Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Phan Xuân Dũng (Ảnh: Quochoi.vn)
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khí tượng thủy văn trước Quốc hội sáng nay 5/11, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiếp thu các ý kiến xác đáng nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn. Theo đó, quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo phải bảo đảm đủ độ tin cậy. Thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, đầy đủ.
Đồng thời dự thảo luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo do mình ban hành.
Về đề nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế- xã hội, dự thảo luật đã quy định hành vi bị cấm: “Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn”.
Dẫn ra hàng loạt thiệt hại to lớn do thiên tai, hạn hán xảy ra từ đầu năm 2015 tới nay, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng rất khó để quy định về việc “đảm bảo độ tin cậy” đối với bản tin dự báo khí tượng thủy văn. Hơn nữa khi bản tin dự báo khí tượng thủy văn thiếu chính xác, gây hậu quả thì cơ quan dự báo phải chịu trách nhiệm như thế nào thì chưa rõ.
“Rất khó đưa ra chế tài, bởi bản thân dự báo đã khó có thể chính xác trước những bất thường của tự nhiên. Thế nên theo tôi chỉ quy định cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về bản tin do mình ban hành khi không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc vi phạm quy định và bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được cập nhật, truyền phát thường xuyên, liên tục là đủ”- ông Vẻ nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết mỗi khi dự báo thời tiết không đúng, dẫn tới thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức thì cơ quan khí tượng thủy văn thường bị “đổ tội” đầu tiên. Tuy vậy pháp luật quy định thế nào về việc dự báo không đúng gây thiệt hại, trách nhiệm ở đâu thì không ai biết được.
“Đành rằng cảnh báo khí tượng thời tiết khó lắm nên nhiều khi cứ dự báo quá lên cho an toàn nhưng dự báo sai đã nguy hiểm rồi, còn dự báo quá lên thì cũng không ổn”- ông Sơn nói.