Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai rác rừng trồng 7 tuổi trong đợt đánh giá tháng 7/2015
Tổ chức đánh giá độc lập vừa cấp cho Hội các Nhóm hộ có Chứng chỉ rừng Quảng Trị một chứng chỉ mới có chu kỳ 5 năm cho giai đoạn 2015-2020 đối với 1.393 ha gỗ keo trồng thuộc 517 hộ ở tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam.
Mô hình chứng chỉ rừng nhóm hộ được tiên phong áp dụng tại Quảng Trị giúp giảm thiểu gánh nặng về tài chính cũng như hành chính trong việc đạt được chứng chỉ cho nhóm hộ trồng rừng. Chứng chỉ nhóm đầu tiên được cấp năm 2010 cho 316 ha rừng trồng của 118 hộ dân. Từ đó đến nay, nhóm hộ ở Quảng Trị đã lớn mạnh với quy mô lên tới 30 chi hội trên địa bàn 51 thôn.
Gỗ có chứng chỉ FSC hiện đang có nhu cầu rất cao ở Việt Nam. Dù nền công nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam là khá lớn và đang tăng trưởng mạnh nhưng thị trường mà nó đang cung cấp, đặc biệt là châu Âu, lại ngày càng đòi hỏi cao về nhu cầu gỗ có chứng chỉ FSC™. Trong khi đó, với nguồn cung gỗ có chứng chỉ FSC™ còn hạn chế trong nước, rất nhiều nhà sản xuất chế biến phải nhập khẩu gỗ có chứng chỉ từ nước ngoài. Gỗ FSC™ tại Việt Nam hiện có giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ khoảng 15-20%. Thêm vào đó, với việc bán trực tiếp tới các nhà máy với tư cách là một hiệp hội mà không cần thông qua các thương lái trung gian, các hộ trồng rừng ở Quảng Trị có thêm cơ hộ tăng cao thu nhập.
Ông Lê Biên Hòa là một trong nhiều hộ dân được hưởng lợi từ chương trình. Tham gia nhóm chứng chỉ đầu tiên năm 2010, ông thú nhận mình biết rất ít về chứng chỉ rừng cho đến trước khi dự án bắt đầu. Thoạt đầu, việc thương thảo với các nhà thu mua gỗ cũng như tuân thủ theo các tiêu chuẩn của FSC™ là những vấn đề mà ông còn rất mơ hồ và không nắm rõ. Ông Hòa còn nhớ rõ hình ảnh lúc đó với cảm giác sững sờ của các thành viên trong nhóm khi lần đầu bán được gỗ có chứng chỉ. “Chúng tôi được lãi gấp đôi!”.
“Tất nhiên đối với người nông dân nghèo, điều ưu tiên số một là lợi ích về mặt kinh tế”. Ông Hòa chia sẻ. “Nhưng sau một vài năm tham gia dự án với nhiều chương trình đào tạo tập huấn, người dân đã nhận ra rằng còn có những tác động to lớn nữa về mặt xã hội và môi trường. Giờ đây, với kiến thức và kỹ năng được cải thiện, những người nông dân đã hiểu được làm thế nào để kinh doanh sản xuất rừng một cách bền vững. Khi sinh kế được cải thiện và nâng cao, người dân cảm thấy có trách nhiệm hơn với môi trường sống xung quanh mình”, ông nhấn mạnh thêm.
Kiểm tra rừng trồng 2 tuổi
Các thành viên nhóm đã có những cải thiện đáng kể trong cách thức quản lý rừng trồng của mình. Trong khi thời gian khai thác keo thông thường chỉ là 4-6 năm cho mục đích gỗ dăm, các thành viên của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng ở Quảng Trị đã nâng chu kỳ khai thác lên từ 9-11 năm theo định hướng sản xuất gỗ có chất lượng cao hơn phục vụ nhu cầu chế biến gỗ xẻ cho các nhà máy sản xuất đồ nội/ngoại thất. Theo mô hình quản lý rừng trồng bền vững theo định hướng chứng chỉ FSC™, các loài cây bản địa cũng được trồng thêm tại các vùng đệm như ven hồ, sông hay suối nhằm tăng cường đa dạng sinh học cũng như đảm bảo các chu trình sinh thái tự nhiên. Việc kiểm soát từ khâu trồng cho đến thu hoạch như hạn chế khai thác trắng và tránh đốt thực bì cũng giúp cải thiện chất lượng đất đai và hạn chế xói mòn.
WWF hiện vẫn đang tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn và hỗ trợ các nhóm hộ trồng rừng để cái thiện hơn nữa phương thức quản lý và củng cố các mô hình sản xuất kinh doanh. IKEA, Tập đoàn kinh doanh nội thất tiếng tăm của Thụy Điển, đã tài trợ cho chương trình dự án như một phần cam kết của mình trong việc tang cường chuỗi cung ứng gỗ có chứng chỉ FSC™ ở các quốc gia sản xuất chủ chốt. Các nhà cung cấp địa phương của IKEA như công ty Scansia Pacific là những khách hàng rất quan trọng của các hộ trồng rừng ở Quảng Trị.
Với sự hỗ trợ và tư vấn của WWF, ngoài đối tượng nhóm hộ, Scansia Pacific cũng đã tiếp cận được và thu mua gỗ nguyên liệu từ hai công ty trồng rừng lớn vừa mới đạt chứng chỉ FSC. Đó là Công ty Triệu Hải với 5.228 ha rừng trồng, bao gồm 3.661 ha rừng keo, 1.128 ha rừng thông và 438 ha vùng đệm/đai xanh và Công ty Lâm nghiệp Đường 9 với 4.870 ha rừng keo.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu 30% diện tích rừng sản xuất trong số 4,48 triệu ha rừng trồng sẽ được cấp chứng chỉ đến năm 2020
Ông Nguyễn Vũ, Quản lý Dự án của WWF-Việt Nam, Hợp phần Keo, cho biết: “Thực hiện được mục tiêu nói trên là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên những thành công gần đây nhất cho thấy rằng các mô hình hiện có có thể giúp các nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của gỗ có chứng chỉ. Sự thành công của các nhóm hộ ở Quảng Trị đặc biệt đang là nguồn động lực khích lệ đến một tỉ lệ lớn các hộ gia đình đang quản lý diện tích 2,5 triệu ha rừng trồng ở Việt Nam.
Chính quyền địa phương cũng như những người nông dân ở các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đang rất quan tâm và mong muốn hướng theo mô hình thành công của Quảng Trị trong việc tiếp cận thực hiện chứng chỉ rừng FSC™. Các hộ nông dân chủ chốt cũng như ban ngành liên quan của một số tỉnh phía Bắc như Yên Bái và Bắc Kạn cũng đã có chuyến tham quan học tập đến vùng dự án ở Quảng Trị với ý định tìm hiểu và nhân rộng mô hình. Theo nhu cầu đó, hiện WWF đang trong tiến trình thảo luận với Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) về định hướng hợp tác hỗ trợ cho mục tiêu này.
Người dân trồng rừng kiểm tra kỹ năng tăng tưởng