Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác thải ở nông thôn -Ảnh minh họa: TL
Bí thư Đảng ủy xã Phục Lễ Nguyễn Hữu Việt cho biết: Trước năm 2009, xã Phục Lễ không có nhà máy xử lý rác thải mi ni. Người dân thường bỏ rác sinh hoạt ra những bãi đất trống hoặc những nơi ít người qua lại. Nếu tình trạng này kéo dài, đất, nước, môi trường sống của xã bị đe dọa vì ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Nhận thức rõ điều đó nên từ năm 2010, UBND xã Phục Lễ đã xây bãi chôn lấp rác tạm với diện tích 0,5ha. Tuy nhiên, trên thực tế bãi chôn lấp rác chỉ là phương án giải quyết tạm thời.
Từ năm 2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển du lịch Non Nước Việt phối hợp với UBND xã Phục Lễ và Công ty cổ phần Lilama 69-2 nghiên cứu hướng xử lý rác thải dựa trên 3 yếu tố: Thay đổi nhận thức của người dân; phân loại từ nguồn; sử dụng, tái chế triệt để các chất thải từ rác. Để giúp người dân hiểu hành vi vất rác bừa bãi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính mình, việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với người dân trong xã, ở mọi lứa tuổi, từ các cuộc họp của Đảng ủy, UBND xã đến các cuộc họp của Hội Cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, trường học. Cùng với việc tuyên truyền, xã đã xây dựng đội thu gom rác thải lưu động có 11 người. Những người này được trả lương theo tháng, dựa vào tiền thu phí vệ sinh từ các hộ dân.
Sau khi người dân thay đổi thói quen vất rác bừa bãi, để việc xử lý rác thải hiệu quả, Công ty cổ phần Lilama 69-2 đã tặng các gia đình của xã 2 thùng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ. Việc phân loại từ đầu giúp việc tái chế rác thải hiệu quả hơn. Rác thải hữu cơ được ủ thành phân compost, tạo ra loại phân bón an toàn cho đồng ruộng và là thức ăn để nuôi giun quế. Giun quế lại trở thành thức ăn cho gia cầm. Rác vô cơ sau khi được thu gom sẽ được đưa về xử lý bằng lò đốt rác do Công ty cổ phần lắp máy Lilama và Công ty Non Nước Việt chế tạo thành công. Lò đốt này có thể xử lý triệt để khí CO2 (cacbonic), SO2 (lưu huỳnh), Dioxin ở nhiệt độ 1.500 độ C. Nguồn nhiệt thu được từ lò rác có thể sử dụng để đun nước nóng cho sinh hoạt tại chỗ, cấp nhiệt cho lò sấy nông sản của nhân dân. Chất sỉ, thải tận dụng để đóng gạch papin. Hiện tại, các đơn vị chế tạo máy đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện lò đốt rác và hướng tới cung cấp cho các xã với giá cả phù hợp, cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại.
Trong lần kiểm tra mô hình lò đốt rác tại xã Phục Lễ mới đây, Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Ưu việt lớn nhất của lò đốt rác này là các linh kiện đều được sản xuất trong nước, nên giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Đây sẽ là hướng đi tốt để đưa mô hình xử lý rác thải này đến các vùng nông thôn. UBND xã Phục Lễ đã có hình thức tuyên truyền rất phù hợp, thích hợp giúp người dân trong xã thay đổi nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường - đây cũng là cách làm mà các địa phương có thể tham khảo, nhân rộng.
Năm 2010, HĐND thành phố Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về xử lý chất thải rắn tại nông thôn, giai đoạn 2010-2020, tuy nhiên hiệu quả triển khai trong thực tiễn còn rất hạn chế. Hình thức kết hợp giữa người dân, chính quyền xã và doanh nghiệp theo cách làm của Phục Lễ là một gợi ý để các địa phương có thể học tập, xử lý vấn đề liên quan đến rác thải, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.