Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm giàu từ biển nhờ đầu tư đúng hướng

(19:39:11 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Liên tục trong vài năm trở lại đây, khi tình hình khai thác các nguồn lợi thủy sản trên biển đang trong giai đoạn khó khăn, ngư dân nhiều địa phương lâm vào tình cảnh “thuyền phải nằm bờ” thì ở xã Đức Trạch (H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), những con thuyền vẫn rẽ sóng ra khơi và trở về với đầy ắp cá, mực...

 

 dong tau

Làm ăn hiệu quả nên ngư dân Đức Trạch tiếp tục đóng tàu mới để vươn xa. Ảnh: P.V

 

 

Sóng lớn có thuyền lớn

 

Với hơn 85% dân số sống nhờ vào biển, tình hình đánh bắt lại khó khăn do thiếu thốn phương tiện hiện đại, tàu thuyền nhỏ nên khoảng hơn 5 năm trước đây, Đức Trạch vẫn còn là một xã nghèo của H. Bố Trạch. Trước thực trạng này, nhiều ngư dân lành nghề đã tìm những hướng đi mới cho mình và cũng đồng thời là những người đi đầu trong xã với hai nghề chủ yếu là câu mực khơi và mành chụp. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân ở đây đã vươn khơi, vươn xa để đánh bắt thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

 

Ngư dân Hồ Văn Kháng-một chủ tàu cho biết, con tàu của anh vừa hạ thủy đưa vào khai thác cách đây 3 tháng với tổng số vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng. Tháng thứ nhất, sau khi trừ đi phí tổn mỗi thuyền viên nhận được 6 triệu đồng, tháng thứ 2 được 13 triệu đồng và tháng vừa qua do tình hình biển động nên chỉ đi được một chuyến nhưng cũng mang lại thu nhập 5,3 triệu đồng cho mỗi người bạn. Tình hình khai thác, đánh bắt hiệu quả nên nhiều ngư dân đua nhau đóng mới tàu. Anh Trương Văn Đồng (thôn Đông Đức) đã có một con tàu đang khai thác có hiệu quả, thấy tình hình đánh bắt thuận lợi, anh tiếp tục vay mượn đầu tư gần 1 tỷ đồng tiếp tục đóng mới thêm một con tàu và cũng mang lại hiệu quả lớn.

 

Ông Lê Thanh Thục-Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: “Hiện nay toàn xã có đội tàu đánh bắt xa bờ là hơn 265 chiếc, với công suất máy từ 90-320CV. Trong 3 năm qua, nhờ thời tiết thuận lợi và đầu tư đúng hướng nên ngư dân trong xã làm ăn khấm khá. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngư dân xã Đức Trạch đã đóng mới 60 tàu đánh bắt hải sản xa bờ với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng và hiện khoảng 10 con tàu đang trong quá trình hoàn thiện chờ ngày hạ thủy”. Đội tàu đánh bắt xa bờ này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 2.300 lao động trực tiếp của Đức Trạch và các xã lân cận trong huyện, tỉnh với mức thu nhập bình quân hằng tháng từ 3 - 8 triệu đồng mỗi người. Cá biệt, có tàu cho thu nhập mỗi tháng lên hơn 10-15 triệu đồng mỗi người như đội tàu của cha con ông Nguyễn Văn Vọ, ở thôn Thượng Đức.

 

 Vươn khơi, vươn xa

 

Tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân xã Đức Trạch không chỉ nổi tiếng là những người “ăn nên làm ra” tại tỉnh Quảng Bình mà họ còn mở rộng đánh bắt đến các vùng biển ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, TT-Huế, Đà Nẵng,... Anh Hồ Đăng Xô-chủ tàu  QB 92024 TS đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Đà Nẵng cho biết, mỗi năm trung bình tàu anh ở khoảng 4-5 tháng tại Huế, Đà Nẵng để đánh bắt vì ở đây là khu vực nhiều cá, mực và biển ít động nên cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Ông Trương Công Hoạt-Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, năm 2009, tổng sản lượng hải sản ngư dân xã Đức Trạch đánh bắt được là hơn 6.500 tấn, trị giá gần 150 tỷ đồng. Riêng 10 tháng của năm nay, sản lượng đánh bắt của Đức Trạch đã đạt hơn 7.500 tấn. Đó là chưa kể đến việc nhiều tàu đánh bắt xa không có số liệu thống kê. “Với tình hình thời tiết thuận lợi thế này, trong 2 tháng cuối năm ngư dân Đức Trạch sẽ khai thác vượt sản lượng đánh bắt trên 8.000 tấn trong năm nay”-ông Hoạt tỏ ra chắc chắn.

 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc ngư dân ở Đức Trạch vươn khơi, vươn xa đều chủ yếu dựa trên nội lực của họ, bởi chưa được sự hỗ trợ đáng kể nào từ bên ngoài. Hầu hết ngư dân khi đóng mới, sửa chữa tàu thuyền đều phải vay mượn bên ngoài với mức lãi suất cao hoặc theo lãi suất của các ngân hàng thương mại với thời gian trả nợ ngắn (thường là 3 năm) nên nhiều gia đình khó có thể trả số nợ cả tỷ đồng trong thời gian ngắn như đã cam kết trước khi vay mượn. Ngoài ra, theo nội dung Quyết định 289 của Chính phủ về việc hỗ trợ xăng dầu, đóng mới, thay thế máy tàu cho ngư dân nếu đóng mới, thay thế máy tàu thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức cao nhất 70 triệu đồng/năm, thực hiện trong vòng 3 năm. Theo quy định này, với gần 70 tàu đánh bắt xa bờ đã được đóng mới, ngư dân xã Đức Trạch sẽ nhận hơn 14 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục, nên cho đến nay vẫn chưa có hộ nào được nhận tiền hỗ trợ từ phía Nhà nước.

 

Ông Trần Đình Quyết-một ngư dân ở thôn Nam Đức cho rằng: “Các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng chính sách nên tạo điều kiện cho ngư dân vay mượn với mức lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên có những hỗ trợ kịp thời theo chính sách của Đảng và Nhà nước hiện hành nhằm giúp họ bớt đi một phần khó khăn để bám biển. Bởi việc vươn xa đánh bắt của ngư dân không những làm lợi cho nền kinh tế mà còn góp phần vào việc gìn giữ chủ quyền trên biển của đất nước”.

Anh Tuấn/CADN