Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo động lưu vực sông Đồng Nai ô nhiễm khủng khiếp Tin mới nhất

(00:48:16 AM 07/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hàng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi…

 Báo động lưu vực sông Đồng Nai ô nhiễm khủng khiếp
Khai thác mua bán cát trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai - Ảnh: Hà Mi


Đại tá Dương Văn Linh - phó Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường đã dùng từ “khủng khiếp” khi mô tả về chất thải ra lưu vực sông Đồng Nai với đại biểu 11 tỉnh, thành phố tại phiên họp lần thứ 9 của ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai ngày 6-11.

Nước thải công nghiệp, bệnh viện… đổ ra sông

Theo đại tá Linh, toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hàng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi…

Trên lưu vực có hơn 10.100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (TP.HCM chiếm 60%) đưa ra sông mỗi ngày hơn 480.000 m3, trong đó có nước thải xả ra từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương đổ vào khu vực trung lưu và hạ lưu của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Vải.

Kế đến là nước thải từ 400 làng nghề dệt nhuộm, thuộc da, tái chế giấy, phế liệu, cao su, mía đường... đổ xuống sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của nhân dân.

Cũng theo đại tá Linh, qua kiểm tra Cục cảnh sát môi trường đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc đã có hệ thống nhưng không vận hành, vận hành không thường xuyên hoặc để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Ngoài ra có doanh nghiệp dùng thủ đoạn xây dựng hệ thống xả thải bí mật ngoài thiết kế đã phê duyệt, thẩm định để xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra sông, kênh, rạch.

Cục Cảnh sát môi trường còn cảnh báo một “bức tranh” khác gây ô nhiễm đến lưu vực sông Đồng Nai là hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Những vi phạm phổ biến thường thấy là doanh nghiệp, người dân ít quan tâm đến xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra sông, suối, ao, hồ…

“Còn các khu đô thị hàng ngày thải nước thải sinh hoạt vào hệ thống Đồng Nai - Sài Gòn trên 990.000 m3/ngày nhưng đến nay hầu như tất cả đô thị trên lưu vực sông đều chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Trong khi đó địa bàn 11 tỉnh, thành trên lưu vực sông còn nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa có hoặc không đạt tiêu chuẩn nên thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, đưa vào nguồn nước lưu vực sông.” - đại tá Dương Văn Linh cảnh báo và cho hay đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan dịch bệnh qua môi trường nước.

Ông Trần Văn Nam - Bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chủ tịch ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói: “Phải xác định đấu tranh với xả thải lén là một cuộc chiến! Họ xả lén ra một khối, không qua xử lý đã lời mấy chục ngàn rồi nên phải bắt buộc quan trắc để giám sát, kiểm tra. Tôi  chưa nói đến các sông khác, chỉ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé đã thấy rất phức tạp với chuyện xả thải…”.

 

 Báo động lưu vực sông Đồng Nai ô nhiễm khủng khiếp
Đại tá  Dương Văn Linh


Nạo vét cát tận thu, lấn sông

Để bảo vệ sông, ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng lấn, lấp và nạo vét cát tận thu, bơm hút cát lậu hiện nay. Cục cảnh sát môi trường dẫn chứng tình trạng Bộ Giao thông - vận tải cấp phép cho nạo vét luồng lạch trên sông nhưng xảy ra tình trạng móc cát trên sông đem đi bán, thiếu kiểm tra giám sát.

“Việc nạo vét hiện nay đang có vấn đề. Như tại sông Thị Vải họ nạo bên này đổ bùn bên kia và lấy cát đi bán. Vì vậy Bộ Tài nguyên-môi trường và các tỉnh phải cùng vào giám sát bởi đang thất thoát tài nguyên và làm thay đổi dòng chảy sông”- Cục cảnh sát môi trường đánh giá.

Giải thích chuyện cho phép nạo vét, đại diện Bộ Giao thông-vận tải cho hay “đây là hợp đồng dịch vụ công ích được bộ ủy quyền cho Cục hàng hải đứng ra ký với nhà đầu tư”. Hiện bộ đã cho phép thực hiện 53 dự án nạo vét trên cả nước, trong đó có bốn dự án ở sông Đồng Nai.

Dự án cho phép thực hiện nạo vét 2 năm nhưng mới một năm đã gặp phải phản ứng của một số tỉnh nên đã đình chỉ một số dự án. Theo vị đại diện của bộ, việc nạo vét để khơi thông luồng lạch là phải làm nhưng sẽ tính toán lại làm sao để ít ảnh hưởng đến môi trường.

Từ kinh nghiệm xảy ra ở địa bàn, ông Đinh Quốc Thái-chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói: “ Đổ hết cho Bộ Giao thông-vận tải không đúng đâu. Các tỉnh không cho làm thì cát đâu nó lấy. Nạo vét nhưng múc lên lấy bùn đổ ra, lấy cát đi bán. Nguy hiểm nhất là lợi dụng nạo vét để lấy những đồng tiền phi pháp nên phải tính toán vấn đề kiểm soát ra sao”.

Ông Trần Văn Nam, bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng nói thêm: “ Dứt khoát là không cho nạo vét sông Đồng Nai. Trên lưu vực sông này có 9 bãi đá ngầm được tính toán phá đi nhưng ngồi lại bàn thì không được vì nó sẽ làm thay đổi dòng chảy”.

Cảnh báo về môi trường đang bị xâm hại, ủy ban bảo vệ lưu vực sông cũng nêu ra thực trạng hiện nay, đó là các địa phương xây dựng các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang diễn ra dọc tuyến sông trên lưu vực sông Đồng Nai. Cụ thể như vụ lấn sông Đồng Nai ở P. Quyết Thắng (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho đến việc lấp hồ Bình An và rạch Bà Khâm ở P Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Theo ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, trong quá trình xây dựng các dự án này, các địa phương chưa đánh giá đầy đủ những tác động đối với môi trường và chưa tham vấn, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn về môi trường cũng như ủy ban bảo vệ sông.

Bộ trưởng Bô Tài nguyên-môi trường Nguyễn Minh Quang lưu ý: “Nguồn nước có vai trò rất quan trọng, tác động đến 15 triệu dân ở 11 tỉnh, thành lưu vực sông Đồng Nai. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động nhất hiện nay nhưng không vì thu hút đầu tư mà đánh đổi môi trường”.

Do vậy ông Quang đề nghị lãnh đạo 11 tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát xả thải và xử lý các vi phạm về môi trường.

Tại cuộc họp, ông Đinh Quốc Thái - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai được giao nhiệm vụ luân phiên, giữ chức chủ tịch ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kì thứ 3 (2015-2017). Ông Thái cam kết: “Đồng Nai sẽ cùng với 10 tỉnh, thành còn lại khắc phục những hạn chế về môi trường trên sông Đồng Nai, nhất là những vấn đề mang tính chất liên vùng liên ngành”.

“Bộ Tài nguyên - Môi trường cần xem xét lại các thủ tục cấp phép sao cho ngắn, gọn để doanh nghiệp đỡ mất thời gian mà cơ quan Nhà nước có thời gian để lo việc khác. Đơn cử như làm giấy phép khai thác đất hiện nay để xong hồ sơ phải có tất cả 5 chữ ký của phó chủ tịch tỉnh. Nó trùng lắp và gây khó cho doanh nghiệp phải đi lòng vòng. Nếu cấp phép chậm, thiếu hụt khoáng sản thì thị trường khan hiếm tăng giá và phát sinh khai thác lậu”.- Đại diện tỉnh Tây Ninh

Theo Hà Mi/TTO