Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

(18:41:35 PM 21/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 21/11, tại Trường Trung học cơ sở Trần Thị Tiết, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam cùng UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức mít-tinh hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh thế giới và báo cáo kết quả hoạt động của “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” giúp cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam thông qua các mô hình truyền thông và giáo dục bền vững.

Vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh -Ảnh: TL


Bộ Y tế và Công ty TNHH Unilever Việt Nam đã phối hợp triển khai “Chương trình nâng cao ý thức vệ sinh và cải thiện vệ sinh môi trường” từ năm 2012 và thực hiện “Khung kế hoạch hợp tác chiến lược nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018” với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho 10 triệu người dân Việt Nam. Chương trình đã triển khai các hoạt động: cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình tại nông thôn; cải thiện điều kiện vệ sinh tại trường học; công tác phòng chống dịch bệnh.


Từ năm 2001, Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (World Toilet Organization) đã lấy ngày 19/11 hàng năm làm “Ngày nhà vệ sinh thế giới” với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này. Theo Tổ chức Liên hợp quốc, việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể cứu sống hơn 200.000 trẻ em trên thế giới. Các nước có tỷ lệ đi tiêu bừa bãi cao cũng là các nước có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị chết và suy dinh dưỡng cao.


Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, người dân dễ mắc phải các dịch bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, đặc biệt là bệnh tay chân miệng do nhiễm phải mầm bệnh có trong phân của người khác đã phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh. Vệ sinh môi trường kém là một nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi xương ở Việt Nam lên đến 26%.


Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập của vấn đề vệ sinh hiện nay là do nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa đồng đều giữa các vùng miền. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi.


Theo báo cáo của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 – 2015, đến nay mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; còn khoảng 16 triệu người vẫn đang hoặc phóng uế bừa bãi hoặc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.


Tại Hội Nghị cấp cao về nước và vệ sinh cho mọi người (4/2015), Chính phủ Việt Nam đã cam kế đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đầu năm 2030 thì 100% các hộ gia đình ở Việt Nam có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trần Thị Thu Hiền