Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trạm đo gió, mưa tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Thế Duyệt)
Phát biểu tại hội thảo x ác định nhu cầu và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu , ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ngành Khí tượng Thủy văn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng tránh thiên tai. Thông tin khí tượng thủy văn không chỉ phục vụ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo vệ sản xuất, đời sống, giữ gìn thành quả phát triển đất nước. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm... Do vậy, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo trong các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu để phục vụ ngành là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu: Khí tượng thủy văn có tính chất chuyên môn đặc thù, tuy nhiên, biến đổi khí hậu lại là vấn đề có tính liên ngành, liên lĩnh vực cao, bao gồm khoa học tự nhiên (khoa học trái đất, sinh học, vật lý, hóa học…), khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật….Do vậy, việc “Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực được đào tạo trong các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu” là rất cần thiết và việc xác định “Nhu cầu và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu” sẽ là cơ sở để xây dựng, thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Thuỷ văn và Tài nguyên nước, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết Khoa đang tổ chức đào tạo các ngành Khí tượng, Thủy văn, Hải dương ở bậc đại học (gồm hệ đào tạo chuẩn và đào tạo chất lượng cao) và bậc sau đại học. Hàng năm, tổng số sinh viên ở cả 3 ngành này nằm trong khoảng từ 50-100 sinh viên. Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực Khí tượng, Thủy văn của Khoa gồm có 2 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ, 7 Thạc sĩ đang là nghiên cứu sinh, nhiều cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, rất tâm huyết với ngành. Hệ thống cơ sở vật chất tương đối khá được đầu tư hàng năm từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, hệ thống máy tính mạnh, thư viện điện tử với số lượng giáo trình đầy đủ cho tất cả các môn học, các bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Chương trình đào tạo và nội dung của từng học phần được cập nhật thường xuyên theo chương trình của các Trường Đại học uy tín của thế giới cũng như phù hợp với một số vấn đề của xã hội. Với đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất tại Khoa hiện nay có khả năng đáp ứng tốt việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Tuy vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực về khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu còn gặp nhiều bất cập, như công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, kiến thức trong các chương trình đào tạo của ngành thuộc loại khó, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan đào tạo nhân lực với các cơ quan sử dụng nhân lực...
Đề cập đến một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Khí tượng, thủy văn, hải dương, môi trường và biến đổi khí hậu, bà Trần Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho rằng: Cần đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực khí tượng, thủy văn, hải dương, môi trường và biến đổi khí hậu; đề xuất thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khí tượng, thủy văn, hải dương, môi trường và biến đổi khí hậu để tăng cường sự hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở đào tạo; cơ sở đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành hoặc chuyên ngành liên quan, lĩnh vực nghiên cứu để cùng tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham dự các buổi sinh hoạt chuyên môn...
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng, nhu cầu, giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu.