Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cấm “like” trên Facebook vi phạm quyền dân chủ? Tin mới nhất

(14:45:26 PM 23/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngành giáo dục Châu Đốc cấm “like” một số chuyện trên Facebook: Người dân, luật sư nói gì?

>>Phạt người chê Chủ tịch tỉnh trên Facebook: "Xử như vậy là không chấp nhận được"

 

 Cấm “like” trên Facebook vi phạm quyền dân chủ?
            Văn bản của Phòng GD-ĐT Châu Đốc


Nhiều bạn đọc cho rằng cuộc sống tồn tại nhiều quy luật phát triển và không thể ngăn chặn theo ý muốn chủ quan của một cá nhân được.

Không thể cấm tiếng nói của người dân


Nhiều bình luận đã gửi về TTO sau khi thông tin ngành giáo dục Châu Đốc cấm “like” một số chuyện trên Facebook được đăng tải.

Phần đông các ý kiến đều bày tỏ sự khó hiểu với quy định nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, vv... làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác của văn bản mà Phòng giáo dục - đào tạo TP Châu Đốc gửi đến các trường trực thuộc.

Bạn đọc hailuamien tay hỏi: Ngành giáo dục Châu Đốc ra văn bản này, thử hỏi có lấn át quyền tự do ngôn luận cơ bản như nhận xét của cá nhân không? Tính nhân văn của văn bản này ở đâu?

Việc cấm “like” trên mạng xã hội, theo ý kiến của nhiều người là vô lý vì “cấm “like” là cấm người ta thể hiện cảm xúc của mình rồi”.

“Văn bản cấm này là tước đi quyền thể hiện quan điểm, chính kiến của mỗi người”, bạn đọc Huyên nêu quan điểm.

Cụ thể hơn, nhiều bạn đọc đồng tình với quan điểm không thể cấm tiếng nói phản biện của người dân. Thời đại ngày nay, mạng xã hội cũng là một kênh thông tin cần tham khảo nếu những góp ý cho lãnh đạo, cho chính sách ở đó mang tính xây dựng.

“Phải thừa nhận thực tế và sửa đổi chứ không thể cứ đi mãi lối mòn bưng bít thông tin”, bạn đọc Sinh Thái viết.

Một góc nhìn khác của bạn đọc về vấn đề này chính là “nếu không làm xấu thì không sợ người dân nói”.

Quyền tự do của công dân, lại “nghiêm cấm”?


Luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp cho rằng cần phải thấy việc bình luận, thích (like), chia sẻ (share) thuộc phạm vi các quyền tự do dân chủ của công dân.

Pháp luật của Nhà nước ta quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền biểu đạt ý kiến của mình trước các vấn đề của xã hội trong phạm vi, khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

LS Bùi Quang Nghiêm thì cho rằng nội dung của văn bản này không ổn và “quy định như vậy là nhận thức về quyền tự do ngôn luận của người khác chưa đầy đủ”.

Bởi những quy định trong văn bản đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do về thông tin. Đây là những quyền được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo hộ.

“Việc bình luận, chia sẻ hay thích trên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi công dân. Công dân có quyền bàn luận, phê bình một hiện tượng xã hội, một sự kiện nào đó, miễn là không có yếu tố kích động chính trị”, LS Bùi Quang Nghiêm nói.

Theo LS Hồ Ngọc Diệp, với tư cách là một cơ quan, đơn vị giáo dục, Phòng Giáo dục Đào tạo TP Châu Đốc chỉ có thể ban hành các văn bản mang tính nội quy, quy chế liên quan đến hoạt động của đơn vị, cơ quan mình.

“Ngoài ra, không có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung cấm đoán cán bộ, công nhân viên chức hay giáo viên thuộc đơn vị mình thực hiện các quyền liên quan đến quyền tự do dân chủ của công dân”, LS Hồ Ngọc Diệp nói.

Đồng tình, LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng nếu người nào có hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của một cá nhân nào đó trên mạng xã hội thì đã có những quy định của bộ luật dân sự, bộ luật hình sự điều chỉnh.

LS Huỳnh Phước Hiệp lại bình luận rằng văn bản Phòng Giáo dục Châu Đốc ban hành về việc cấm “like” và “share” một số việc trên Facebook “rất là kỳ khôi”.

Lý giải về nhận định của mình, LS Hiệp cho rằng văn bản quy định cấm bình luận, thích, chia sẻ, đăng những nội dung có liên quan đến vài vấn đề nhưng không nói rõ liên quan ấy là liên quan như thế nào, tốt hay xấu. Như vậy có nghĩa là cấm cả việc tuyên truyền nhưng thông tin, nhận định tích cực.

“Nhà nước đã phải tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, bao nhiêu kênh truyền hình để tuyên truyền chính sách đến cho người dân. Vậy mà bây giờ văn bản này lại cấm đăng tải những nội dung có liên quan đến chính sách nhà nước thì không hiểu văn bản ấy đã dựa trên quy định gì của pháp luật?,  LS Hiệp phân tích.

Câu hỏi mà LS Hiệp đặt ra là nếu cấm việc làm ảnh hưởng uy tín đến cá nhân người khác vậy nếu gây ảnh hưởng đó là tích cực thì sao?

Tổng thống Obama phản ứng thế nào trước những dòng Tweet nói xấu mình?

 

 Cấm “like” trên Facebook vi phạm quyền dân chủ?

                     Tổng thống Obama tỏ ra thích thú trước bình luận ngụ ý chê mình...não rỗng - Ảnh chụp màn hình.


Vào tháng ba năm 2015, tổng thống Mỹ Barack Obama được mời tham dự một tập Mean tweets (tạm dịch: Những dòng tweet xấu tính) trong chương trình Jimmy Kimmel Live, một trong những chương trình có chất lượng tốt và thời gian phát sóng lâu dài nhất trên kênh truyền hình ABC. Trong Mean tweets, những người nổi tiếng sẽ được mời đọc và phản ứng với những dòng Tweet nói xấu mình.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, tổng thống nước Hoa Kỳ không hề tỏ ra giận dữ, bất bình hay buồn bã dù cho những lời xúc phạm miệt thị là nhắm thẳng đến mình.

Tổng thống còn tỏ vẻ đùa cợt, cho rằng một vài lời nói xấu là “khá hay”. Cách phản ứng của ông cho thấy sự điềm tĩnh, tỏ ra không hề quan tâm đến những lời xúc phạm miệt thị khó nghe nhằm vào mình.

Ông Obama cũng tỏ ra thích thú trước một lời bình phẩm đầy ngụ ý: “Làm sao để mắt của tổng thống Obama sáng lên? Chiếu đèn pin vào tai ông ấy” (ý muốn nói đầu óc của ông Obama trống rỗng nên ánh sáng của đèn pin có thể dễ dàng… đi từ tai đến mắt). Ông Obama còn khen câu này “Khá tốt đấy chứ”.

Ở một dòng Tweet đòi gửi cho tổng thống Obama cẩm nang làm sao để trở thành một… tổng thống tốt, ông còn “trả đũa” người viết dòng tweet này bằng cách chê bai cách dùng từ dư thừa của người đó.

Ngày 16-6, đọc báo trên mạng có nội dung Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang, bà Lê Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT TP Long Xuyên (An Giang) tải lại thông tin này lên facebook cá nhân rồi bình luận “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”.

Câu này có 8 comment, trong đó có câu “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” xuất phát từ facebook cá nhân của bà Phan Thị Kim Nga (phó văn phòng Sở Công thương), do chồng bà này là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) đưa lên.

Qua kiểm tra, Đảng ủy Khối dân chính Đảng kiểm tra có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, kiểm điểm trách nhiệm xử lý nhân viên của mình.

Từ đó ban giám hiệu Trường THPT Long Xuyên kỷ luật khiển trách bà Trang, Đảng ủy và ban giám đốc Sở Công thương kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền đối với bà Nga.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đề nghị Điện lực An Giang xử lý ông Phúc bằng hình thức phê bình trong toàn đơn vị. Sở Thông tin truyền thông tỉnh xử phạt bà Trang, ông Phúc mỗi người 5 triệu đồng.

Nguồn: TTO