Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Toàn cảnh buổi họp báo
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng các quốc gia thành viên đã đánh giá lại việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt quan tâm tới vấn đề ô nhiễm khói mù nghiêm trọng tại Indonesia và các phương án giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Các bên tái khẳng định cam kết sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu và duy trì nguyên tắc của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, thông qua đề xuất của Indonesia về xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN để kiểm soát tình trạng này.
Theo đó, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về Chương trình nghị sự ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2015. Tại Hội nghị, các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21, đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN để sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 năm 2015 để thông qua.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại và cảm thông với người dân Philippines sau cơn bão Koppu đã gây lên các trận mưa lớn, lũ lụt và lở đât, khiến hơn 100.000 người dân phải di tản. Các Bộ trưởng cũng bảy tỏ sự quan tâm và cảm thông đối với người dân Myanmar phải gánh chịu lũ lụt do cơn bão Komen từ tháng 7 đến tháng 9/2015.
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng các nước ASEAN đề cập tại Hội nghị là vấn đề ô nhiễm khói mù nghiêm trọng tại Indonesia, gây ảnh hưởng tới khu vực. Các nước thành viên ASEAN đã thông qua đề xuất của Indonesia về xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tại nước này và giao cho Indonesia tiếp tục triển khai các công việc thành lập Trung tâm theo đúng thời hạn.
Các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc xây dựng dự thảo Tuyên bố ASEAN về Chương trình nghị sự Bền vững môi trường và biến đổi khí hậu sau 2015. Đồng thời thông qua Khung tiêu chí giám sát thực hiện quản lý, tổng hợp tài nguyên nước ASEAN; xem xét và nhất trí với dự thảo Chiến lược ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác môi trường giai đoạn 2016-2020.
Các Bộ trưởng Môi trường ASEAN cũng họp nhóm với những người đồng cấp đánh giá các chương trình hợp tác với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc triển khai Chương trình hợp tác các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường; triển khai dự án kiểm kê đa dạng sinh học tại khu vực ASEAN; Hợp tác Giáo dục về phát triển bền vững…
Ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN cho biết: Hội nghị có quyết định quan trọng, sẽ bắt đầu tiến hành lộ trình tiến tới một cộng đồng ASEAN không có khói mù vào năm 2020. Hội nghị cũng thông qua những thủ tục chuẩn về tiến hành các biện pháp ứng phó chung đối với hiện tượng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới; cũng như thông qua các chỉ dẫn về việc thực hiện các biện pháp thích nghi, theo dõi đánh giá cũng như biện pháp ứng phó chung đối với hiện tượng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới”.
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi, một số vấn đề liên quan đến việc quản lý tài nguyên nước, xả lũ, ô nhiễm nguồn nước… có được đề cập tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 hay không?
Trả lời cho vấn đề này Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho biết vấn đề này đã đề cập trong nội dung chương trình nghị sự Hội nghị bộ trưởng ASEAN 13 và và ASEAN+ 3 lần thứ 14.
Liên quan đến khai thác sử dụng, quản lý lũ trên các lưu vực xuyên biên giới, trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong và Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với các thành viên có liên quan để xem xét việc các đập thủy điện xây ở thượng nguồn tác động đến hạ nguồn.
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại Brunei vào năm 2017.