Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đề xuất tăng giá “rác phí”, người dân một cổ nhiều tròng

(13:13:12 PM 14/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, người dân đang chật vật để có được miếng cơm manh áo hàng ngày. Thế nhưng một loạt các dự thảo tăng giá điện, học phí, viện phí, tăng phí BHYT của HS, SV…. và gần đây nhất là đề xuất tăng giá “rác phí” đã thực sự làm người dân “lao đao” khi nghĩ đến những khoản chi phí sinh hoạt đang nè nặng lên đầu mình.

Đề xuất tăng giá “rác phí”, người dân một cổ nhiều tròng -Ảnh: Đinh Hoàng Tùng

Đề xuất tăng giá “rác phí”, người dân một cổ nhiều tròng -Ảnh: Đinh Hoàng Tùng


 “Sốc” với các loại phí!


“Sốc” đó là cảm giác của không ít hộ gia đình khi nhận được những tờ hóa đơn tiền điện tháng đầu tiên sau khi áp dụng khung giá điện mới tăng thêm 7,5% về tới tay người dân. Không chỉ các gia đình dùng điện sinh hoạt hóa đơn tiền điện tăng đột biến, mà các hộ sử dụng điện kinh doanh cũng đang “méo mặt” vì tiền điện tăng chóng mặt.


Đây không phải lần đầu tiên người dân "nổi giận" với những tờ hóa đơn điện bỗng dưng tăng đột biến của ngành điện. Ở lần tăng giá điện này, dù vin vào cớ khung giá điện tăng thêm 7,5%, nhưng cách tính giá kiểu 5,6 bậc như hiện nay của ngành điện thì Người dân cũng ...rối tung rối mù.


Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2015 tới đây thì , mức học phí ở khối trường này sẽ tăng dần hằng năm, từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021.


 Mức trần học phí đối với trường đại học công lập chưa tự chủ tài chính từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 – 2021, cụ thể, các ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, sẽ là 610.000 đồng/ tháng (năm học 2015-2016), tăng dần lên 980.000 đồng/tháng (năm học 2020-2021). Ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch từ 720.000 đồng/tháng, tăng dần lên 1,17 triệu đồng/tháng (năm học 2020-2021). Ngành Y - Dược từ 880.000 đồng/tháng tăng dần lên 1,43 triệu đồng/tháng (năm học 2020-2021).


Trong khi đó,mức học phí lên đến hàng chục triệu đồng/năm học ở các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, cụ thể, ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, học phí ở mức 1,75 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 1,85 triệu đồng/tháng từ năm 2018 đến năm 2020 và 2,5 triệu đồng/tháng từ năm 2020-2021. Học phí ngành Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật, Công nghệ; Thể dục thể thao, Nghệ thuật; Khách sạn, Du lịch từ 2,05 triệu đồng/tháng đến 2,2-2,4 triệu đồng/tháng; ngành Y - Dược cao nhất, 4,4-5,05 triệu đồng/tháng.


Cũng với việc tăng học phí đại học, thì tăng mức thu Bảo hiểm y tế (BHYT)của học sinh, sinh viên cũng làm cho gia đình có con em đi học, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn, sinh viên nghèo càng chật vật hơn.


Theo đó, từ năm học này, thay vì đóng BHYT tương ứng 3% lương cơ sở như trước, năm nay học sinh - sinh viên phải đóng ở mức 4,5% lương cơ sở, tương đương với 434.700 đồng có giá trị trong vòng 15 tháng.


Mức tăng học phí theo Nghị định 86/NĐ-CP và tăng mức thu BHYT không chỉ tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng xa và ngay cả với những gia đình co thu nhập ổn định nhưng có 2, 3 con đi học cũng là một vấn đề, đặc biệt là vào đầu năm học khi ập đến đủ các loại tiền.


Ốm cũng không dám đi viện!


Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, tất cả bệnh viện trong cả nước sẽ được phân hạng theo cùng một bộ tiêu chí và giá dịch vụ y tế của các BV cùng hạng sẽ như nhau.


Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 15/11 được thực hiện gồm 2 lộ trình. Thứ nhất, từ ngày 15/11 mức giá khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Thứ hai, từ ngày 1/3/2016 mức giá gồm cả tiền lương.


Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam chiều 26/10, trong cả lộ trình, tiền ngày giường bệnh sẽ tăng ít nhất 2 lần, nhiều nhất 5-7 lần. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, mức giá tối đa tại bệnh viện hạng đặc biệt hiện 335.000 đồng, từ giữa tháng 11 năm nay sẽ tăng lên 354.000 đồng, sang năm 2016 sẽ tăng vọt lên gần 680.000 đồng. Tại các bệnh viện hạng 4 - hạng thấp nhất hiện nay và chưa phân hạng, giá giường điều trị nội trú cũng từ 55.000 lên 66.000 đồng và sau đó là 165.000 đồng cho một ngày, cao gấp gần 3 lần so với hiện tại.Giá khám bệnh cũng tăng 2-4 lần tùy hạng bệnh viện. Và kéo theo là 1.800 dịch vụ y tế cơ bản cũng tăng giá.

Thông tin giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng với mức trung bình từ 2-7 lần làm nhiều người “hốt hoảng”bởi chi phí khám chữa bệnh đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều người bệnh. Nếu cứ tăng như hiện nay thì những người không có bảo hiểm, hoặc có bảo hiểm nhưng mắc bệnh không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả chắc “ốm cũng không dám đến bệnh viện”. Và nhiều người cho rằng lý do các cơ quan chức năng đưa ra để tăng viện phí nghe rất hợp lý, viện phí tăng nhưng chất lượng khám chữa bệnh chưa chắc đã được cải thiện.


Và gần đây nhất là đến “rác phí” cũng đã có đề xuất “cần phải” tăng giá, vì cho rằng mức thu phí hiện nay là quá thấp, không đủ chi trả nhân công dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp đi.


Người dân đang mừng vì giá xăng đang giảm nhưng với cơ chế thất thường “lên xuống” như hiện nay thì rất có thể một vài hôm  nữa, giá xăng lại “nối gót” các loại phí kia mà tăng vùn vụt.


Nhà nước, doanh nghiệp hiện nay đều lý giải rằng với mức thu học phí, viện phí, rác phí, bảo hiểm phí, điện phí… hiện nay đều là quá thấp. Nhà nước, doanh nghiệp luôn phải bù lỗ, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ thì phí phải thu tăng lên, …Thế nhưng cũng cần phải nhìn vào đời sống còn nhiều khó khăn của đại bộ phận người dân.Và đặt phép so sánh với thực tế hiện nay trong khi các loại phí tăng giá liên tục, tăng nhiều lần thì thử hỏi:“thu nhập của người dân có tăng tương xứng?”.

HÀ PHƯƠNG (hanoi@tinmoitruong.vn)