Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Từ nhiều năm nay, nước thải của các cơ sở này đều thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý. Dọc con đường vào nghĩa trang làng là rãnh nước thải màu đen kịt, sủi ngầu bọt, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.
Hai đường ống xả thải từ Công ty May Nguyễn Hoàng vẫn thường xuyên xả nước thải vào rãnh nước thải này. Tiếp đó là nước thải của Nhà máy Kính Việt Hưng và Công ty VAP cùng đua nhau xả vào nghĩa trang.
Nước thải lưu cữu lâu ngày đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của cả làng. Nguy hại hơn, nước thải dồn về khu vực nghĩa trang, gây cảnh tù đọng khủng khiếp. Nghĩa trang làng Khoai rộng khoảng 0,6 ha, thường xuyên ngập chìm trong nước bẩn, cỏ dại mọc um tùm.
Từ khi các nhà máy, xí nghiệp của khu công nghiệp Như Quỳnh A mọc lên, nghĩa trang làng Khoai bị bao vây tứ bề, quanh năm nước tù đọng vì mọi đường thoát nước ra sông Bắc Hưng Hải đã bị các nhà máy chặn đứng.
Chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước trong nghĩa trang đã dềnh lên hàng mét. Gia đình nào không may có người thân qua đời vào dịp mưa thì thật khốn đốn vì không biết tìm chỗ nào để địa táng.
Nhiều người muốn vào thắp hương khi giỗ Tết cũng không thể vào nổi nghĩa trang. Ngay cả khi trời không mưa, nghĩa trang vẫn ngập ngụa trong một thứ nước đen và đặc sánh như váng dầu.
Trời nắng thì mùi bốc lên nồng nặc đến ngạt thở. Không chỉ có thế, nhiều người dân trong làng vô cùng buồn rầu, day dứt mỗi khi lo "sang cát" cho người thân. Bình thường, chỉ sau vài ba năm chôn cất là người chết đã phân hủy "sạch sẽ" để cải táng.
Nhưng những năm gần đây, nhiều gia đình trong làng dở khóc dở mếu khi bốc mộ cho người thân. Thật trớ trêu khi mở nắp áo quan, thi thể người chết vẫn còn nguyên. Lúc đầu, một số gia đình cứ ngỡ là "mộ kết" nên phấp phỏng mừng thầm vì đó là điềm tốt, sẽ có nhiều phúc lộc.
Nhưng rồi liên tiếp sau đó, hầu hết mọi ngôi mộ trong nghĩa trang, thậm chí có ngôi 5,7 năm mới bốc cũng đều như vậy, mọi người mới hốt hoảng, lo lắng. Có những ngôi, bốc ra vẫn còn nguyên. Gia đình lại phải lấp lại chờ dịp bốc lại sau.
Nhiều gia đình hoang mang về tâm linh, kiêng kỵ việc đào lên, lấp lại nên đành xót xa cố róc những bộ phận chưa phân hủy để cải táng. Trước những tình cảnh trớ trêu, đau lòng trên, nhiều gia đình không dám địa táng người thân theo phong tục truyền thống, đành mang đi Hà Nội, Hải Phòng để hỏa táng dù rất tốn kém. Các gia đình đã trót chôn cất tại nghĩa trang thì nơm nớp lo không biết bao giờ mới sang cát nổi cho người thân.
Người dân làng Khoai bức xúc cho rằng, "thủ phạm" gây nên thảm cảnh trên là nguồn nước thải của các nhà máy xả trực tiếp vào nghĩa trang. Các hóa chất độc hại trong nước thải đã khiến thi thể người chết không phân hủy được.
Được biết, người dân làng Khoai đã phản ánh nhiều, lãnh đạo địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu các cơ sở phải chấm dứt việc xả thải vào nghĩa trang, nhưng các cơ sở vẫn cố tình "quên" và lẩn tránh.
Địa phương đã phải cho người dân bịt những cửa xả thải, nhưng các cơ sở lại cho người đục ra. Gần đây, trước sự phản đối kịch liệt của người dân và chính quyền, một vài cổng xả vào nghĩa trang mới được bịt lại.
Tuy nhiên, vẫn có một số cổng xả của Công ty VAP, "ngoan cố" bắc vào nghĩa trang. Kết cục là những ngôi mộ vẫn lạnh lẽo chìm ngập trong nước bị ô nhiễm nặng, môi trường sống của người dân vẫn bị đe dọa thường xuyên và nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền ở Hưng Yên cần vào cuộc, có kết luận rõ ràng và nhất là có biện pháp khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm trầm trọng này.