Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hành trình viên ngọc ba vạn đô

(19:37:44 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Tân Hương là cái tên mỏ đá quý năm xưa tìm thấy khối đá ngọc nặng 2.300 gram mà sau này trở thành Hồng ngọc Quốc bảo nặng 2160 gram và cuộc định giá nó đã được đề cập trong số báo trước.

>> Ruby quốc bảo giá bao nhiêu

 

LTS. Trong bài “Ẩn số Hồng ngọc Quốc bảo” trên TPCN số tuần trước, ngay phần đầu có đề cập đến đứa con của khối Hồng ngọc Quốc bảo nặng 2160 gram. Đứa con này (tức một mảnh vỡ từ khối ruby mẹ) chỉ nặng 58 gram, tương đương 290 carat. Chỉ bé thế thôi mà nó được bán với giá 1.000 USD/carat. Hành trình bán được giá ấy là một phần lịch sử của nghề đá quý Việt Nam thuở sơ khai…


Bất ngờ Tân Hương


Tân Hương là cái tên mỏ đá quý năm xưa tìm thấy khối đá ngọc nặng 2.300 gram mà sau này trở thành Hồng ngọc Quốc bảo nặng 2160 gram và cuộc định giá nó đã được đề cập trong số báo trước. KS Nguyễn Văn Chế, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá quý Yên Bái, vẫn nhớ những ngày đào bới cách đây 14 năm. Hồi ấy, ông còn là trưởng phòng kỹ thuật công nghệ, Công ty Đá quý&Vàng Yên Bái, doanh nghiệp cai quản mỏ đá quý Tân Hương.



Ruby đỏ màu máu bồ câu (phần sẫm màu ở giữa mẫu khoáng vật) sau bán được với giá 30.000 đô la. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Đóng chức ấy, ông chủ trì cuộc tìm kiếm thăm dò mỏ Tân Hương từ năm 1996. Đến năm 1997 thì phát hiện một thân quặng chạy dọc thung lũng. Công ty xin mở và thi công một hào công nghệ, định giá sơ bộ tiềm năng đá quý cỡ 200 triệu đồng ở hào đó. Thời giá lúc ấy, lượng tiền ấy lớn lắm. Trên cho phép họ khai thác vì đã đủ cơ sở để luận chứng kinh tế kỹ thuật.


Thôi thì vừa dựng cơ sở hạ tầng vừa tranh thủ khai thác. Ngành đá quý Việt Nam mới đôi năm tuổi, khí thế lắm, lạc quan lắm.


Một hôm, quặng thô tiếp tục được đổ lên sàng với mắt sàng khá nhỏ, chỉ để lọt những hòn đá kích thước cỡ nắm tay trở xuống. Súng nước bắn ào ào vào lớp đất quặng trên boongke tạm bợ. Những khối đá thô còn lại trên sàng được hất ra bãi thải cạnh đó. Hai công nhân tinh mắt thế nào phát hiện một khối đá to cỡ hai nắm tay người lớn, khoảng nửa đề xi khối, màu sắc khá lạ.



Tại mỏ Tân Hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp


KS Nguyễn Xuân An hồi đó là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đá quý&Vàng Việt Nam (VIGEGO), công ty mẹ của doanh nghiệp ở Yên Bái. Ông được giao trực tiếp tiếp nhận và xử lý hòn đá lạ từ doanh nghiệp thành viên. Hơn 10 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in nội dung dưới báo cáo lên tình tiết lúc phát hiện.

 

Số là hai công nhân nọ lúc đầu mang cục đá lạ cất ở một chỗ. Sau đấy, họ mang nó giao lại cho bảo vệ. KS An nói, hồi ấy, không mấy ai nghĩ đến tôn vinh thành tích cá nhân, chứ đúng ra, họ phải được khen thưởng kịp thời. Nhưng KS Nguyễn Văn Chế và một số người lại kể diễn biến theo hướng hơi khác. Hy vọng có dịp quay lại phục vụ bạn đọc tình tiết thú vị này.


Hòn đá lạ thì ra được phát hiện không phải trên thân quặng chạy dọc thung lũng như định hướng thăm dò ban đầu mà là ở ngang lưng đồi, nơi không nằm trong tầm ngắm sau kết quả thăm dò. Đời địa chất thời nào và ở đâu cũng vậy, lắm khi xác định trên lý thuyết thì thế này, thực địa lại thế kia. Điều tra quy mô nhỏ còn thế, quy mô lớn thì sao? Hồi ấy, cả nước như lên cơn sốt về tiềm năng đá quý. Khi lấy tên các doanh nghiệp trong lĩnh vực mới mẻ này, chữ “đá quý” được xếp trước chữ “vàng”. Giờ thì, ai nấy đều thấy, vị trí hai thứ quý đã được hoán đổi, người ta chỉ còn thấy công ty vàng&đá quý nọ kia chứ không còn thấy những cái tên cũ nữa.


KS Trương Đình Long, Tổng Giám đốc VIGEGO, cử KS Nguyễn Xuân An cùng KS Nguyễn Tiến Long, Phó tổng Giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy VIGEGO, lên tận Yên Bái kiểm tra.

 

“Hôm nay mời các đồng chí xem và cho hướng xử lý”, KS Ngô Văn Nghiêm, Giám đốc VIGEGO Yên Bái, mở đầu cuộc họp đặc biệt ngay chân mỏ Tân Hương.


Viên đá đựng trong hộp kẽm được đưa về Hà Nội với sự tháp tùng của công an. Hộp kẽm, KS An bảo, vô duyên vì chỉ bảo vệ người ngay thôi. Ông có một chìa mở hộp này. Hộp được đưa vào két sắt của Trung tâm Thương mại Đá quý Hà Nội, một doanh nghiệp thành viên của VIGEGO, trụ sở ở 91 Phố Đinh Tiên Hoàng. Chìa khóa két sắt do một người của công ty giữ. Bên ngoài, phòng có một chìa khóa nữa, không biết ai cầm.


KS An và ông Đinh Phú Định, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIGEGO, trực tiếp mang viên ruby lên báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận được chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIGEGO ra quyết định giao KS An nghiên cứu và báo cáo phương án xử lý viên đá.


Ông chỉ đạo VIGEGO Yên Bái đưa chuyên gia về để xử lý “vì đấy là sản phẩm do họ tìm ra, hãy để họ thể hiện quyền và trách nhiệm của mình; tốt xấu thế nào họ chịu”, KS An nói.

 

Còn VIGEGO Yên Bái nhận thức rõ sớm định giá được hòn đá ngọc ngày nào thì họ được thưởng nhanh chừng nấy. Tiếng là doanh nghiệp nhà nước, VIGEGO Yên Bái chẳng vay được tiền để đầu tư, lương cho công nhân chậm mấy tháng liền.


Chỉ đạo hôm trước, hôm sau, họ đã kịp có mặt ở Hà Nội gồm một phó giám đốc và một cán bộ kỹ thuật tên là Đỗ Việt Anh, cử nhân toán, người trực tiếp xử lý viên đá. Các thành phần bên ngoài của viên ruby gồm các phần đá vỡ vụn corendon, spinel, phải được bóc tách. KS An đi chợ trời mua đục, búa và kìm cho kỹ thuật viên Anh. Một buổi thì xong việc, đá được đưa vào két ngay sau khi lập biên bản.


Khi đục đẽo, một mảnh to bằng nắp ấm tích nặng 100 gram văng ra, làm lộ lớp nhân bên trong đẹp tuyệt trần, một màu đỏ tuyền, đỏ máu bồ câu trong suốt, lộ ra. Đây mới là màu chính hiệu, màu cao cấp nhất, có giá nhất của ruby. Nguyên nhân tạo màu đỏ của ruby là do hàm lượng nguyên tố crom (Cr) trong thành phần hóa học của nó. Ruby đỏ máu bồ câu thậm chí còn đắt hơn kim cường vì rất hiếm. Với loại ruby trong suốt như vậy, dân gian Việt Nam gọi là “hàng kính”, thường được mài nhiều mặt khác nhau để tạo được độ lấp lánh lộng lẫy của viên ngọc khi ánh sáng bên ngoài chiếu vào.


Chỗ tách rời ra ấy nom giống hệt lát cắt chỏm trên cùng của quả bưởi. Từ lát cắt ấy, có thể nhìn thấy phần nhân, các múi bên trong quả bưởi to nhỏ ra sao, màu sắc thế nào. Chính chỗ tách rời giống lát cắt quả bưởi là mấu chốt để dẫn đến việc định giá viên ruby đầy kịch tính như trình bày trong số báo trước. Cái nhân có màu đỏ tiết bồ câu mà KS Chế gọi là “nước một”, to cỡ đáy chiếc bật lửa. Có ý kiến cho rằng chính số phận của mảnh vỡ này, chứ không phải khối đá mẹ được vinh danh thành Hồng ngọc Quốc bảo đang nằm trong Kho bạc Nhà nước, mới làm cho tên tuổi của mỏ Tân Hương trở nên nổi tiếng, mới khiến việc khai thác hồng ngọc lên cơn sốt khắp cả nước.



Mảnh đá quý vỡ trước khi bóc tách ra viên hồng ngọc nặng 58 gram hay 290 carat (phâì lõi đỏ máu bồ câu ở giữa)


 

Hành trình của mảnh vỡ


Việc đầu tiên, để tránh bị quy trách nhiệm, KS An báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc VIGEGO rằng vì sao mảnh ấy bị tách ra khỏi khối đá mẹ. Trực tiếp giám sát quá trình bóc tách, ông thấy mảnh bị tách là do có đường nứt sẵn. Trên mặt lớp nứt, có một lớp bùn mịn màu vàng bám vào, chứng tỏ lớp nứt đã có từ trước, chứ không phải do kỹ thuật viên lỡ tay làm vỡ.

 

“Không giải trình rõ cái lỗi ấy do tự nhiên thì tội to”, KS An nở nụ cười sảng khoái. Mảnh vỡ được bóc ngay lớp vỏ, để lại cái nhân to bằng ngón chân cái người lớn, nặng đúng 290 carat (đơn vị đo trọng lượng đá quý, mỗi carat tương đương 0,2 gram).


KS An xin ý kiến phương án định giá mảnh vỡ chứa cái nhân nhỏ nói trên. Ban lãnh đạo VIGEGO quyết định giao ông làm chủ tịch hội đồng định giá gồm nhiều thành viên của VIGEGO, trong đó có ông Nguyễn Thiện Dũng- Chủ tịch Công đoàn, ông Tô Xuân Vợi – Trưởng phòng Kỹ thuật; Ông Ngô Thế Học – Giám đốc Trung tâm Thương mại Đá quý Hà Nội Công ty… Hội đồng có cả ông Sửu, tuy chỉ là nhân viên trong VIGEGO nhưng lại là chủ một xưởng chế tác đá quý tư nhân ở Hà Nội có nhiều kinh nghiệm về giá thị trường đá quý hiện hành. Hội đồng không định giá được.

 

“Có một viên đá nặng 58 gram, tương đương 290 carat. Viên này lẩy từ mảnh vỡ nặng trên 100 gram. Bây giờ chúng ta đánh giá thế nào, xác định xem viên đá đáng giá bao nhiêu”, KS An mở đầu cuộc họp định giá. Ông Học, từng học địa chất ở Nga về, định giá viên 290 carat ấy khoảng 20000 USD. Ông Sửu định giá cao hơn, 30000 - 40000 USD. Bỏ phiếu kín thì thấy có ý kiến định giá lên trên trăm nghìn USD nếu được chế tác và bán ở thị trường nước ngoài.



Kỹ sư Nguyễn Xuân An và bức ảnh chụp viên ngọc gần 30.000 USD. Ảnh: Hồng Vĩnh


KS An thấy không thể lấy một con số dung hòa giữa các mức quá xa nhau như thế. Ông làm báo cáo lên trên rằng “hội đồng định giá không định giá được viên hồng ngọc”. VIGEGO lại báo cáo và xin phép nhà nước mời chuyên gia Myanmar (Miến Điện).

 

“Lại trình lên bẩm xuống để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định mời”, KS An nhớ lại và cười vang nhà.


Đoàn Myanmar có TS Hantun học ở Anh, một trong những nhà thẩm định đá quý hàng đầu ở Myanmar, quốc gia được đánh giá là một trong số ít nôi đá quý của thế giới. TS Hantun khen hết lời cả viên đá con đã bóc tách và hòn đá mẹ. Riêng viên đá con 290 carat tách từ mảnh vỡ, TS Hantun đưa ra giá sàn ở mức giật mình, vượt rất xa mức định giá cao nhất của hội đồng thẩm định. “Không dưới 250000 USD nếu đem  đấu giá ở Miến Điện”, TS Hantun nhận định.


Hội đồng lại làm văn bản trình và xin Chính phủ mang mảnh 290 carat ra nước ngoài đấu giá với giá sàn 250000 USD như gợi ý của TS Hantun. Chính phủ chưa trả lời thì lãnh đạo VIGEGO nhận được thông tin từ các đầu nậu, cá nhân buôn bán đá quý nói rằng giá sàn của viên 290 carat có thể còn hơn thế.

 

“Anh An ơi, giá sàn như thế vẫn thấp”, ông Đào Trọng Cường – Giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt, gọi điện cho KS An. Một nhân vật nữa là ông Dừa, nhà buôn đá quý ở TP HCM, cũng chung nhận xét như vậy.


Họp lại hội đồng, ông Nguyễn Thiện Dũng đề xuất "Thôi thì ta chào 1000 USD/carat. Bán được thì bán, không được thì ta mang về theo luật định của Myanmar”. Lại biên bản lên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIGEGO, rồi Thủ tướng Chính phủ.


Tháng 10-1997, đoàn VIGEGO do KS An dẫn đầu mang viên đá quý đầu tiên sang Myanmar đấu giá tại phiên chợ đá quý tổ chức ở thủ đô Rangun năm hai lần. Trước phiên đấu giá năm ngày, sản phẩm được đưa ra triển lãm. Phía bạn thẩm định, cân đong đo đếm và viết lý lịch viên đá, viết mức giá sàn của viên đá.


Khách hàng được sàng lọc rất kỹ. Sau khi được cấp thẻ đăng ký, họ vào hội chợ miễn phí và được phép cầm trực tiếp xem mẫu vật. Có viên gần triệu USD cũng được đưa cho khách xem trực tiếp dù khách không phải ứng tiền đặt cọc.


Người Thái xem sản phẩm của ta nhiều nhất. Chủ phiên đấu giá gõ vào cồng tiếng thứ nhất. Không thấy ai lên tiếng. Sau tiếng gõ thứ hai, một thương gia Thái ghi gì đó vào một tờ giấy rồi bỏ vào âu bạc do một nhân viên nhà bán đấu giá kính cẩn dâng đến. Âu được chuyển ngay đến bàn nhà bán đấu giá. Mức đặt giá được xướng lên, đúng 290000 USD. Tiếng cồng thứ ba, không ai trả thêm. Viên ruby 290 carat của ta thuộc về tay thương gia Thái nọ. Số phận viên hồng ngọc đầu tiên thuộc sở hữu nhà nước được định đoạt với giá trong mơ như vậy.


So với mức định giá ban đầu ở nhà, chỉ 20000 – 30000 USD, thậm chí mức do TS Hantun gợi ý, bán được giá ấy là hời to. Nhưng xem diễn biến phiên đấu giá, KS An có cảm giác ta chưa bán được nó với đúng giá thị trường. Đoàn ta đi hơn chục người, toàn quan chức, rồi chủ doanh nghiệp nhà nước.

 

“Tất cả đều gà mờ về thương trường, nhất là thương trường đá quý”, KS An nói với vẻ mặt tiếc nuối. “Nếu tại phiên đấu giá như thế, có những nhân vật mà ở nhà ta rất hay phê phán là cò mồi thì mức giá cuối cùng chưa chắc là mức giá ta chào bán”.


Chúng ta không chỉ thiếu kinh nghiệm về tham gia bán đấu giá mà còn kém về xã giao. Các bạn Miến Điện rất nhiệt tình với mình, giúp ta bán được viên ruby với giá rất cao so với mức giá ban đầu ta tưởng tượng. Thế mà bán xong, ta không hề có bồi dưỡng gì cho bạn.

 

“Tôi nói với Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIGEGO rằng sao không mạnh dạn trích phần trăm để lại quả cho họ. Do cơ chế tài chính của ta lúc đó hay gì gì đó, các anh có trách nhiệm cứ lờ đi. Đến giờ tôi vẫn áy náy. Đành rằng, ở bên đó, ngay sau bán đấu giá, ta có tổ chức tiệc và tặng quà cho từng người mang tính biểu tượng là chính. Mỗi người, tôi còn nhớ, được một tranh sơn mài, một con sư tử than mang từ nhà sang”, KS An thở dài.


Hồi đó, Myanmar vẫn bị Mỹ phong tỏa nên tiền không được chuyển trực tiếp cho Việt Nam. Tay người Thái trả cho ban tổ chức trong vòng mấy ngày. Sau đó tiền được chuyển qua sứ quán ta ở Rangun, rồi chuyển đủ 290000 USD trong vòng một tháng.

Vụ phát hiện viên đá ngọc to kỷ lục là bất ngờ lớn nhất của ngành đá quý hồi đó, tạo bước ngoặt trong định hướng thăm dò và khai thác đá quý Việt Nam. Nhưng sau này mới thấy hết những tác động nhiều chiều của nó. Một trong những tác động dễ thấy đầu tiên là Tân Hương không vì thế mà bứt phá lên được. Nơi tạo nên bất ngờ ấy kéo dài vất vưởng thêm bảy năm trên bốn thân quặng nữa thì đóng cửa mỏ, dù còn mấy thân quặng và hai đầu mỏ chưa khai thác. Lý do đóng cửa là không quản lý được và lỗ chổng vó. Cả một khu vực tổng cộng 25 ha giờ vẫn ngổn ngang. Công ty Đá quý&Vàng Yên Bái, được đổi thành Công ty Cổ phần Đá quý Yên Bái. Năm 2010, họ xin tỉnh cho mở lại cửa mỏ và quy hoạch mở rộng vùng thăm dò, khai thác, nhưng vẫn chưa được hồi âm.

Theo Quốc Dũng/Tiền Phong