Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam với Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu

(11:01:53 AM 07/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “COP 21 về biến đổi khí hậu: vai trò và sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số"

Hội thảo nhằm khuyến nghị các bên tham gia đàm phán tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) về việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số vào các quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Cuộc sống đồng bào dân tộc ít người ở Lâm Đồng

Cuộc sống đồng bào dân tộc ít người ở Lâm Đồng- Ảnh: TL


Các đại biểu dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Thái… đến từ nhiều vùng, miền cho rằng, cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu khi lũ quét, sạt lở đất, sa mạc hóa, cháy rừng, thiếu nước đang xảy ra ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn trong những năm gần đây.


Mặc dù cộng đồng dân tộc thiểu số đang chủ động khắc phục khó khăn, giảm thiệt hại và dần thích ứng với biến đổi khí hậu, những nỗ lực này đã có một số kết quả bước đầu nhưng kết quả đó chưa thể đưa trả lại cuộc sống ổn định như trước đây và thiếu tính bền vững. Hiện nay, ở nhiều nơi cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể tự vượt qua.


Cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam kiến nghị được giao đất gắn với giao rừng, bảo vệ và sử dụng lâu dài, kèm theo đó là chế độ chính sách, cơ chế chia sẻ lợi ích tương xứng. Dân tộc thiểu số cần được hoàn trả cho những nỗ lực trong việc làm giảm thiểu phát thải và tích luỹ khí nhà kính bằng hàng loạt các công việc thường ngày như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác như không phát, đốt rừng.


Theo nhận xét của chị K’Ốt, dân tộc Mạ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng: Nhà nước cần xây dựng luật người dân tộc thiểu số; cấp chứng chỉ cacbon, chi trả trực tiếp cho người dân; có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan bằng tiếng, chữ dân tộc và tham vấn ý kiến để có sự đồng thuận của người dân khi qui hoạch, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như thủy điện, giao thông, khai khoáng,… Có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, môi trường.


Chị H’Rức B’Lo, dân tộc Ê đê, tỉnh Đắc Lắk nhấn mạnh trong Hội nghị quốc tế Cop 21 vào cuối năm 2015 và các hội nghị tiếp theo cần có đại biểu người dân dộc thiểu số tham gia. Người dân tộc thiểu số cần được nâng cao năng lực để có khả năng tự chống đỡ với thiên tai, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để sống và sản xuất bền vững. Các dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ để có khả năng sử dụng các kỹ thuật và công nghệ bản địa truyền thống đồng thời cần được tiếp cận các công nghệ và kỹ thuật mới từ cộng đồng quốc tế để phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính phải hỗ trợ tài chính cho người dân tộc thiểu số để bù đắp các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các dân tộc thiểu số về kỹ thuật, quản lý và tài chính để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Minh Nguyệt