Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo bản tin đặc biệt về El Nino năm 2015 (số 312/BC-DBTƯ ngày 27/8/2015) và báo cáo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2015-2016 (số 350/BC-DBTƯ) của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục 1997/1998 và kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015/2016. Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014/2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Ảnh hưởng của El Nino khiến nền nhiệt tăng cao, thiếu mưa,hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
* Hạn hán ngày càng khốc liệt
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, tuy lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng khu vực Nam Trung Bộ lại thiếu hụt 30-50%, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thiếu hụt 10-20%. Điển hình là lượng mưa tại một số địa phương: Quảng Ngãi (đạt 59% so với cùng kỳ nhiều năm), Hoài Nhơn (đạt 46%), Tuy Hòa (đạt 48%), Nha Trang (đạt 48%), Phan Rang (đạt 74%), Phan Thiết (đạt 84%), Pleiku (đạt 79%), Đắk Nông (đạt 88%). Về lượng dòng chảy, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu hụt 20-60%, có nơi đến hơn 80% (Nghệ An, Khánh Hòa) so với trung bình nhiều năm.
Dự báo trong thời gian tới, từ tháng 10/2015 - 4/2016, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ có khả năng thiếu hụt 30-50%; khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận có khả năng ở mức thấp hơn 20-40%. Mùa mưa ở các khu vực này khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Đối với lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phần lớn đã đạt trên 90% thiết kế, nhiều hồ đã đầy nước nhưng ở vùng miền núi phía Bắc, mặc dù có lượng nước trữ tương đối khá nhưng diện tích phục vụ tưới không lớn do phần lớn các hồ chứa có dung tích không lớn. Do vậy, những diện tích canh tác lấy nước tưới từ sông, suối (nhờ các đập dâng nhỏ) hoặc canh tác nhờ nước trời có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ Đông Xuân 2015-2016.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ, với mùa khô kéo dài từ cuối năm 2015 đến khoảng tháng 7/2016, hạn hán có khả năng xảy ra ở vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu, tập trung ở các khu tưới của các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp và lấy nước từ dòng chảy sông, suối tự nhiên và các vùng không có nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Các tỉnh có nguy cơ xảy ra hạn hán là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Với khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán có khả năng xảy ra ngay từ vụ Đông Xuân ở một số địa phương, như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Ở vụ Hè Thu, hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng do lượng nước trữ tại các hồ chứa đã cung cấp phần lớn cho cây trồng vụ Đông Xuân, ảnh hưởng ở hầu hết các tỉnh trong khu vực.
Đối với khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng hồ chứa nhỏ phụ trách và vùng ngoài công trình thủy lợi phục vụ tưới. Tại đây, diện tích ngoài vùng công trình thủy lợi tương đối lớn. Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới từ công trình thủy lợi chỉ được khoảng 30% diện tích canh tác (cây trồng cạn được khoảng 21-25%, tùy theo địa phương và điều kiện nguồn nước của từng năm). Các tỉnh có diện tích bị hạn hán, thiếu nước cao là Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, hạn hán năm 2016 sẽ tác động đến nhiều ngành sản xuất và đời sống nhân dân như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, nước sinh hoạt…
* Xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền
Với dự báo dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp nước cho nông nghiệp và dân sinh. Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các vùng cách biển 25-35km, từ tháng 12, độ mặn có khả năng vượt quá 4 g/l. Từ tháng 1-2/2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Các vùng cách biển 45 - 65 km, từ tháng 1/2016 đến tháng 4-5/2016 có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016.
Trong năm 2015, do mưa đến muộn khoảng 30 ngày, nên một số vùng xuống giống muộn vụ Hè Thu 2015, dẫn đến khả năng thời kỳ lúa đứng cái-làm đòng lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 rơi vào thời kỳ mặn gay gắt, nguồn nước thiếu hụt. Ngành nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm) sẽ bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do không có nguồn nước ngọt pha loãng nồng độ mặn phù hợp, ô nhiễm môi trường tăng, độ mặn quá cao vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của tôm.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt khả năng xảy ra ở các vùng ven biển, các vùng Cù Lao cửa sông (Tân Phú Đông – tỉnh Tiền Giang, Hòa Minh - Trà Vinh, Cù Lao Dung - Sóc Trăng, các huyện ven biển tỉnh Bến Tre…).
* Ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân
Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn 2015-2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh, nguồn nước cần được ưu tiên cho thứ tự các mục tiêu: Sinh hoạt, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp...
Nội dung này cũng nằm trong những giải pháp ưu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Theo đó, cơ quan chức năng, các cấp các ngành cần thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn; kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa, căn cứ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra;
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn. Trước mắt, cần ưu tiên tích nước, kế hoạch phát điện cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước ở hạ du của cả năm 2016;
Đối với các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, các cơ quan dự báo, quan trắc cần tổ chức dự báo xâm nhập mặn, chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cửa lấy nước, để hỗ trợ nhân dân lấy nước, trữ nước vào những thời gian độ mặn ở mức cho phép; Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa,…);
Ông Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, giải pháp không kém quan trọng chính là việc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đồng thời, các cấp các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lịch xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tiết kiệm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
El Nino, biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Do đó, việc quan trọng hiện nay chính là tìm ra giải pháp căn cốt giúp người dân ứng phó và phát triển bền vững lâu dài trước những biến đổi khôn lường của thời tiết hiện nay.