Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một đoạn sông Mê Công- Ảnh: TL
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên ngành và nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận, xem xét một số vấn đề lớn được đề cập tại Báo cáo bao gồm tài nguyên nước (dòng chảy, bùn cát, dinh dưỡng, chất lượng nước), giao thông thủy, đa dạng sinh học, thủy sản, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế của người dân trong khu vực.
Báo cáo dự thảo đánh giá tác động đến đa dạng sinh học cho thấy việc xây dựng thủy điện trên các dòng chính sông Mê Công sẽ làm suy giảm 50-70% bồi lắng bùn cát, đồng thời suy giảm 30-50% năng suất sinh học sơ cấp. Điều này đồng nghĩa với việc suy giảm năng suất nông nghiệp và thủy sản, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông. Hiện tượng giảm bồi lắng ven biển cũng dẫn đến mất cơ hội mở rộng lãnh thổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về những tác động tiềm tàng, việc xây đập thủy điện sẽ làm suy thoái các sinh cảnh thủy vực và suy giảm nhiều loài cá và các loài thủy sản khác trong khu vực trong đó có loài cá heo Mê Công. Cùng với đó là sự gia tăng xói mòn và mất các đảo, cồn cát, ảnh hưởng đến chim, rùa, cá và những loài khác. Đối với các loài di cư, sẽ có khoảng 10% các loài cá trên sông Mê Công khu vực phía Nam Campuchia và Việt Nam (50-64 loài cá) có khả năng bị tuyệt diệt. Ít nhất 5 loài đặc hữu của sông Mê Công có khả năng bị tuyệt chủng, trong đó có loài cá heo sông Mê Công. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nghề cá ở Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, có tới 40% số loài cá trắng (33 loài) rất dễ bị tổn thương và mất đi do bị ngăn cản quá trình di cư bởi các đập thủy điện.
Một số ý kiến của các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng, khi xây dựng báo cáo cần chú ý đến những công trình thủy điện, hồ chứa ở dòng nhánh để tính toán được chính xác và tổng thể những tác động của tất cả các công trình đối với nền kinh tế quốc dân, từ đó có hướng giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, số liệu nghiên cứu cũng cần được cập nhật để đánh giá đúng những mặt được và mất của việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Sông Mê Công có chiều dài khoảng 4.880 km chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, lưu vực sông Mê Công hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực.
Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đã và đang gây ra một loạt tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới người dân của nhiều quốc gia, đặc biệt là những người dân sinh sống tại vùng hạ lưu con sông như Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tác động lớn nhất chính là việc ảnh hưởng đến các loài cá và nghề cá trên sông Mê Công.