Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tam giác mạch còn lại gì sau cơn lốc du khách? Tin mới nhất

(13:21:59 PM 09/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Hai tuần trở lại đây, cao nguyên đá “cháy” phòng nghỉ, “cháy” hàng ăn, tắc đường vì du khách từ dưới xuôi nườm nượp kéo nhau lên chụp ảnh mùa hoa tam giác mạch.

Tam giác mạch còn lại gì sau cơn lốc du khách?
Những đồng hoa bên bờ rào đá.


Cơn lốc hoa trên cao nguyên đá

Đến Hà Giang mùa này, ra đường toàn đội quân nhiếp ảnh, từ nghệ sĩ đến khách lãng du hoặc dân phượt chủ yếu là giới trẻ đi thành từng tốp, lùng sục từng thửa ruộng hoa rồi chờ đợi những khoảnh khắc đẹp như hoàng hôn hoặc bình minh trên những cánh đồng hoa để săn ảnh.

Còn nhớ năm ngoái, chỉ trong 2 ngày nghỉ, 3.000 người đã kéo nhau lên tàn phá nơi đây. Phí vào ruộng hoa để chụp ảnh từ 10.000-20.000 đồng một người, nhưng sau khi họ ra về thì ruộng hoa của đồng bào dân tộc tan nát, khó có hy vọng gỡ lại mùa vụ. Không chỉ nhảy vào giữa ruộng hoa để chụp ảnh, tạo dáng đủ kiểu mà nhiều người trẻ còn ác tới mức cưỡi cả xe máy, đánh cả xe Jeep vào giữa cánh đồng hoa.

Đằng sau những bức ảnh đẹp mắt, và cả sự hỉ hả của người trẻ, là sự ngao ngán của các chủ vườn đồng bào dân tộc. Dù nhận được một chút tiền, bù đắp phần nào cho công trồng cấy nhưng chắc không ai thấy vui khi thành quả lao động của mình bị đối xử thiếu tôn trọng và thiếu văn hóa như vậy.

Cuối tuần qua, anh Nguyễn Hùng Cường hướng dẫn đoàn khách 23 người xuất phát từ Quảng Ninh. Anh cho biết các khách sạn ở Đồng Văn đều cháy phòng. Dù nhiều nhà dân kinh doanh dịch vụ nghỉ trọ, lượng khách quá đông khiến đoàn cũng phải rất vất vả mới liên hệ được.

Lượng khách đổ dồn cùng một thời điểm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc đường ở một số điểm du lịch như đèo Mã Pì Lèng, nhà Vua Mèo, cột cờ Lũng Cú. Anh Cường cho biết đoàn anh phải đi bộ gần một cây số vào nhà Vua Mèo vì tắc đường, xe không thể di chuyển. Tại cột cờ Lũng Cú, địa phương phải dựng rào chắn từ xa để ngăn ô tô đi vào sâu.

Ăn uống cũng khá đắt đỏ. Bạn Nguyễn Dũng lưu ý các du khách khi nghỉ ăn cơm ở Yên Minh nên hỏi giá trước, “cập nhật giá cơm bình dân tôi mới đi cách đây 1 tuần: 100.000 đồng đĩa trứng rán, 40.000 đồng một đĩa rau cải luộc được 3 gắp, 30.000 đồng bát nước rau luộc”. Còn một bạn khác thì phải ăn một con vịt quay với giá 400.000 đồng.

Ông Tải Đình Tinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Đồng Văn cho biết, chỉ trong 3 ngày (23-25/10) đã có 12.388 lượt khách đến đây. Đây là con số kỷ lục tính từ đầu mùa bởi 3 ngày cuối tuần trước, lượng khách đến Đồng Văn là hơn 7.000 lượt.

Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của lượng khách ngày càng tăng, lãnh đạo huyện đã làm việc với các hộ dân, đảm bảo đủ nơi ăn, chốn ngủ và ổn định giá cả khoảng 80.000-100.000 đồng/phòng. Tại một số điểm du lịch có phát sinh thêm các dịch vụ như xe ôm chở khách lên tham quan cột cờ, Ban Quản lý cũng sẽ thông báo giá niêm yết qua loa truyền thanh cho du khách nắm được.

Bao đời nay cây tam giác mạch mộc mạc, hồn nhiên nơi cao nguyên đá. Bỗng đến một ngày đẹp giời tiết thu chuyển sang đông, những bạn trẻ ưa trải nghiệm đã nhận ra vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa quyến rũ của những cánh đồng hoa đẹp bất tận ở cực Bắc của Tổ quốc.

Có người bảo, có khi từ lúc cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu (từ năm 2010), cây tam giác mạch cũng bắt đầu bước ra khỏi cuộc sống bình lặng vốn có. Lãnh đạo của địa phương này cũng xác nhận sở dĩ hoa tam giác mạch tạo sức hút lạ kỳ âu cũng bởi một phần không nhỏ nhờ truyền thông và mạng xã hội.

Năm 2015, lần đầu tiên Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức nhằm tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của cao nguyên đá Đồng Văn, lấy hoa tam giác mạch làm biểu tượng cho du lịch Hà Giang.

Nhiều người từng du lịch tuyến Hà Nội - Hà Giang đã biết, ngắm hoa tam giác mạch cũng chỉ là cái cớ cho một tour chừng 3-4 ngày để tham quan hết các địa điểm hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc. Đó là phố cổ Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, dinh thự Vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, đi chợ phiên vùng cao…

Như vậy, cũng nhờ những cánh đồng tam giác mạch và nhờ những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, việc kết nối các điểm đến ở một địa phương vùng núi như Hà Giang nay thuận lợi hơn.

Hiện mỗi tour du lịch ngắm hoa tam giác mạch, khám phá Hà Giang có giá khoảng hơn 2 triệu đồng một người. Ước tính sơ bộ từ các cơ sở lưu trú đã có hàng nghìn khách du lịch đặt phòng nghỉ tại Hà Giang trong những ngày diễn ra Lễ hội. Các hãng lữ hành cho hay, hiện phòng nghỉ ở khu vực Đồng Văn đã kín.

Tôi thấy… “hoang tàn” trên ruộng hoa

 

Tam giác mạch còn lại gì sau cơn lốc du khách?
Lời cảnh báo bảo vệ môi trường.


Bao giờ cũng thế, khi những cơn sốt lan tới những điểm du lịch được khai phá bởi sự yên tĩnh, hoang sơ thì đi cùng với đó là rác. Bởi, khi không có một phông văn hoá, đi tới đâu họ để lại “dấu ấn” ở đó như vẽ bậy, viết bậy lên di tích, tàn phá các ruộng hoa.

Tiêu biểu nhất là trường hợp những người dân ở Mộc Châu đã viết tâm thư gửi các phượt thủ. Nội dung bức thư chê trách các bạn trẻ đi phượt, chụp ảnh, vô ý thức xả rác, phá hoại cảnh quan, mùa màng, vườn tược của người dân nơi đây. Chưa kể tới hình ảnh xấu khi họ điên cuồng phi thẳng xe qua ruộng hoa tam giác mạch và thậm chí trèo lên đỉnh cắm cờ ở Lũng Cú để chụp ảnh…

Đơn cử đảo Lý Sơn được nằm giữa biển khơi với làn nước trong xanh, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, quyến rũ lòng người. Nhưng thời gian gần đây, mọi người tới Lý Sơn vô cùng ngạc nhiên khi những điểm tham quan tràn ngập rác do khách du lịch thiếu ý thức.

Rác bị vứt khắp nơi, nhiều nhất là ở hang Câu hay cổng Tò Vò. Đây là những điểm thu hút khách du lịch, vì thế lượng người đến rất đông nhưng không có ý thức bảo vệ môi trường. Khách cắm trại rồi xả rác ngay tại chỗ. Trên bờ biển, hàng trăm túi nilon trôi nổi, theo sóng dạt vào bờ.

Trên đảo có một nhà máy xử lý rác dạng đốt lò thủ công, công suất mỗi ngày tối đa khoảng 3 tấn, trong khi đó hàng ngày lượng rác thải thu gom trên đảo khoảng 10 tấn và lượng rác thải từ dân cư khoảng 20 tấn.

Không chỉ Lý Sơn, trước đó các bãi biển như Cửa Lò (Nghệ An), Hạ Long (Quảng Ninh) hay các vùng biển khác khách đổ về tắm biển cũng vô ý thức vứt vỏ trái cây, túi nilon, hộp xốp, vỏ chai, lon bia... dọc các bãi biển khiến những bãi tắm đẹp bỗng dưng trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.

Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều cột thạch nhũ thiên tạo tuyệt đẹp đã bị một số du khách vô ý thức cạo sần sùi hoặc sờ vào khiến cho nhũ đá bị thâm đen. Một số nhũ đá còn bị đập để mang về. Một số góc khuất, mùi xú uế còn bốc lên nồng nặc, nhất là lúc trời nắng. Nhiều người tiểu tiện ngay trong hang động khiến cho môi trường bị ô nhiễm, bốc mùi.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, tình trạng buông lỏng quản lý ở một số nơi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ cộng với sự vô ý thức của một bộ phận du khách sẽ có tác động đến vấn đề môi trường, hủy hoại những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.

Ông cũng cho biết, ngoài việc quản lý chặt chẽ, chính quyền địa phương ra tay xử lý, làm đến nơi đến chốn thì vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách cũng cần được chú trọng. Tổng cục Du lịch từ lâu đã ban hành một số bộ quy tắc về ứng xử trong du lịch, các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên cần tuyên truyền trực tiếp cho khách tại mỗi địa điểm du khách tham quan.

Cũng những ngày qua, bộ ảnh cảnh báo sự tàn phá về tam giác mạch đang gây xôn xao, nhiếp ảnh gia Đỗ Xuân Bút chia sẻ ý tưởng chụp bộ ảnh: “Ban đầu, tôi có kế hoạch chụp một bộ ảnh của bé gái trên cánh đồng hoa tam giác mạch. Đến Hà Giang, đi qua những con suối, tôi thấy có nhiều túi nilon, hay trên đường đi còn những túi rác của dân phượt vô tình bỏ lại, khi chụp với hoa tam giác mạch cũng vậy. Cho nên, tôi có ý tưởng chụp bộ ảnh để nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của khách du lịch.

Tôi muốn ngắm những cánh đồng hoa đón nắng Hà Giang không vướng bận những túi nilon hoặc vỏ kẹo nằm la liệt dưới đất. Tôi muốn trông thấy tam giác mạch nở hoa, cho hạt và làm lương thực giúp người dân tộc qua cơn đói chứ không muốn trông thấy những cây hoa bị nát bởi những vết giày của người miền xuôi."

Qua bộ ảnh, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: “Tất cả mọi người dù là dân phượt hay du lịch, hãy nâng cao ý thức để giữ gìn những cảnh quan mà thiên nhiên đã trao tặng cho Hà Giang, điển hình đó là những bông hoa tam giác mạch và nâng cao ý thức dân phượt tới các mọi miền Tổ quốc hãy bảo vệ môi trường hơn”.

Và trên thực tế, nhiều người với tâm lý đám đông, ngẫu hứng, đi để “lấy le” ta đã đặt chân tới mọi miền Tổ quốc, nên đi chỉ lăm lăm tới đúng cột mốc, đến mùa tam giác mạch… chụp ảnh đưa lên facebook cho bạn bè ngưỡng mộ mà thôi. Còn khung cảnh hoang sơ thì than thở quá buồn tẻ…

Vào  những ngày cuối tuần này, bất chấp mọi ngả đường đều đổ về cao  nguyên đá cùng với sự kém ý thức của những người đến tham quan, một ngày không xa, vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc của vùng đất này sẽ mất đi, thay vào đó sẽ là rác thải và ô nhiễm môi trường.

Đành rằng, hút khách du lịch sẽ mang tới cho người dân cao nguyên đá những ấm áp khởi sắc, nhưng xin hãy để cho người dân sự hồn hậu vốn có, không phải là giá cả “chặt chém” “ăn xổi”, cũng như làm ồn ào, đánh mất đi sự hoang sơ của dải đất hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc. Và du khách, khi ra về, xin chỉ mang theo những tấm hình và dấu chân nâng niu ở lại, chứ không phải là sự tàn phá…

Nguồn: Pháp Luật Việt Nam