Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Pepsi, Coca Việt Nam nói gì về nước đóng chai làm từ nước máy? Tin mới nhất

(18:24:24 PM 30/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Nước uống đóng chai của Pepsi, Coca-Cola, Nestle tại Việt Nam được lấy từ đâu là câu hỏi được đặt ra sau khi PepsiCo thừa nhận nguồn gốc Aquafina tại Mỹ là nước máy xử lý lại.

 Pepsi, Coca Việt Nam nói gì về nước đóng chai làm từ nước máy?

Nhãn chai Aquafina hiện tại không ghi trực tiếp nguồn gốc nước, mà chỉ khẳng định sản phẩm là tinh khiết và đã qua xử lý. Ảnh: T.A.


Dưới áp lực của dư luận quốc tế về việc tiếp thị gây hiểu lầm, Tập đoàn PepsiCo mới đây chính thức thừa nhận nguồn nước được sử dụng cho nhãn hiệu Aquafina là nước máy thông thường nhưng đã qua xử lý. Theo đó, sắp tới đây, Aquafina sẽ bổ sung thêm thông tin P. W. S, tức “public water source” (nguồn nước công cộng) để nói về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.

Trước đó, năm 2013, hãng Coca-Cola cũng thừa nhận Dasani được khai thác từ nguồn nước công cộng, và đến tay người tiêu dùng sau quá trình xử lý.

Trên nhãn của Aquafina, Dasani tại Việt Nam, cụm từ "pure water" - nước tinh khiết - được sử dụng trên tất cả các loại chai, từ 120 ml đến hơn 5 lít. Cụ thể, theo PepsiCo, Aquafina là nước uống tinh khiết được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và ozon, thanh trùng bằng tia cực tím. Còn Dasani của Coca-Cola có lưu ý khách hàng về việc sản phẩm được lấy từ nguồn nước ngầm, sau đó qua xử lý thẩm thấu ngược trước khi được thanh trùng bằng ozon.

Khách hàng tại Việt Nam phải trả khoảng 3.800 đồng cho mỗi chai nước Aquafina (PepsiCo), Dasani (Coca-Cola) hay Lavie (Nestle) dung tích 350 ml.

Trao đổi , ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại Coca-Cola Việt Nam (đơn vị sản xuất Dasani) không nêu cụ thể nguồn gốc của nước đóng chai do đơn vị này sản xuất. Tuy nhiên, ông Mỹ cho hay, quy trình tương đối nghiêm ngặt.

“Nước được lấy từ nguồn nước ngầm sâu dưới lòng đất và được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược RO, tiệt trùng bằng hệ thống ozon. Việc chiết rót và đóng nắp cũng hoàn toàn khép kín để loại bỏ hoàn toàn các tác nhân vi sinh”, ông Mỹ nói.

Không bình luận về chuyện báo chí nước ngoài dẫn lời Coca-Cola thừa nhận nước đóng chai tại Mỹ chỉ là nước máy lọc và xử lý lại, đại diện phát ngôn Coca-Cola Việt Nam chia sẻ, ưu tiên hàng đầu của đơn vị này là sự an toàn và sức khỏe người dùng.

Trong khi đó đại diện của PepsiCo tại Việt Nam cho biết đang chờ câu trả lời chính xác từ trụ sở chính và tạm thời chưa có ý kiến.

Riêng Nestle thông báo trên website chính thức của hãng, rằng rất khó để so sánh nước đóng chai và nước trong vòi, bởi quy mô phân phối, giá thành cũng như tính tiện dụng.

"Giá của nước đóng chai nói riêng và các loại đồ uống đóng gói nói chung phản ánh sự đầu tư cần thiết để đảm bảo thuận tiện, an toàn và chất lượng của sản phẩm. Những khoản đầu tư này bao gồm kiểm tra, đóng chai, bảo quản và vận chuyển, tất cả các chi phí vốn cho các doanh nghiệp nước giải khát. Nước đóng chai không phải là một nguồn thay thế, cũng như không cạnh tranh với nước máy vốn là nguồn nước chính cho dân cư", Nestle nêu rõ.

Ông Lê Thăng, từng làm giám đốc một nhà máy sản xuất nước tinh khiết tại Hà Nội cho biết, nước ngầm hay nước máy đều đủ tiêu chuẩn để sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai.

"Nhân tố quyết định chất lượng là hệ thống dây chuyền sản xuất và quy trình tạo ra nước tinh khiết ra sao. Vì thế, nguồn để sản xuất nước tinh khiết của Pepsi, Coca là nước ngầm hay nước máy không quan trọng", ông Thăng (hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Bắc phụ trách mảng đồ uống) nói.

Thực tế, cụm từ "pure water" tại Mỹ từ lâu đã được hiểu là nước ngầm qua xử lý. Cục khảo sát địa chất Mỹ có giải thích về việc nếu cắt nghĩa chính xác, "pure water" chỉ là một khái niệm lý thuyết.

Cụ thể, nước tinh khiết có nghĩa là nước không có gì bên trong ngoại trừ hidro và oxy, hai thành phần tạo nên nguyên tử H2O. Trong tự nhiên, nước vốn là một dung môi phổ quát, luôn luôn chứa dấu vết của các chất nó từng tiếp xúc, bao gồm các loại khí như carbon dioxide, nitrogen và oxy từ không khí; các chất khoáng như canxi, silica từ đá; các hữu cơ như axit hữu cơ yếu từ đất, thực vật.

Theo Cục khảo sát địa chất Mỹ, phần lớn các chất trên không có hại. Thậm chí, một vài tạp chất, ví dụ các loại muối khoáng hòa tan tự nhiên, còn có lợi cho sức khỏe người dùng. "Trong phòng thí nghiệm, với các quy trình như chưng cất, thẩm thấu ngược, và de-ion hóa, chúng ta có thể loại bỏ gần như tất cả các tạp chất tự nhiên từ nước và làm cho nó gần như tinh khiết. Và hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nước này có chút hương vị", đơn vị này thông tin.

Nếu phân loại nước tinh khiết và tự nhiên theo cách này, phần lớn lượng nước từ sông Amazon được coi là tinh khiết do dòng chảy đã rửa trôi hấu hết các tạp chất. Tương tự như vậy, nước ở các sông, hồ trong khu vực khá hoang sơ như miền bắc Canada cũng được xem là tương đối tinh khiết.

Tuy nhiên, với nước ngầm, mức độ tinh khiết lại phụ thuộc vào khả năng cách ly môi trường sống của con người. Nước nông trên mặt đất, chẳng hạn như lấy từ giếng có độ sâu 30 m tồn tại trong lòng đất khoảng 50 năm. Nguồn nước này có thể chứa chất gây ô nhiễm, nhất là các chất có nguồn gốc từ con người. Thực tế, đây cũng là một trong những nguồn phổ biến được các nước sử dụng làm nguồn nước máy, sau khi đã khử vi trùng có bước lọc clo.

Giám đốc MyBudget (một công ty chuyên tư vấn về tài chính cá nhân) tại Australia Tammy May nói với The Guardian rằng mỗi năm, người Australia chi khoảng 500 triệu USD cho nước uống đóng chai. Theo tính toán của vị này, một người bình thường nếu dùng nước trong vòi sẽ phải chi 1,5 USD một năm cho nước uống (với lượng dùng trung bình 2 lít mỗi ngày).

"Nhưng nếu mua nước đóng chai, số tiền phải chi lên tới gần 3.000 USD. Chênh lệch 2.000 lần này thực tế được trả cho gần như cùng một sản phẩm với rất ít sự khác biệt về dinh dưỡng", Tammy May nói.

Theo Zing