Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thanh Hóa phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

(10:26:08 AM 18/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Với bờ biển dài 102 km, ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, 7 cửa lạch cùng 18.400 ha mặt nước nuôi trồng mặn lợ, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Những năm qua, nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… nên tốc độ tăng trưởng về sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản của Thanh Hóa luôn tăng đều qua các năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản luôn đứng top 5-7 trong 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước.

 

Thanh Hóa phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững -Ảnh: TL


* Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu


Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế khiến năng suất, sản lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản còn thấp so với tiềm năng. Một trong những khó khăn đó chính là việc Thanh Hóa chịu nhiều ảnh hưởng của biến đối khí hậu, lũ lụt, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại và khô hạn… gây thiệt hại không nhỏ cho người dân mỗi năm.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế và sự phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nuôi trồng thủy sản thích hợp với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình khai thác và nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững tại xã Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa). Với mô hình này, người dân tham gia nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu được tập huấn kỹ thuật, các kiến thức về môi trường và bảo vệ môi trường, hướng tới nuôi trồng bền vững. Tại đây người dân triển khai 2 mô hình là nuôi lách vụ và nuôi xen ghép, trong đó nuôi xen ghép giữa cá Đối, tôm Rảo, tôm Sú, Cua xanh, Rong câu... thích ứng tốt hơn với thời tiết và môi trường vì đa dạng loài nuôi, đồng nghĩa với an toàn hơn khi các yếu tố môi trường thay đổi, mỗi loài có một ngưỡng khác nhau nên hạn chế nguy cơ bị mất trắng. Nuôi xen ghép còn giúp hạn chế bệnh dịch thủy sản thông qua quan hệ địch hại - con mồi, giúp đa dạng hóa nguồn thu và tăng lợi nhuận cho người nông dân. So với các mô hình thông thường của người dân Hoằng Châu chủ yếu theo phương thức quảng canh của các hộ dân phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên trong khi các yếu tố thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến bất lợi thì 2 mô hình nuôi lách vụ và xem ghép đã thích ứng được một số yếu tố thời tiết tại địa phương như: Chống chịu được rét đậm, rét hại, tránh được lụt tiểu mãn và thời tiết nắng nóng kéo dài, mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người dân (giảm dịch bệnh, tăng năng suất, giảm tỷ lệ chết, giá bán cao hơn…). Sau 5 tháng nuôi, bà con thu hoạch được 4 tạ tôm sú/ha mặt nước, 1 tạ cua và hơn 2 tấn rau câu, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thanh - hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu cho biết: Trước đây gia đình tôi nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh, năng suất phụ thuộc vào thời tiết, có năm được mùa, năm lại mất mùa. Từ khi triển khai nuôi theo mô hình mới, thả nuôi theo đúng kế hoạch nên tránh được nhiều rủi ro trong sản xuất, năng suất cũng cao hơn nhiều so với trước đây.

Từ thành công của mô hình khai thác và nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững tại xã Hoằng Châu, ngành thủy sản Thanh Hóa đang tích cực tuyên truyền, tạo cơ chế, chính sách để nhanh chóng nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh.

* Tập trung phát triển đồng bộ 3 vùng nuôi thủy sản mặn, lợ, ngọt

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, 10 tháng đầu năm 2015, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, năng suất và sản lượng đạt khá trên tất cả các loại hình, đối tượng nuôi trồng thủy sản mặn, lợ phát triển. Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 18.050 ha và 1.500 lồng nuôi cá biển, trong đó có 1.500 ha nuôi ngao tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 3.903 ha tôm sú, 170 ha tôm chân trắng ở 6 huyện, thị xã ven biển.

Thanh Hóa đang tập trung phát triển đồng bộ 3 vùng nuôi thủy sản mặn, lợ, ngọt, đầu tư thâm canh vụ 1, đa dạng hóa và lồng ghép các đối tượng nuôi vào vụ 2. Các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được quan tâm phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng nuôi tôm chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre... Bên cạnh đó, các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ đã hỗ trợ cho phát triển ngành thủy sản như việc ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao phổ biến nhiều công nghệ trong sản xuất giống: Cua biển, tôm, cá bống bớp, ngao Bến Tre, cá lăng, cá dốc; trong nuôi thương phẩm có các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, nuôi cá nước lạnh, nuôi thủy đặc sản... tạo hướng đi mới cho ngành thủy sản phát triển đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường bền vững. Ngoài ra, Thanh Hóa còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. Hiện tại, toàn tỉnh có 18.050 ha nuôi trồng thủy sản và 1.500 lồng nuôi cá biển. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm he chân trắng, ngao bến tre và cá rô phi đơn tính... Hiện Thanh Hóa đã thu hoạch 39.600 tấn thủy sản nuôi (đạt 85,2% kế hoạch), trong đó nuôi nước mặn 11.600 tấn, nuôi nước lợ 6.000 tấn, nuôi nước ngọt 22.000 tấn, trong đó cá truyền thống 21.650 tấn.

Để chủ động nguồn giống cho nuôi thủy sản, hiện đại hóa khâu sản xuất giống, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư 106 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản tại huyện Hoằng Hóa với quy mô 8 ha. Với hệ thống hạ tầng và cơ sở kỹ thuật mới được đầu tư, mỗi năm Trung tâm cung ứng cho thị trường 50 triệu giống tôm sú PL 15, 100 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 2 triệu giống cua xanh, 500 triệu giống ngao Bến Tre, 2 triệu giống tu hài và hàu...

Ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từ nay đến năm 2020, trong nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa tập trung vào 3 đối tượng chính có lợi thế gồm tôm he chân trắng, ngao Bến Tre và cá rô phi, đồng thời phấn đấu chủ động hoàn toàn việc sản xuất các giống thủy sản chủ lực như tôm, ngao, cua, cá... Do vậy, ngoài việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn, Thanh Hóa tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng mối liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để bảo đảm cung ứng ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới, Sở tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch thủy sản trong Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực cho ngành thủy sản...

Hoa Mai