Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mê Kông mẹ đẻ của những mảnh đất màu mỡ tại ĐBSCL
Dòng sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng nối liền 6 quốc gia Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Với khoảng 4.800km chiều dài, con sông quốc tế này tạo ra nhiều sinh cảnh độc đáo, hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú, đa dạng và nhiều vùng châu thổ phì nhiêu. Chính hệ sinh thái này đã mang lại nhiều nguồn lợi cho các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực. Theo ước tính, khoảng 60 triệu người hạ lưu vực đang phụ thuộc các vùng đất ngập nước thuộc lưu vực sông Mê Kông trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và các hoạt động phục vụ sinh kế khác (MRC, 1997).
Cho đến cuối thế kỷ 20, sông Mê Kông vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên vẹn do chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Kông trong thời gian gần đây trở nên ngày càng sôi động với nhiều diễn biến phát triển nóng gây không ít tranh cãi. Dòng sông quốc tế này đang chứng kiến xu thế cạnh tranh với tâm điểm là việc sử dụng nguồn nước của mỗi quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển của riêng mình đi đôi với những hậu quả và thách thức tiềm tàng cho các quốc gia khác.
Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông
Sự sôi động của lưu vực sông Mê Kông bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực và một Trung Quốc đang trỗi dậy đứng trước cơn khát năng lượng phục vụ nhu cầu tăng trưởng nóng. Thủy điện trở thành tâm điểm của các chiến lược đầu tư mới của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đặt dấu chấm hết cho sự nguyên vẹn của con sông Mê Kông với kế hoạch xây dựng ít nhất 7 đập thủy điện trên dòng chính phía thượng nguồn từ cuối những năm 1990. Ngoài ra, hệ thống các dòng nhánh của sông Mê Kông cũng đã và đang được khai thác cho thủy điện. Dự tính đến năm 2030 sẽ có thêm 30 đập thủy điện nữa được triển khai trên các dòng nhánh.
Ở phía hạ nguồn, Lào là quốc gia đầu tiên trong 4 thành viên của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thông báo kế hoạch xây đập thủy điện dòng chính, với "phát đại bác khai hỏa" đầu tiên phá vỡ sự yên bình ở phía hạ nguồn là thủy điện Xayaburi đựợc khởi công năm 2012, tiếp sau là Don Sahong và Pak Beeng và tiếp sau là hàng loạt các dự án dòng chính khác đã được lên kế hoạch xây dựng.
Bên cạnh đó, gia tăng dân số trong lưu vực và biến động giá cả lương thực trong những năm gần đây đã thúc đẩy các quốc gia đầu tư mạnh mẽ hơn cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Lào dự định tăng diện tích tưới tiêu vào mùa khô từ 100.000 hecta/năm lên 300.000 hecta/năm trong vòng 20 năm tới. Campuchia cũng có tham vọng mở rộng sản xuất lúa và cần mở rộng diện tích tưới. Thái Lan đã có kế hoạch từ khá lâu với tham vọng chuyển nước từ dòng chính để giảm hạn hán ở khu vực Đông Bắc. Các hoạt động kinh tế khác khai thác lợi thế của sông Mê Kông bao gồm phát triểnnuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, quản lý lũ lụt và du lịch
Tuy nhiên, theo Nghiên cứu công bố năm 2011 của Viện Giải pháp Bền vững thuộc Đại học Portland (Mỹ) phối hợp với Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) thực hiện cho thấy trong tất cả các kịch bản phát triển, Lào luôn ở vị thế hưởng lợi lớn nhất, còn các quốc gia khác trong lưuvực hạ Mê Kông là bên bị thiệt hại.
Trong đó, các dự án chuyển nước của các quốc gia thượng lưu kết hợp với sự hoạt động của đập thủy điện sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt nguồn nước ở các quốc gia hạ lưu, trong đó Việt Nam nằm cuối cùng hạ lưu sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Thêm vào đó, khi thiếu nguồn nước từ sông Mê Kông đổ về sẽ tạo điều kiện cho xâm nhập mặn từ biển Đông lấn sâu vào đất liền. Thời gian xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn và kéo dài hơn vào mùa khô khi nguồn nước sông Mê Kông đến khu vực hạ lưu bị suy giảm.
Các con đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mê Công đang gây nhiều lo ngại cho các nước hạ nguồn.
Việt Nam và huyết mạch Mê Kông
Phần lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực Mê Kông chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và đóng góp khoảng 11 % tổng lượng nước. Phần lãnh thổ này bao gồm thượng nguồn sông Nậm Rốn (Điện Biên), thượng nguồn sông Sê Kông và Sê Ba Hiêng, lưu vực sông Sê San và Srepok và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việt Nam có hơn 20 triệu người dân sống trong lưu vực sông Mê Kông (hơn 17 triệu ở ĐBSCL và 3 triệu ở Tây Nguyên).
Phần lớn dân số phụ thuộc vào nguồn sinh kế nông nghiệp và thủy sản – liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn lợi từ sông Mê Kông và các dòng nhánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người nghèo, 75% trong số họ sống phụ thuộc vào sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tại khu vực Tây Nguyên, nguồn nước của lưu vực sông Sê San và Srêpok đã được khai thác khá triệt để phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và phát triển thủy điện.
Khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên 3,9 triệu hecta, trong đó 75% đã được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài chức năng là vựa lúa của cả nước, khu vực này cũng là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam với 71% diện tích nuôi, 72% sản lượng và 75% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
ĐBSCL đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế cho cả nước. ĐBSCL chịu tác động mạnh mẽ từ nguồn nước sông Mê Kông, trong đó lũ là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi năm, khu vực này có từ 1,3-1,5 triệu hecta bị ngập lũ. Dưới tác động của dòng chảy và chế độ lũ, các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn và chua phèn, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị cản trở. Bên cạnh đó, lũ cũng có nhiều mặt tích cực đối với sự hình thành và phát triển của ĐBSCL. Con sông Mê Kông mang về cho đồng bằng nguồn phù sa màu mỡ và nguồn thủy sản tự nhiên giàu có.
Giải pháp ứng phó với các kịch bản phát triển
Dòng chảy của con sông Mê Kông có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Do sự liên quan mật thiết giữ các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của các tiểu vùng và tổng thể lưu vực sông Mê Kông, những động thái phát triển thượng nguồn và thay đổi dòng dảy sẽ dẫn đến nhiều tác động về môi trường và xã hội ở phía hạ nguồn. Điều đó, có thể khẳng định rằng Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong bài toán phát triển sông Mê Kông. Diễn biến phát triển lưu vực sông Mê Kông trong thời gian vừa qua cho thấy đây không đơn thuần là bài toán đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường – xã hội. Mặc dù các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông đã nhất trí hợp tác với tinh thần “đáp ứng nhu cầu, giữ sự cân bằng để hướng tới sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông” nhưng những động thái gần đây ở phía thượng nguồn cho thấy thực tế còn rất nhiều thách thức khi mà mỗi bên đều chỉ cố gắng bảo vệ quyền lợi riêng của mình.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần sẵn sàng cho mọi kịch bản phát triển lưu vực khi mà chúng ta không có nhiều lựa chọn do ở vị trí cuối nguồn. Trên cơ sở nhận định tình hình khu vực và bối cảnh hiện tạo, các giải pháp ứng phó của Việt Nam có thể thực hiện bao gồm: duy trì và tăng cường hợp tác Mê Kông thông qua Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Việt Nam cần tích cực thúc đẩy tăng cường sức mạnh của Ủy hội và các cơ chế của Ủy hội trên cơ sở hợp tác với các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ.
Hai là, đầu tư nâng cao năng lực tổ chức cho Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam với đầy đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu, giám sát tác động, tìm kiếm giải pháp nhằm tham vấn kịp thời cho Chính phủ trong hoạch định chính sách và hợp tác với các quốc gia trong lưu vực.
Ba là, tích cực tạo sự đồng thuận trong việc định hướng mô hình phát triển của lưu vực Mê Kông và trong cộng đồng ASEAN. Theo đó, cần hướng đến mô hình phát triển giảm thiểu phát thải, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, sử dụng khôn khéo tài nguyên thiên nhiên.
Bốn là, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nghiên cứu, phổ biến thông tin, thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp quốc gia và khu vực nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội trong bảo vệ lợi ích chung của người dân trong lưu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Năm là, tăng cường hợp tác với cộng đồng các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Lào và Campuchia nhằm hỗ trợ nước bạn tìm kiếm các giải pháp phát triển tối ưu, bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực.
Sáu là, sử dụng một cách hiệu quả các công cụ đầu tư và hỗ trợ phát triển để phục vụ mục tiêu các bên đều có lợi.
Ở vị thế là một quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.