Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong khi đó, những biến động bất thường về thời tiết cùng với các nguyên nhân khác tác động đã khiến tình trạng hoang mạc hóa trên vùng đất Ninh Thuận ngày càng gia tăng.
Phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả hoang mạc hóa Ninh Thuận
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Thuận, tổng diện tích đất hoang mạc ở Ninh Thuận là 41.021 ha, chiếm 12,21% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Hiện nay, thực trạng hoang mạc hóa vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng do tình trạng hạn hán, thiếu nước dùng thường xuyên xuất hiện vào mùa khô, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh, kinh tế của địa phương. Vì vậy, để phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả hoang mạc hóa, Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cho việc phòng chống sa mạc hóa, cân bằng hệ sinh thái vùng khô hạn, tạo được đai rừng phòng hộ giữ nước, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận Bùi Anh Tuấn cho biết: Tỉnh đã thực hiện thành công nhiều dự án như: Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ về kỹ thuật nông nghiệp xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp trên vùng đất thoái hóa và hoang mạc hóa, trồng rừng phòng hộ bằng cây neem, bên trong rừng phòng hộ là mô hình nông nghiệp trú ẩn, trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, tưới ít nước như ngô lai, cây họ đậu. Hay như Dự án xây dựng mô hình nông - lâm - thủy sản, kết hợp trồng cỏ và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng vùng khô hạn bằng cách trồng cỏ voi và cây trôm thích ứng với điều kiện khô hạn, chăn nuôi giống cừu lai chất lượng cao và đào ao nuôi cá nước ngọt trên diện tích 3 - 4 ha đất trống, làm giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu và cho hiệu quả cao trên vùng đất thoái hóa và hoang mạc hóa tại xã Phước Nam. Dự án này đã xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun mưa, đào ao để thu trữ nước tưới cho cây trôm và cỏ voi. Dự án xây dựng vườn cây ăn quả trên vùng đất khô hạn đã trồng đai phòng hộ điều ghép chắn gió, trồng cây ăn quả, bố trí mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp tưới nhỏ giọt theo hàng, đào ao sinh thái để cung cấp nước tưới cho cây ăn quả.
Ninh Thuận cũng chú trọng xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu như: "Tái tạo nguồn nước bằng kỹ thuật giữ nước mặt quy mô nhỏ, bền vững”; xây dựng đập dâng trên dòng suối để giữ nước, cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi; thực hiện mô hình trồng rừng bằng loài cây đa tác dụng, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu như trôm, neem trên vùng núi đá… kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai mô hình sản xuất rau màu trên vùng đất cát ven biển theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường; mô hình lai tạo giống mới, tái tạo nguồn cỏ, cải tạo chuồng trại, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, có kiểm soát, hạn chế chăn thả tự do, góp phần phòng chống sa mạc hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu thực hiện 2 mô hình rất hiệu quả ở vùng khô hạn huyện Ninh Phước là: Mô hình trình diễn ngăn ngừa và hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa do chăn thả tự do và mô hình trình diễn cộng đồng, kết hợp ứng dụng các biện pháp truyền thống và khoa học kỹ thuật mới nhằm khai thác, bảo vệ đất và nước, góp phần phòng chống sa mạc hóa tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.
Về giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước cũng như phòng chống các tác hại do nước gây ra một cách lâu dài, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết: Tỉnh rất chú trọng việc xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi, đập dâng nước nhằm tăng nguồn thu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tỉnh đã đầu tư xây dựng các hồ chứa với tổng dung tích khoảng 190 triệu m3, góp phần nâng tổng diện tích đất canh tác được tưới đạt 41,42%; tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%. Ở các vùng ven biển, người dân đã tự đầu tư xây dựng các ao thu trữ nước mưa, tận dụng nguồn nước ngầm để tự cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Mặc dù nước ngầm Ninh Thuận vào loại nghèo, nhưng do điều kiện khó khăn về nguồn nước mặt, nhân dân các xã ven biển như Nhơn Hải, Vĩnh Hải, Đông Hải, Phước Dinh… vẫn phải khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và tưới rau màu.
Theo số liệu điều tra, tổng quy mô diện tích tưới các công trình có nguồn từ nước ngầm hàng năm là 1.000 ha. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đã thực hiện hiệu quả giải pháp kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm thiểu rò rỉ, giảm tổn thất nước trên hệ thống kênh tưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới luân phiên trên các hệ thống và nâng cao khả năng trữ nước của các hồ chứa; tăng cường dự báo, cảnh báo và tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về sử dụng các biện pháp để tiết kiệm nước. Tỉnh quản lý chặt chẽ, tìm thêm các nguồn nước, điều hành, phân phối nguồn nước, sử dụng hợp lý, tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc, cho sản xuất công nghiệp và cân đối cho trồng trọt; đồng thời bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp.
Nhằm phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả hoang mạc hóa, Ninh Thuận tiếp tục áp dụng giải pháp về thủy lợi. Vì nếu so sánh giữa khả năng tưới thực tế của các công trình hiện có với nhu cầu nước tưới là 49.806 ha thì mới chỉ đáp ứng được gần 41,42% diện tích; so sánh giữa khả năng chứa nước thực tế của các công trình hiện có với nhu cầu tưới hiện tại cũng chỉ đáp ứng trên dưới 40% nhu cầu.
Do đó, tỉnh cần có giải pháp hạn chế tối đa tác nhân của con người đến tình trạng hoang mạc hóa và thoái hóa đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, phòng chống tình trạng phá rừng và khai thác đúng mức tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục đầu tư thực hiện dự án “Hệ thống thủy lâm kết hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” giai đoạn 2011-2020; đồng thời, xây dựng một dự án lớn trên cơ sở sử dụng tổng hợp các kết quả của các dự án nhỏ trong khu vực để sử dụng có hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước bền vững.