Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thuyển đánh cá (Ảnh minh họa)
Ngoài những vi phạm ở vùng biển cấm khai thác, đánh bắt hải sản, tình trạng va chạm, xung đột giữa các tàu, ghe hành nghề được phép khai thác như đánh bắt ốc mực, lưới ghẹ, nghề câu… với các phương tiện hành nghề cào đôi và cào bay liên tiếp xảy ra ở khu vực biển Hòn Sơn thuộc xã đảo Lại Sơn.
Một trong những vụ va chạm điển hình đang chờ ngày xét xử là vụ phương tiện mang biển số KG 4414 TS, hành nghề ốc mực, đang cào mực cách bờ biển Lại Sơn khoảng 3 hải lý thì va chạm với phương tiện cào đôi mang biển số KG 91330 TS. Hậu quả của vụ va chạm làm tàu KG 4414 TS bị chìm tại chỗ, hư hỏng nặng, thiệt hại tổng cộng khoảng 77 triệu đồng. Sau khi xảy ra va chạm, tàu KG 91330 TS bỏ chạy vào bờ, không cứu vớt 2 ngư phủ của tàu KG 4414 TS đang r ơi xuống biển. Sau vụ việc này, chị Lê Thị Hiền (chủ tàu KG 4414 TS) đã gửi đơn khởi kiện đến các cơ quan chức năng , hiện đang chờ đợi kết quả xử lý .
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lân, ngụ ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn (Kiên Hải) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, kể về vụ việc ghe của mình bị một tàu khác va chạm trên biển. Vào lúc khoảng 22 giờ đêm, trong một chuyến đi cào mực, ghe của ông đang họat động trên vùng biển Kiên Hải thì bất ngờ bị tàu cào đôi đến đụng vào, làm bể một phần ghe. Không những thế, ông Lân còn bị người trên tàu cào đôi lấy sắt ném vào đầu, bị đa chấn thương phần mềm vùng đầu và mặt. Ông Lân cho biết thêm: “Cũng may mắn, nếu không lúc đó, nếu tôi bị té xuống biển chắc không còn mạng để trở về đất liền. Từ khi bị ném vào đầu, bây giờ tôi hay bị nhức đầu liên tục”.
Dù không nói ra, nhưng trong ánh mắt của ông Lân đã thể hiện phần nào nỗi lo lắng mỗi khi đưa tàu ra ngư trường đánh bắt. Ông lo lắng không chỉ cho tính mạng của mình mà còn lo các ngư phủ khác trên ghe, trên đảo Hòn Sơn đã gắn nghề biển hàng chục năm trời bám biển để nuôi sống gia đình. Họ cũng như ông Lân, làm nghề biển để mưu sinh, phía sau còn cả một gia đình. Cô Bùi Thị Đức (vợ ông Nguyễn Văn Lân) rất bức xúc nói: “Không chỉ riêng gia đình tôi, còn nhiều ngư dân khác đang khốn đốn vì bị các ghe cào đôi, cào bay đánh chiếm ngư trường. Khi xung đột xảy ra, chúng tôi thường là những người bị thiệt hại nặng. Tình trạng này kéo dài chúng tôi không thể an tâm lao động, sản xuất được. Tôi và bà con ngư dân nơi đây đang chờ đợi sự can thiệp của Nhà nước, mong sớm tăng cường, kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản ở Lại Sơn nói riêng và cả vùng biển Kiên Giang nói chung”.
Còn trên vùng biển huyện Phú Quốc, đã có hàng loạt vụ khẩu chiến, xô xát xảy ra giữa ngư dân hành nghề lưới ghẹ, lưới thưng với những người hành nghề cào bay, hàng chục lá đơn kêu cứu của bà con ngư dân gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang, nhưng đều vô vọng. Mới đây, gần 20 ngư dân xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc đồng loạt kéo lên trụ sở UBND xã cầu cứu, yêu cầu chính quyền can thiệp xử lý những “hung thần” cào bay. Nhưng chính quyền xã, huyện đều bối rối vì Nhà nước chưa có chủ trương cấm cào bay hoạt động mà chỉ cấm ở vùng gần bờ.
Đồn Trưởng Đồn Biên Phòng 746, Đặng Văn Mạnh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lực lượng Biên phòng kết hợp với chính quyền địa phương tham gia phân xử, hòa giải gần chục vụ va chạm tàu thuyền trên vùng biển Lại Sơn. Nhiều lần chúng tôi phải thức suốt đêm tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình ngư trường, nhưng biển rộng mà phương tiện và lực lượng còn thiếu nên đôi khi không kịp thời phát hiện hết được các vụ xung đột, va chạm tàu thuyền”. Các ngư dân đi biển thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và những vụ va chạm, xung đột xảy ra như vậy càng làm cho họ dễ gặp rủi ro hơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội Biên phòng nhiều lúc đành “bó tay” vì không đủ lực lượng và phương tiện để tăng cường kiểm tra hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Thêm vào đó, vùng biển ở các xã đảo lại cách xa trung tâm huyện và tỉnh. Vì thế, nếu như có xảy ra mâu thuẫn, xung đột trên biển thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, không thể lường trước, mà hầu hết phần thiệt thuộc về những người hành nghề tàu có công suất nhỏ, gần bờ.
Không những thế, tình trạng va chạm tàu thuyền trên còn cho thấy rằng, nhiều phương tiện hành nghề cào bay, cào điện không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), ngang nhiên “tung hoành” đánh bắt hải sản trên vùng biển cấm. Theo nguồn tin từ Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, trong năm 2010 này, huyện Kiên Hải là địa phương xảy ra nhiều vụ vi phạm hành chính bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhất trong tỉnh, chủ yếu là đối với các phương tiện hành nghề cào bay, cào điện; qua các đợt tuần tra, kiểm soát, Thanh tra Sở đã phát hiện, lập biên bản hơn 250 vụ, xử lý 223 vụ. Đó là một con số đáng báo động.
Chư a hết, nhiều ngư dân bức xúc: “Nếu Nhà nước không sớm can thiệp thì chắc chắn không lâu nữa vùng biển Tây Nam không còn gì để bắt”. Bởi loại lưới cào bay ở trên bờ thì trông mắt lưới thưa, nhưng khi xuống nước nó xếp “teo” lại, trở thành như cái vợt. Hầu như tất cả các loại hải sản lớn, nhỏ từ cá cơm để làm nước mắm đến các loài động vật biển quý hiếm đều đang có nguy cơ bị cào bay hủy diệt. Đây là loại phương tiện đánh bắt mới hình thành trong một vài năm gần đây, vốn đầu tư không lớn nhưng đánh bắt rất hiệu quả, do vậy nhiều ngư dân vẫn cố tình vi phạm.
Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang k ý ban hành Chỉ thị về việc ngăn chặn nghề cào bay tại tuyến bờ, tuyến lộng và các hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ thị các ngành liên quan và đoàn thể các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong ngư dân, chủ tàu hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định về hoạt động khai thác, tuyến khai thác, kích thước mắt lưới cấm sử dụng, các loài thủy sản cấm khai thác...tạo mọi điều kiện giúp bà con ngư dân tránh vi phạm pháp luật; Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an, Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là việc hành nghề cào bay và các hoạt động khai thác thủy sản trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng, tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại đối tượng hành nghề cấm, đối tượng nhiều lần vi phạm để có biện pháp giáo dục, xử lý thích đáng theo qui định của pháp luật...
Thế nhưng, chỉ thị thì có, còn hành vi vi phạm của các “hung thần” trên vùng biển Kiên Giang vẫn ngang nhiên lộng hành ngày có quy mô nhiều hơn và tinh vi hơn.
Đã đến lúc cần có sự kết hợp đồng bộ hơn nữa giữa chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng và lực lượng kiểm ngư của tỉnh trong việc tuần tra, kiểm soát hoạt động của các phương tiện đánh bắt hải sản ở Kiên Giang, nhất là các phương tiện cào bay. Đồng thời, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa các trang thiết bị và lực lượng để hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển có hiệu quả hơn. Việc làm này không chỉ nhằm giữ vững tình hình trật tự an toàn trên vùng biển, giúp ngư dân hành nghề ốc mực, nghề câu, lưới ghẹ, nuôi trồng hải sản... an tâm lao động, sản xuất mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ở vùng biển nội địa.