Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 27-10, bà Tiến đã tâm sự về vấn đề hiến tặng mô tạng và kêu gọi người dân nên làm việc thiện này.
“Đây là việc mỗi công dân nên làm. Những người vì một lý do nào đó mà bị chết não, tức là chắc chắn sẽ chết, nên làm việc có ích đó là hiến tặng mô tạng để cứu những người bị bệnh hiểm nghèo” - bà nói.
* Tại sao đây là việc nên làm, thưa Bộ trưởng ?
- Người ta chết đi thì một là thiêu, hai là chôn, tức là trở về với cát bụi. Người nhà có người bị chết hẳn sẽ buồn, nhưng chính người nhà cũng vui nếu người thân của mình được hiến tặng mô tạng để làm điều phúc đức.
Nếu chôn, thiêu thì thể xác người chết sẽ mất hết, nhưng nếu hiến tặng mô tạng để cứu người thì một phần thân xác người chết vẫn còn lại nơi người sống, tức là tim vẫn còn đập, mắt vẫn còn nhìn được (giác mạc).
Còn thầy thuốc thì hạnh phúc vì giúp làm cầu nối giữa người hiến tặng mô tạng và người bệnh hiểm nghèo. Và hạnh phúc nhất là người nhận mô tạng. Tức là có đến bốn người hạnh phúc.
Ở các nước phát triển, mỗi người đăng ký hiến tặng mô tạng đều có một thẻ, để khi có điều kiện hiến tặng thì sẽ thực hiện được ngay, ví dụ sau khi bị tai nạn giao thông.
Thời gian vừa qua các bệnh viện cho biết có rất nhiều người bị chết não, trong khi danh sách chờ xin ghép tạng thì rất là nhiều (ví dụ những người suy thận phải chạy thận cả đời rất là khổ).
Bây giờ có nhiều bệnh nhân chết não nhưng người ta không đăng ký hiến tặng thì mình chịu, không lấy được.
* Hiện nay mức độ hưởng ứng của người dân như thế nào đối với phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng, thưa Bộ trưởng ?
- Tôi tin rằng qua tuyên truyền thì sẽ đạt được kết quả tốt. Chúng ta cũng phải nhờ các chức sắc tôn giáo người ta giải thích, thuyết phục nhân dân.
Một số linh mục, hòa thượng nói với tôi rằng người dân nên đăng ký làm việc này, bởi đây là việc thiện nguyện.
Có người cứ tưởng rằng cho đi là mất, không siêu thoát được, nhưng hòa thượng nói rằng hiến tặng thân xác để làm phúc thì linh hồn lại càng mau siêu thoát. Chính đại biểu Quốc hội, hòa thượng Thích Thanh Quyết đã giải thích điều này.
Mình phải tuyên truyền rằng đây là việc rất hữu ích, chết đi rồi thì còn cái gì nữa mà không cho đi.
* Do nhu cầu ghép tạng rất lớn, Bộ trưởng có lo ngại xảy ra tình trạng tiêu cực trong quá trình hiến tặng và ghép tạng không?
- Không có gì phải lo ngại, không thể lạm dụng được, bởi chỉ đúng vào lúc ấy, e kíp ấy trong khoảnh khắc có mấy tiếng đồng hồ, đúng chỉ định thì mới ghép được, chứ có xếp hàng lâu nữa cũng đâu được.
Nhiều người được cứu sống nếu được ghép tạng thích hợp
Tại buổi lễ kêu gọi hiến mô tạng cứu giúp người bệnh mang tên “Khi sự sống được sẻ chia”, được Bộ Y tế tổ chức ngày 26-10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời từ năm 2013 và gia đình bà cũng rất ủng hộ tâm nguyện này.
Theo bà Tiến, sau hơn 20 năm tiến hành ghép tạng, con số người được ghép ở VN vẫn rất khiêm tốn, trên 1.100 người được ghép thận, 48 người được ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận tụy và trên 1.400 người được ghép giác mạc.
Trong khi đó, đang có 6.000 người suy thận mạn tính có chỉ định ghép thận, riêng các bệnh viện tại Hà Nội có 1.300 người có chỉ định ghép gan và 300 ngàn người mù do bệnh lý giác mạc, trong đó có 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
“Sẽ có rất nhiều người được cứu sống nếu có tạng thích hợp để ghép. Tình nhân ái, sự đồng cảm và sẻ chia trong cuộc sống là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta.
Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành y tế, các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức cá nhân trong nước hãy hưởng ứng và đăng ký tham gia hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não để cứ chữa những người bệnh đang mỏi mòn chờ chúng ta trao tặng sự sống” - bà Tiến nói.