Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa được nhận diện và đánh giá đầy đủ

(12:12:29 PM 22/11/2015)
(Tin Môi Trường) - “Thúc đẩy hợp tác Công – Tư trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng” là một trong những đề xuất quan trọng tại hội thảo “Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đánh giá hiệu quả thực hiện và sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương” diễn sáng 20/11 tại Hà Nội, do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN); Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Tổ chức Forland phối hợp tổ chức.

Hiệu quả trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Ông Lê Công Lương phát biểu tại hội thảo.

 

Với mục tiêu giới thiệu và chia sẻ các kết quả thử nghiệm bộ công cụ đánh giá độc lập hiệu quả thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại cấp địa phương đến các cá nhân, tổ chức và cơ quan liên quan; với kỳ vọng có thể được xem xét và lồng ghép nội dung này trong quá trình sửa đổi chính sách chi trả DVMTR hiện nay theo hướng minh bạch, công bằng và bền vững.

Hiệu quả trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả DVMTR chính thức triển khai tại Việt Nam từ đầu năm 2011, ngay sau khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ có hiệu lực, chi trả DVMTR đã trở thành một trong những chính sách lâm nghiệp nổi bật, đáng chú ý nhất tại Việt Nam, thu được nhiều thành tựu ý nghĩa.

Trở thành một nguồn tài chính ổn định khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này giúp giảm áp lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp hàng năm 22-25%. Với mức chi trả trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349.000 hộ gia đình, cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc.

Ông Lê Công Lương – Chánh văn phòng LHHVN cho biết: “Sau một thời gian triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách này đã tạo ra nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ phát triển rừng; gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân; góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi…”

Bên cạnh những con số đáng ghi nhận về mặt kinh tế,thực tiễn chi trả DVMTR cho thấy chính sách này đã có những tác động đáng kể đến sắp xếp tổ chức và thể chế quản lý lâm nghiệp tại các địa phương. Theo đó, hệ thống tổ chức quản lý bảo vệ rừng dần hình thành nên cơ cấu, chức năng và mối quan hệ mới từ cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng thôn bản nhằm đáp ứng cho quá trình thực hiện chi trả DVMTR.

Những thay đổi này, hoặc làm tăng cường, hoặc suy giảm vai trò và chức năng vốn có của các bên liên quan; từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR nói riêng và chất lượng quản lý bảo vệ rừng nói chung ở các địa phương. Đồng thời, sự thiếu vắng của một hệ thống giám sát – đánh giá thực hiện và hiệu quả chi trả DVMTR toàn diện, có chiều sâu về cả ba khía cạnh thể chế – môi trường – xã hội, cũng được coi là nguyên nhân khiến những hiệu quả và tác động của chính sách chi trả DVMTR chưa được nhận diện và đánh giá một cách đầy đủ.

 

Hiệu quả trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng



 Ba tiêu chí cần đảm bảo trong chi trả dịch vụ môi trường rừng


Trong phần thảo luận, các đại biểu đã giới thiệu và chia sẻ các kết quả thử nghiệm bộ công cụ đánh giá độc lập hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại cấp địa phương đến các cá nhân, tổ chức và cơ quan liên quan. Với kỳ vọng có thể được xem xét và lồng ghép nội dung này trong quá trình sửa đổi chính sách chi trả DVMTR hiện nay cần đảm bảo theo 3 tiêu chí: minh bạch, công bằng và bền vững. Đặc biệt phải thúc đẩy hợp tác Công – Tư trong quản lý bảo vệ rừng. Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận mở rộng về vai trò của chính sách chi trả DVMTR và khả năng gắn kết chính sách này với các sáng kiến lâm nghiệp khác trong bối cảnh tổng thể tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và tăng cường hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ở Việt Nam…

Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực của chương trình thì thực tế hiện nay vẫn còn một số địa phương khó khăn, thiếu kinh phí và nguồn nhân lực có trình độ để triển khai thực hiện công tác rà soát, xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng phục vụ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Các công việc này chưa hoàn thành nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp là Tổng cục Lâm nghiệp cần phải tiếp tục đôn đốc, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tham mưu ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật kết hợp với việc mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.

HÀ PHƯƠNG (hanoi@tinmoitruong.vn)