Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Toàn cảnh Hội thảo
Nằm trên dải đất miền Trung, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, hạn hán và biến đổi khí hậu. Trong 15 năm gần đây đã có 4 đợt bão lũ lớn vào các năm 2002, 2007, 2010 và 2013 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của chính quyền và người dân. Đối với doanh nghiệp, theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, tại các tỉnh miền Trung có tới 60% doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng do thiên tai xẩy ra trong đó có 5% doanh nghiệp ảnh hưởng rất nặng nề và 30% thiệt hại ở mức nặng nề.
Mặc dù vậy nhưng nhận thức về vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm, chủ động và phối hợp tích cực trong công tác này. Bên cạnh đó việc sẵn sàng ứng phó của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị đảm bảo ứng phó trong tình trạng khẩn cấp của đơn vị mình.
Hội thảo đã làm rõ thực trạng công tác phòng chống rủi ro thiên tai trong doanh nghiệp tại Hà Tĩnh, chia sẻ, đóng góp để làm rõ các vấn đề như vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp; mối quan hệ liên kết giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư với doanh nghiệp trong công tác phòng chống, giảm nhẹ khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Võ Văn Lưu, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh: "Khi có thiên tai xẩy ra các cơ quan chức năng cần có mặt kịp thời để đánh giá thiệt hại cùng doanh nghiệp".
Ông Võ Văn Lưu, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh cho rằng công tác phòng chống thiên tai vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhận thực vấn đề này hàng năm đơn vị có quyết định kiện toàn Ban phòng chống thiên tai, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầu tư và tập huấn trang bị cho người lao động. Ông Lưu cũng đề xuất nên có kinh phí riêng để làm tốt công tác phòng chống, khi có thiên tai xẩy ra các cơ quan chức năng cần có mặt kịp thời để đánh giá thiệt hại cùng doanh nghiệp để có cơ chế giảm thuế phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra cần tăng cường diễn tập và trang bị kiến thức cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu, chuyên gia tư vấn độc lập phát biểu tại Hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, PTS. Nguyễn Thị Thu chuyên gia tư vấn hội thảo cho rằng ngoài việc doanh nghiệp tự ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp thì còn phải có trách nhiệm giúp cộng đồng phòng chống trước trong và sau thiên tai. Bên cạnh đó cần tăng cường hiệu quả của quỹ phòng chống thiên tai của địa phương, cần xem xét doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này cho hoạt động phòng chống bảo lụt và thiên tai.
Cũng tại hội thảo đại biểu cũng đã đề xuất các nội dung trong vấn đề chính sách của địa phương đối với doanh nghiệp trong ứng phó rủi ro thiên tai, gắn kết hoạt động giữa doanh nghiệp với các bên liên quan, tạo điều kiện để doanh nghiệp được trang bị các kiến thức kỹ năng lập kế hoạch và phòng chống thiên tai, ứng phó tình trạng khẩn cấp nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân.
Hội thảo đã thu hút 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nội dung sẽ được tổng hợp để tham vấn cho các cấp chính quyền nhằm làm tốt công tác phòng chống thiên tai trong doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Ông Đặng Bá Tú, Phó Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh: "Phòng chống thiên tai được doanh nghiệp chú trọng làm tốt nhưng hầu như kinh phí đều tự chủ động, cần áp dụng KHKT vào công tác phòng chống để có hiệu quả".