Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuyện chụp ảnh
 chim lại gây dư luận

(10:57:22 AM 29/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Bốn người đàn ông có thể gặp rắc rối với pháp luật Singapore vì kiểu chụp ảnh gây nguy hiểm cho chim đại bàng quý hiếm.

 Chuyện chụp ảnh
 chim lại gây dư luận
Người đội mũ chích chất bọt xốp vào bụng cá - Ảnh: Charlie Gordon


Điều làm dân mạng Việt Nam “dậy sóng” là một trong số những tay máy này có thể là người Việt (?).

Ngày 26-10, trang mạng mothership.sg của Singapore đã đăng bài viết và video clip về vụ việc nêu trên. Bốn người đàn ông bị quay phim khi làm mồi giả để nhử chim đại bàng cho cú bấm máy của họ ở công viên Little Guilin thuộc đồi Gombak (Singapore).

Cách làm của bốn người này là mua cá sống, sau đó cho tiêm không khí vào mang cá, tiêm chất bọt xốp vào bụng cá để cá nổi trên mặt nước. Họ chờ khoảnh khắc chim đại bàng lao xuống gắp cá để có được một bức ảnh đại bàng đang “săn” mồi.

Điều mà cư dân mạng phản ứng với nhóm người này là mồi nhử của họ - con cá sống được bơm chất bọt xốp vào bụng, có thể khiến giống chim đại bàng đầu xám quý hiếm (chỉ còn 12 - 18 cá thể ở Singapore) tử vong nếu nuốt phải.

Thật ra video clip này đã được công bố hồi tháng 8-2015 trên một trang web của những người chụp ảnh chim trên toàn thế giới. Một người chụp ảnh hoang dã nghiệp dư Singapore tên Charlie Gordon đã bất bình với cách chụp ảnh của nhóm này nên quay phim để tố cáo họ.

Khi video clip được công bố, một cư dân mạng Singapore có nickname Kirby Wong lập tức công bố hình ảnh, Facebook của các thủ phạm.

Theo “tố cáo” của Kirby Wong, trong bốn người này có một người Ấn Độ làm ở một công ty hàng không, một người Singapore là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, một người Singapore làm cho công ty về động cơ, người thứ tư bị nghi là một người Việt Nam đang làm việc ở Singapore.

Tuy nhiên, từ sau vụ việc, các trang Facebook hay hình ảnh cá nhân của các nhân vật này mau chóng “biến mất” trên Internet.

Trên trang mothership.sg, việc chụp ảnh mà hành hạ hay gây tổn hại đến động vật hoang dã bị lên án không phải là hiếm.

Như hồi tháng 7-2015, một nhóm chụp ảnh người Singapore cũng bị lên án vì đưa rắn con vào công viên bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah để chụp ảnh... rắn hoang dã (!).

Lý do các tay máy bị lên án là cố sắp đặt rắn con theo ý mình, khiến rắn con bị... căng thẳng. Và những bức hình sắp đặt đó không thể đánh lừa là ảnh “động vật hoang dã”.

 

 Chuyện chụp ảnh
 chim lại gây dư luận
Đại bàng bắt cá đầu xám quý hiếm của Singapore, loài chim bị bốn người đàn ông dùng cá tiêm bọt xốp làm mồi nhử - Ảnh: mothership.sg

 

Còn với vụ việc bốn người đàn ông chụp ảnh gây nguy hiểm cho đại bàng quý hiếm Singapore, không những dư luận Singapore bắt đầu đặt họ vào “tầm ngắm” mà người chụp ảnh hoang dã trên khắp thế giới cũng phản ứng với họ.

Trên trang web chụp ảnh chim hoang dã thế giới, các ý kiến cho rằng việc làm mồi giả để chụp chim săn mồi là điều được cho phép, nhưng rõ ràng có những người đã vượt quá giới hạn.

Một người tên Yann Muzika bình luận: “Dùng mồi nhử để chụp hình đại bàng bắt cá là cách mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, Nhật Bản, Na Uy hay Kenya... Những nơi đó, tôi thấy họ dùng cá chết và làm cá nổi bằng cái phao tự nhiên. Tôi chưa bao giờ thấy cách làm cá nổi như bốn người này. Mong rằng nhà chức trách Singapore sẽ sớm liên hệ với họ”.

Còn Andrea Lee Lambrecht của ĐH Minnesota (Mỹ) thì kể câu chuyện đau lòng: “Kiểu nhử mồi này rất thường thấy ở Đài Loan khi tôi ở đó. Có rất nhiều người chụp ảnh muốn chụp một gia đình ó biển, nhưng chim mẹ không hợp tác.

Một người nghĩ ra cách ghim con chuột chết lên cành để chim mẹ tha về cho con. Nhưng rồi họ chứng kiến chim non đã chết tức khắc vì những chiếc ghim từ xác chuột mà chim mẹ tha về. Một ngày buồn bã...!”.

Và không ngạc nhiên khi các câu chuyện có liên quan đến hành vi chụp ảnh hủy hoại môi trường đã làm các diễn đàn chụp ảnh chim hoang dã “dậy sóng”.

Điều đáng nói là sau các ồn ào về việc phá tổ chim non, dùng keo dán sắt dán chim non để chụp ảnh... thì giờ đây, người chụp ảnh chim Việt Nam có thêm một kinh nghiệm nữa về việc bảo vệ thiên nhiên trong lúc chụp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Duy Anh “tiết lộ”: “Khi tôi đi chấm ảnh, họ kể cách chụp ảnh chim săn mồi bằng cách bắt chim về đưa lên sân thượng. Họ tạo một buồng tối, bỏ mồi vào thau nước, rồi canh chim sà xuống để chụp!”.

Cách dàn dựng này còn hợp lý nữa không, khi mà việc đưa chim ra khỏi môi trường sống tự nhiên để chụp ảnh giờ đây đã là điều không được chấp nhận?

Theo TTO