Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dòng nước đen đặc tại công trình cống Kênh Cầu-Ảnh: TL
Theo quyết định 56 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khi xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi phải được cấp có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp đều phớt lờ quy định này.
Chi Cục thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay số doanh nghiệp xin cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi chỉ được một vài đơn vị. Mặc dù quy định nêu rõ tổ chức, cá nhân sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, bệnh viện, đô thị, khu dân cư tập trung và các hoạt động khác, nếu xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước là UBND tỉnh và Chi cục thủy lợi tỉnh.
Ông Trần Duy Trinh, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết: Xả thải không xin phép khiến cho Chi cục rất khó quản lý chất lượng nước. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cung cấp sản xuất cây nông nghiệp vì đây là hệ thống nước cung cấp chủ yếu cho sản xuất.
Tháng 7/2015, Đoàn thanh tra của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã đi kiểm tra đột xuất 5 doanh nghiệp ở tỉnh (gồm: công ty Trách nhiệm hữu hạn may TBT, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chi nhánh tại Hải Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietory và công ty Vinaincon) thì có 2 doanh nghiệp chưa được cấp phép, 3 doanh nghiệp có phép nhưng chưa hoàn thiện hệ thông thu gom xử lý nước thải. Kết quả quan trắc phân tích mẫu nước xả thải ở cả 5 cơ sở cho thấy một số thông số nồng độ vượt mức quy chuẩn cho phép. Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt các doanh nghiệp này.
Tình trạng xả thải không phép vào các công trình thủy lợi không chỉ dừng lại ở hệ thống kênh nhánh, kênh thủy lợi nội đồng mà hệ thống kênh chính cũng diễn ra phổ biến. Ông Đặng Duy Hiển giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, có đến 90% các cơ sở sản xuất nghề nhỏ, các làng nghề giết mổ, các khu dân sinh, các bệnh viện, nhà máy chế biến nông sản đều chưa có xử lý nước thải và chưa được cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi của công ty quản lý ở Hải Dương. Cụ thể như làng nghề sản xuất bún, sản xuất giày dép da ở huyện Gia Lộc; sản xuất bánh đa ở thành phố Hải Dương; chế biến nông sản, giết mổ trâu bò Văn Thai huyện Cẩm Giàng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm nước trong hệ thống công trình thủy lợi, ô nhiễm nước tưới còn tăng hơn vào mùa kiệt nguồn nước. Hàng năm vào những mùa thiếu nước kéo dài khoảng 3 tháng, hệ thống kênh chính bắt buộc phải đóng 2 đầu kênh để giữ nước phục vụ sản xuất cho cả vùng, vì vậy nguồn nước đã ô nhiễm nay lại càng ô nhiễm hơn. Trong khi đó hệ thống vẫn phải cung cấp nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để kiểm soát được chất lượng nguồn nước xả thải vào các công trình thủy lợi hiện nay, các công ty khai thác công trình thủy lợi, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cử các đoàn liên ngành đi kiểm tra việc giám sát xả thải, chất thải vào hệ thống thủy lợi; đồng thời có chế tài xử lý mạnh với những đơn vị vi phạm quy định. Với các khu dân cư, làng nghề cần nghiên cứu thu nước thải tập trung vào một chỗ và xử lý đảm bảo nước sạch đúng tiêu chuẩn trước khi xả tiêu vào kênh. Các khu công nghiệp, nhà máy chế biến phải được xây dựng và giám sát các khu xử lý chất thải, nước thải. Như vậy nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của người dân mới được đảm bảo; tránh tình trạng địa phương quy hoạch vùng sản xuất rau sạch nhưng chính nguồn nước tưới lại bị ô nhiễm nghiêm trọng.