Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đàm phán chống biến đổi khí hậu: Vẫn loay hoay chuyện tiền

(17:57:54 PM 25/10/2015)
(Tin Môi Trường) - 195 quốc gia vừa đạt được thỏa thuận về dự thảo Hiệp ước chống biến đổi khí hậu tại hội nghị ở Bonn (Đức) sau những tranh cãi gay gắt về hai vấn đề mấu chốt: chống thế nào và tiền đâu để chống.

 Đàm phán chống biến đổi khí hậu: Vẫn loay hoay chuyện tiền
Hồ Folsom gần Sacramento gần như cạn sạch trong đợt khô hạn kỷ lục ở California (Mỹ) - Ảnh: AFP


Theo AFP, hội nghị năm ngày tại Bonn, vừa kết thúc hôm 23-10, là vòng đàm phán chính thức cuối cùng để đại diện 195 quốc gia thống nhất về dự thảo Hiệp ước chống biến đổi khí hậu dự kiến sẽ thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris từ ngày 30-11 đến 11-12 tới đây.

Thế nhưng mọi việc vẫn không thể suôn sẻ và có những chỉ trích cho rằng bản thỏa thuận tạm đạt được vẫn là thứ “khó đọc, phức tạp và không có tham vọng”!

Chưa có đột phá đáng kể


Những quan điểm chia rẽ sâu sắc giữa các nước giàu và các nước đang phát triển cùng nỗ lực bất thành trong việc tạo ra những cải thiện mới về thể thức hợp tác chống biến đổi khí hậu đã khiến nhiều nhà đàm phán mệt mỏi.

Đại diện cho nhóm G77 gồm hơn 130 quốc gia đang phát triển, nhà đàm phán Nam Phi, bà Nozipho Mxakato-Diseko, tỏ thái độ bất mãn rõ ràng tại cuộc họp sáng 23-10: “Người ta không thể ước rằng nhóm G77 biến mất và chúng tôi cũng không phải là một thứ rắc rối bị phớt lờ”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng có rất ít tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán quan trọng này. Sau rất nhiều chỉnh sửa bổ sung “đến phút chót” của các nước, rốt cuộc bản dự thảo của Hiệp ước chống biến đổi khí hậu giữa 195 nước cũng đã đạt được.

Từ 20 trang dự thảo ban đầu ngày thứ hai (19-10) đã tăng lên 34 trang ngày thứ tư (21-10) và cuối cùng là 55 trang khi kết thúc cuộc họp.

Nếu dự thảo được chính thức thông qua trong hội nghị thượng đỉnh tới đây tại Paris về chống biến đổi khí hậu, nó sẽ trở thành hiệp ước đầu tiên đoàn kết tất cả các nước trên thế giới trong cùng một chiến tuyến nhằm chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu và giúp các nước bị ảnh hưởng giải quyết những hệ lụy từ đó.

Tuy nhiên, trưởng phái đoàn đàm phán về khí hậu của Liên minh châu Âu, bà Elina Bardram, cho rằng: “Những vấn đề nan giải nhất vẫn còn y nguyên như trước đó”. Theo bà Elina, sau hơn hai thập kỷ đàm phán, rốt cuộc mọi thứ lại trở về vấn đề bất đồng mấu chốt nhất: “Làm thế nào để có thể phân chia trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển?”.

Mặc cả trách nhiệm

Ngày 22-10, các nhà khoa học Mỹ cho biết chín tháng đầu năm 2015 ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục trên toàn cầu. Làm thế nào để lấp đầy “khoảng cách về lượng khí thải” là điều tranh cãi gay gắt. Các nước đang phát triển vẫn miễn cưỡng trong việc đặt ra các mục tiêu tham vọng trong vấn đề này trừ khi các nước giàu cam kết hỗ trợ tài chính.

Nói như chuyên gia Martin Kaiser, các nước đang phát triển vẫn “giữ miếng” trong chuyện mặc cả về trách nhiệm tài chính của các nước giàu. Và rõ ràng, đúng như nhận định của cả giới quan sát lẫn các nhà đàm phán về khí hậu, tiền vẫn là trở ngại khó vượt qua nhất.

Năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu Copenhagen (Đan Mạch), cam kết hỗ trợ mỗi năm 100 tỉ USD giúp các nước đang phát triển kể từ năm 2020 được đưa ra rất hùng hồn nhưng lại thiếu những chi tiết cụ thể hóa cần thiết.

“Chúng ta không nên chờ đợi một phép mầu về tài chính trong vấn đề này” - nhà đàm phán khí hậu của Pháp Laurence Tubiana, cũng là người chủ trì cuộc họp thượng đỉnh tới đây của Liên Hiệp Quốc tại Paris, nói về các cuộc đàm phán vừa qua tại Bonn.

Thành quả vừa đạt được của các nhà đàm phán tại Bonn là xây dựng một thỏa thuận khung để trong hội nghị tới đây tại Paris, gần 100 bộ trưởng các nước sẽ vạch ra những cam kết chính trị nhằm tạo sức mạnh thực tiễn cho bản hiệp ước đạt được cuối cùng.

“Dự thảo chứa rất nhiều nội dung quan trọng, nhưng những gì liên quan tới quá trình đạt được nó quả là một cơn ác mộng- Ông MARTIN KAISER (chuyên gia phụ trách các chính sách quốc tế về khí hậu của Tổ chức Greenpeace International)

Theo TTO