Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các u hạch ung thư xuất hiện trong gan, phổi, tuyến thượng thận người đàn ông
Năm 2013, một người đàn ông 41 tuổi (giấu tên) nhiễm HIV tìm đến các bác sĩ tại Bệnh viện Medellin, Colombia trong trạng thái mệt mỏi vì sốt, ho và giảm cân trong nhiều tháng. Tại đây, ông được thông báo có khối u đường kính khoảng 4 cm trong phổi và nhiều nơi khác trong cơ thể. Các bác sĩ phát hiện những khối u xuất phát từ các tế bào của sán dây. Các chuyên gia y tế tin rằng do hệ miễn dịch của người đàn ông đã suy yếu nên đã tạo điều kiện cho sán dây sống trong cơ thể và phát triển thành bệnh ung thư.
Cái chết của người đàn ông sau khi lây nhiễm những tế bào ung thư từ sán dây đã khiến các bác sĩ thực sự “sốc”. Họ tin rằng các tế bào gây bệnh có nguồn gốc từ ký sinh trùng, cộng với hệ miễn dịch của ông đã bị suy yếu bởi HIV nên các tế bào ung thư dễ dàng phát triển thành khối u, dễ dàng xâm nhập vào phổi bệnh nhân.
Tiến sĩ Atis Muehlenbachs – một nhà nghiên cứu bệnh tật tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) – phát biểu trên tờ New England Journal of Medicine số ra ngày 5-11: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tìm thấy dạng bệnh mới: Sán dây phát triển trong cơ thể một người đã bị ung thư sau đó lây lan cho người khác, gây ra các khối u ác tính. Đây là một trường hợp hiếm thấy. Loại sán dây này được tìm thấy trên toàn cầu và trong cơ thể hàng triệu người nhiễm HIV suy yếu hệ miễn dịch. Do đó, có thể còn nhiều trường hợp tương tự nhưng không được phát triển. Đây là trường hợp nên được nghiên cứu sâu hơn”.
Tế bào ung thư siêu nhỏ của sán dây lùn
Trước đó, khi xét nghiêm phân của nam bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện nhiều trứng sán Hymenolepis nana (còn gọi là sán dây lùn vì nó hiếm khi phát triển dài hơn 40 mm và tròn 1 mm). Kết quả CT scan cho thấy bệnh nhân còn bị các khối u ung thư trong phổi từ 0.4 - 4,4 cm. Đồng thời, các khối u cũng đã lan sang gan, tuyến thượng thận và những bộ phận lân cận. Kết quả sinh thiết khối u phổi của người đàn ông cho thấy hiện tượng kỳ lạ: Các khối u ung thư tồn tại nhưng các tế bào lại rất nhỏ. “Chúng nhỏ hơn so với tế bào ung thư của con người 10 lần”, TS Muehlenbachs nói. Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra các tế bào u cũng nằm lộn xộn, chen chúc - điều không thường thấy trong các tế bào của con người.
Trong trường hợp của người đàn ông nhiễm HIV, các nhà khoa học ở CDC nghi ngờ rằng hệ thống miễn dịch suy yếu cho phép sán dây lùn phát triển mạnh không được kiểm soát. Từ đó, xuất hiện sự đột biến trong tế bào sán dây, gây ung thư cho ký sinh trùng và những tế bào này cuối cùng sẽ gây ra các khối u ung thư trong cơ thể vật chủ của chúng.
Nhóm nghiên cứu ở CDC đã phát hiện AND sán dây lùn trong các tế bào khối u ung thư của bệnh nhân sau gần 3 tháng tìm kiếm gốc rễ bệnh tật. 3 ngày sau, người đàn ông chết. Hiện chưa rõ các tế bào ác tính hình thành thế nào trong sán dây và làm sao có thể gây ra các khối u cho vật chủ của chúng.
Theo BBC, đây là trường hợp đầu tiên một người bị lây ung thư từ ký sinh trùng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng một số bệnh nhiễm trùng mãn tính, bao gồm cả bệnh do ký sinh trùng, có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở người.
TS Len Lichtenfeld, Phó Giám đốc Hội Ung thư Mỹ (ACS), nói rằng đây là phát hiện đáng chú ý cho thấy mối liên hệ giữa các chứng nhiễm trùng và ung thư đồng thời nhấn mạnh sự nghiêm trọng của việc nhiễm sán dây lùn. Ông khuyên mọi người nên ăn chín, uống sôi và giữ bàn tay sạch để phòng ngừa giun sán.
Hiện có khoảng 75 triệu người trên thế giới nhiễm sán dây lùn Hymenolepis nana do ăn phải trứng sán có trong thực phẩm dính phân chuột, côn trùng hoặc phân người đã nhiễm ký sinh trùng. Thông thường, người bị nhiễm sán dây lùn không có triệu chứng cụ thể và sán tiếp tục lớn lên, sinh sản trong ruột người.