vào BV T.N. cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bà bị sỏi niệu quản, chuyển về khoa Ngoại tiết niệu để điều trị. Sau đó, bà được chỉ định tán sỏi nội soi bằng laser và đặt thông JJ niệu quản. Để thực hiện phương pháp này, BV phải thuê máy móc bên ngoài khiến bà phải bỏ ra 4.000.000đ tiền “thuê máy”
Nhiều BV khác ở TP.HCM còn liên kết với tư nhân để đặt máy. Tháng 10/2013, BV Mắt ký hợp đồng với một công ty tư nhân hợp tác phát triển kỹ thuật Phaco.
Theo đó, công ty này lắp đặt máy LenSx Laser System trị giá hơn 13 tỷ đồng. Đổi lại, BV Mắt ký cam kết mua các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt của công ty này trị giá lên đến gần 110 tỷ đồng. Thời gian hợp đồng là 60 tháng.
Tiếp đó, tháng 7/2014, công ty đưa ba máy Phaco Conturion đến khoa Phẫu thuật BV Mắt mà chưa hề có thỏa thuận và chưa được sự cho phép, thẩm định từ cơ quan chủ quản là Sở Y tế TP.HCM.
Trước đó, tại BV Bình Dân, thanh tra y tế cũng phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc liên doanh đặt máy móc. Việc liên doanh, liên kết tại BV này, hóa ra chẳng đem lại ích lợi gì mà còn gây thất thoát tiền nhà nước, gây lãng phí nhiều tỷ đồng.
Cụ thể là BV từng cho tư nhân đặt máy CT-Scanner với tỷ lệ chia lợi nhuận là 80% cho đối tác và 20% cho BV. Sau ba năm, đối tác thu hồi đủ vốn và tiếp tục được BV ký hợp đồng cho thêm hai năm nữa cũng với cách chia như cũ. Điều này đã làm lợi cho đối tác và thất thu cho BV, thể hiện qua việc BV phải chi tiền chênh lệch trái quy định lên tới hàng tỷ đồng.
Liên kết "công tư" có biếu không thương hiệu?
Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chủ trương xã hội hóa y tế. Đến nay cả nước đã có 170 BV tư, chưa kể hàng ngàn phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Tuy nhiên, chưa có nhiều BV tư nhân có “thương hiệu”, khiến tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; 56,9% số BV có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%; đặc biệt, BV tư nhân chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế, trong khi nhiều cơ sở y tế công lại đang quá tải.
Chính vì vậy, các BV tư nhân rất muốn phối hợp với các cơ sở y tế công để chạy hết công suất. Nhằm giảm tải cho BV công, Bộ Y tế đang chủ trương tăng cường liên kết BV công và tư, thậm chí BV tư được làm vệ tinh. Nhưng nếu không có những quy định cụ thể về vấn đề này, việc liên doanh liên kết chỉ có lợi cho nhà đầu tư, các nhóm lợi ích, còn người bệnh sẽ chẳng được gì.
Mới đây, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật giai đoạn 2015-2020 với BV Đa khoa quốc tế Vinmec (BV tư nhân). Với thỏa thuận này, Vinmec trở thành BV vệ tinh đầu tiên của BV Bạch Mai thuộc khối ngoài công lập.
Được biết, tại TP.HCM, BV Nhân dân 115 cũng có thể phối hợp với một BV tư hiện đã khởi công làm BV vệ tinh. Trước đó, BV Q.2 đã ký cam kết hợp tác chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với BV Phúc An Khang.
Theo các bác sĩ, việc cho các BV tư làm vệ tinh cần được cân nhắc kỹ. Bởi chưa thể tính toán được giá trị thương hiệu từ các BV uy tín đem lại cho các “vệ tinh”. Việc liên kết công tư nhằm mục đích gì, đem lại lợi ích ra sao cho người bệnh hay người bệnh bị biến thành nguồn thu béo bở cho các “vệ tinh” này?
Làm gì để người bệnh an tâm điều trị, khỏi phải lăn tăn viện phí, tránh việc lợi dụng uy tín của các BV? Thực tế cho thấy, có tình trạng mượn danh liên kết với các BV lớn như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi… để thu hút người bệnh.