Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Định vị lại vị trí nghề rừng Tin mới nhất

(17:55:53 PM 02/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Lâu nay, những người làm nghề rừng không khỏi chạnh lòng vì thường nghe các đánh giá kiểu như: Ngành Lâm nghiệp chỉ đóng góp 1% GDP, hay gần đây trên diễn đàn Quốc hội còn có ý kiến cho rằng 1ha rừng chỉ cho giá trị 10 kg gạo /năm…

Rừng cây hồ Noong, Việt Nam-Ảnh: TL

Rừng cây hồ Noong, Việt Nam-Ảnh: TL

 

Không chạnh lòng sao được?! khi giá trị thực tế của nó nếu tính toán đầy đủ về kinh tế là 15,9% GDP, đấy là chưa kể đến nhiều kiểm chứng giá trị khác về môi trường và xã hội.


Ghi nhận khiêm tốn


Bao nhiêu năm qua, Lâm nghiệp Việt Nam ta tập trung nhấn mạnh các thông số về độ che phủ rừng, GDP, và xuất khẩu gỗ và đồ gỗ; nhưng lại thiếu quan tâm sâu hơn về hàng ngàn sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng như giá trị khác từ rừng.


Tạm quên đi nguồn gốc, lý do, ý nghĩa… của các thông số đó; để lạc quan khi nhìn vào những giá trị đã ghi nhận được của chúng.


Thật đáng tự hào khi xuất khẩu gỗ và đồ gỗ trong 10 năm qua luôn tăng và ổn định ở mức cao, với: năm sau cao hơn năm trước trung bình 14,4%.


Thật đáng tự hào khi xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng, các Chiến lược 5 năm, 10 năm, 15 năm… phát triển đất nước, chỉ tiêu độ che phủ rừng luôn có những cải thiện lớn -  từ 43% (năm 1943) xuống khoảng 28% (năm 1995) nhưng tăng vọt lên 40,43% (năm 2014).


Rừng cũng có gí trị kinh tế, ít nhất là bằng con số ghi nhận của Chính phủ trong hơn 10 năm qua – là luôn đóng góp khoảng 1% GDP của cả nền kinh tế. Giá trị này mới chỉ tính giá trị các hoạt động sản xuất chính thức theo kế hoạch, chưa tính được giá trị các lâm sản do dân khai thác, chế biến và lưu thông trên thị trường; đặc biệt khâu công nghiệp chế biến lâm sản cũng chưa được tính đến.


Những con số đó là rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những trăn trở khi tham chiếu vào vai trò trung tâm của rừng đối với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh – một xu hướng thịnh hành không những đối với thế giới lâu nay.


Phải chăng vì lẽ này mà rất gần đây thôi, trong Hội nghị Môi trường Toàn quốc Lần thứ 4, được tổ chức ngày 30/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trích dẫn một dẫn chứng của thế giới để chỉ đạo quyết liệt cho các cấp và các ngành, rằng: “Cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay; thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP”.


Thực tiễn rất “bất ngờ”


Trên cả phương diện số liệu hiện có cũng như tham chiếu với những đánh giá của thế giới, vai trò, vị trí, cũng như đóng góp của Ngành Lâm nghiệp Việt Nam là to lớn hơn rất nhiều so với những ghi nhận lâu nay.


Với số liệu lâm sản đã ghi nhận hiện tại của Việt Nam, đóng góp vào GDP cả nền kinh tế cao hơn đáng kể so với con số 1% như những công bố lâu nay. Theo tính toán của Ban Kinh tế Trung ương, trên nền số liệu công bố của Chính phủ, 5 năm gần đây có đến 15,9% GDP có nguồn gốc từ lâm sản đang được tính toán vào khu vực công nghiệp và chế biến. Phải chăng? vì lẽ này mà dù là quốc gia về rừng nhưng con số đóng góp GDP này lại thấp hơn cả mức trung bình của thế giới rất nhiều. Đóng góp GDP toàn cầu trong những năm qua, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) luôn ở mức 5%.


Từ năm 1997, tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ước tính có khoảng 1,6 tỷ người (tương đương 23% dân số thế giới hiện nay) sống phụ thuộc vào rừng. Với Việt Nam, con số này được ghi nhận là khoảng 25%. Ẩn sâu trong con số ấn tượng này là những giá trị về mặt xã hội của rừng, như: cung cấp lao động, nguyên liệu làm nhà ở, chất đốt, thức ăn...


Về giá trị tạo việc làm, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tính tóa rằng: Ngành Lâm nghiệp Khu vực Châu á trong giai đoạn 1990 – 2010 đóng góp 0,5 – 1,2% lao động toàn xã hội. Đối với Việt Nam con số này lại ở “cận dưới” – từ 0,1 – 0,5%. Đây được coi là bất cập khi Việt Nam là một “quốc gia về rừng”, với ¾ diện tích là đồi núi (liên quan đến rừng), hơn 70% người dân sống ở nông thôn và miền núi, và đặc biệt là con số 25% người dân sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng.


Cũng theo FAO, gần đây – năm 2014, có 12% dân số thế giới thu gom chất đốt liên quan đến rừng. Loại thông số này sẽ rất ý nghĩa với nền kinh tế quốc dân nếu Ngành Lâm nghiệp Việt Nam có được những điều tra và tính toán cụ thể.


Một cách tương tự về ý nghĩa cho Việt Nam nếu chúng ta làm được như Thế giới đã làm về thống kê số người sử dụng nguyên liệu cơ bản từ rừng để làm nhà ở. Thế giới đã tính toán và công bố con số này năm 2014 là 18%.


Về giá trị cung cấp thực phẩm, cũng có ý nghĩa tương tự như các thông số trên: trong khi Việt Nam chưa có một thống kê chính thức thì thế giới đã ghi nhận được năm 2014: có 0,6% thức ăn toàn cầu (0,8% đối với Châu Á) có nguồn gốc từ rừng.


Một cách tổng hợp, sử dụng các mô hình tính toán đã được thừa nhận của thế giới, áp dụng vào Việt Nam: với số liệu diện tích rừng năm 2014, giá trị thực của rừng cho cả năm (bao gồm cả giá trị xã hội và môi trường quy ra giá trị kinh tế) là 1.325.982,19166 tỷ đồng - tương đương 40,9% GDP của năm 2012.


Đây là bằng chứng khoa học sinh động để vừa làm rõ và định vị đúng vai trò của ngành Lâm nghiệp đổi với nền kinh tế Quốc dân; vừa để tránh những đánh giá gây “hiểu nhầm” trong dư luận lâu nay.

TRẦN VĂN VIỆT - Chuyên viên Ban Kinh tế Trung Ương