Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Một kết luận nguy hiểm về những con đập trên sông MeKong Tin mới nhất

(19:27:28 PM 31/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Những con đập trên sông MeKong tác hại không đáng kể là một kết luận nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân.

 Một kết luận nguy hiểm về những con đập trên sông MeKong
Trang bìa của báo cáo dự án do Bộ TN&MT cùng VNMC thực hiện đang gây bức xúc cho nhiều nhà khoa học


“Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”!
Đó là kết luận của báo cáo dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (MDS, Mekong Delta Study)” mà Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) cùng với tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch (DHI) dự kiến trình bày tại một hội nghị quốc tế.

Cụ thể, trong báo cáo dự án này nêu một số điều như sau: “Tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ (đồng bằng sông Cửu Long, người viết chú thích) là tương đối nhỏ, trung bình thấp hơn 2cm” (slide 18/51); “Các thay đổi về độ mặn (g/l) là tương đối nhỏ ở châu thổ, khoảng dưới 1g/l cho năm 2007 với chế độ vận hành hằng ngày của đập” (slide 44/51); “Đỉnh lũ do vỡ đập tại Sambor vào khoảng 8m. Tại Phnom Penh vào khoảng 0,6m. Tại châu thổ, dưới 0,4m” (slide 49/51); “11 đập dự kiến trên dòng chính không tác động một cách có ý nghĩa sự xói lở bờ sông trên phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ” (slide 50/51)...

Các kết luận trên đây là vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng.

Nguy hiểm còn bởi dự án là một dự án của Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Phải nói rằng cách làm của những người trực tiếp thực hiện dự án này là thiếu trách nhiệm.

Bởi vào tháng 12-2014, sau khi có được và nghiên cứu báo cáo nền của dự án, bản thân tôi và một số nhà khoa học đã lưu ý ba nội dung:

 

(1) phương pháp luận không ổn vì còn nhiều lỗ hổng;

 

(2) số liệu không được cập nhật, chuyên gia tư vấn cần hiểu kỹ hơn thực tế thay vì chỉ sử dụng các kết quả đã có, được cung cấp;

 

(3) mô hình số mô phỏng các tác động phải minh bạch, Việt Nam có thể kiểm tra việc mô phỏng; nên yêu cầu tư vấn sử dụng và cung cấp phần mềm mã nguồn mở.

Các góp ý trên đây đã thông qua một hội nghị tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ ngày 30-12-2014, có sự tham dự của 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, và ngay sau đó đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC.

Chưa hết, đến tháng 6-2015, thay mặt nhóm chuyên gia, tôi đã trình bày với các nhà tài trợ những góp ý trên đây trong một cuộc họp tại Hà Nội và yêu cầu phải hoàn thiện phương pháp luận. Rất tiếc, VNMC không có mặt.

Sau hơn 10 tháng VNMC viện đủ lý do để khất hẹn với nhóm chuyên gia trong khi đó vẫn cùng DHI tiếp tục thực hiện dự án, và đã đi đến các kết luận trên đây mà VNMC định báo cáo với quốc tế trước khi báo cáo với trong nước, trình bày với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước am hiểu về đồng bằng sông Cửu Long.

Vì tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

 

1. Bộ Tài nguyên và môi trường cùng VNMC phải báo cáo với Thủ tướng kết quả nghiên cứu của dự án, có sự tham dự của các nhà khoa học và cho ý kiến chỉ đạo về các bước tiếp theo.

Trong khi chờ đợi, Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC không công bố ra quốc tế các kết quả nói trên.

 

2. Quốc hội theo dõi và giám sát kịp thời dự án quan trọng này. Trước mắt, yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC giải trình dự án trước Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và các ủy ban khác có liên quan.


GS.TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN

 

(Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 - 1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội).