Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hàng triệu "quả bom nước" sẽ mọc nóc nhà dân? Tin ảnhTin mới nhất

(09:25:36 AM 23/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Rất nhiều bạn đọc hoảng hồn với đề xuất xây hồ chống ngập ở mỗi nhà dân. Sẽ có thêm hàng triệu quả bom nước trên đầu vì nhà TP.HCM hiếm đất thừa?

 Hàng triệu "quả bom nước" sẽ mọc nóc nhà dân?
Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp


Các chuyên gia và người dân tiếp tục nêu ý kiến bức xúc xung quanh đề xuất xây hồ chống ngập tại gia.

Đề xuất xây hồ chống ngập tại gia nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến hoan nghênh việc đề xuất ý tưởng chống ngập cho thành phố nhưng các chuyên gia và người dân đều có những băn khoăn về tính khả thi của một phần đề án này.

Trong đó có hàng ngàn ý kiến thăm dò bạn đọc trả lời cho TTO cho rằng phương án chống ngập kiểu xây hồ chống ngập ở mỗi nhà dân là bất khả thi.

Nguy hiểm như bom


Không chỉ là vấn đề diện tích xây ở đâu, xây như thế nào, nhiều bạn đọc còn bày tỏ sự lo lắng trước những nguy cơ tiềm ẩn của hồ chứa nước trong nhà.

Chẳng hạn khi hồ nước xuống cấp, “hồ chứa nước này sẽ là một cái bẫy chết người. Xây hồ rồi phải ở nhà trông trẻ con à?”, bạn đọc Sontd nêu ý kiến. …

Có người thì cho biết từng xây bể chứa nước nhưng vì muỗi nhiều và ảnh hưởng sức khỏe của cả gia đình nên đành phá bỏ.

“Chỉ biết Tokyo xây bể ngầm chứa nước mưa, sau đó bơm ra sông. Ở Malaysia là hệ thống đa chức năng, khi mưa to là cống dẫn, bình thường là đường giao thông"- bạn đọc tên Phong viết.

 

 Hàng triệu "quả bom nước" sẽ mọc nóc nhà dân?

Một hộ dân ở đường Ấp Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) bơm nước từ trong nhà ra ngoài sau cơn mưa ngày 9-9 - Ảnh: ĐỨC PHÚ



Lợi bất cập hại?


Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Khương Văn Mười hoan nghênh những đề xuất chống ngập cho thành phố nhưng ông cho rằng nên cân nhắc kỹ về tính khả thi và hiệu quả của riêng việc xây dựng hồ chống ngập tại mỗi hộ gia đình.

Những vấn đề cần phải tính đến, theo ông Mười là về nền móng, chi phí xây dựng, máy bơm nước, vệ sinh môi trường, xả nước trong hồ ra đâu và xây như thế nào trong nhà dân.

Vấn đề xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng cũng được ông Mười đưa ra cân nhắc bởi “người dân không thể tự giải quyết được vấn đề xử lý nước”.

“Mỗi nhà dân đào một hồ chứa nước, chống ngập có thể làm xói mòn, lở đất, không làm đúng kĩ thuật, không xử lý nước, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và nhiều vấn đề khác có thể xảy ra. Chúng ta phải cân nhắc vì có thể việc xây dựng sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được”, KTS Khương Văn Mười thẳng thắn nói.

Trao đổi, KTS Lê Công Sĩ cho rằng với đề xuất xây hồ điều tiết trên mái nhà, sẽ khá phức tạp trong công tác duy tu, bảo trì, đặc biệt làm tăng đáng kể chi phí đầu tư xây dựng cho ngôi nhà.

“Lo ngại tốn nhiều chi phí và mối nguy hiểm thường trực từ “quả bom nước” trên đầu không phải là không có cơ sở”, ông Sĩ nói.

Để an toàn, việc xây hồ tại gia nên tiến hành dưới đất. Theo KTS Lê Công Sĩ, trong trường hợp này có thể có hai loại hồ là hồ “nổi” hoặc hồ ngầm.

“Trong trường hợp nước trong hồ chưa kịp thải ra hệ thống chung (do trời còn mưa hoặc do chủ nhà chưa kịp mở van xả) sẽ gây hiện tượng “trào ngược” (nếu không được thiết kế ống báo tràn đúng cách), khi này nước thoát từ các vị trí (ban công, mái nhà) không theo các ống thu gom để tập trung vào hồ nữa mà dễ tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của gia đình”, KTS Lê Công Sĩ lo ngại.

Với hồ ngầm và xây kín, việc bố trí và điều chỉnh van xả từ hồ ra hệ thống thoát nước chung (vận hành hồ) hoàn toàn không đơn giản, KTS Lê Công Sĩ nhận định.

Ông Sĩ cho rằng hồ điều tiết tại gia chỉ có thể có tác dụng đối với khu vực dân cư không bị ngập cục bộ, tức nước từ hệ thống chung phải được nhanh chóng rút ra sông sau mưa.

“Ngược lại trong trường hợp khu vực bị ngập cục bộ, việc xây hồ điều tiết không khéo sẽ là  “lợi bất cập hại” do khi mở van xả nước (bẩn) từ hệ thống thoát công cộng chảy ngược vào hồ trong khi lẽ ra phải ngược lại”, KTS Lê Công Sĩ tiếp tục phân tích.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt cho rằng thiết kế, xây dựng hồ dưới đất sẽ an toàn hơn xây trên cao.

“Một khối nước là khoảng 1 tấn, trữ 3-4 khối nước là khoảng 3-4 tấn rồi. Nếu nền móng không vững chắc, thiết kế không đúng chuẩn thì có thể biến thành “quả bom nước”, rất nguy hiểm.

Lo về diện tích, kinh phí, kỹ thuật

Về cơ sở khoa học, bạn đọc Cao Đệ cho rằng theo mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp (ảnh) - hồ chứa nước chống ngập chỉ thích hợp ở khu biệt thự có đất trống.

"Không biết liệu với 1-2m3 nước trữ lại theo phương án đề ra có đủ để giảm ngập cục bộ không? Có thể minh họa bằng bài toán để dễ hiểu: Giả sử ngưỡng giới hạn của thoát nước là 100m3. Khi tổng lượng mưa lớn hơn 100m3 thì sẽ ngập. Nếu hồ chứa nước tại gia của các hộ đạt được 100m3 nhưng chỉ sau 10 phút lượng mưa đạt được ngay 100m3, sau thời gian này sẽ ra sao?  Như vậy khi chưa làm hồ thì sau 10 phút sẽ ngập. Bây giờ làm hồ thì mưa hơn 20 phút sẽ ngập" - bạn đọc Cao đệ phân tích.

Có chuyên gia cho rằng nếu làm hồ trên mái thì phải chú ý đến việc chống thấm và độ chịu lực của nền móng vì 1m3 nước tương đương 1 tấn.

Nhiều bạn đọc cho biết thực chất xây hồ tại gia là phương pháp dùng để tiết kiệm nước trong tưới tiêu đối với những nhà có sân vườn ở nước ngoài. Việc áp dụng phương pháp này ở TP.HCM sẽ vấp phải những khó khăn nhất định về diện tích, kỹ thuật, giải pháp tối ưu hóa…

"Công nghệ này có từ lâu nhưng đối với nhà ống thì khó khả thi do diện tích hạn hẹp, đặc biệt là vật tư lọc để dùng làm nước sinh hoạt" - bạn đọc Thái khẳng định.

Anh Sang Nguyễn viết: Nhà ở thành phố chỉ toàn là nhà ống, nhà này liền vách nhà kia, lấy đâu ra đất thừa mà làm? Còn làm bể trên mái nhà thì chịu sao nổi, vừa bồn nước sinh hoạt, vừa bồn nước nóng, giờ thêm bồn trữ nước mưa nữa.

Nên làm hồ trữ nước lớn

Cũng là xây hồ chứa ngầm nhưng ở nhiều đề xuất khác, nhiều người đề nghị nên xây ở các khu vực công viên, vỉa hè… , thay vì trong diện tích nhà dân.

Anh Phan Tấn Lộc cho biết những công viên ở Pháp tạo địa hình chỗ đắp cao thành đồi và có chỗ trũng rồi trồng cỏ. Khi có lượng mưa nhiều, nước chảy vào chỗ trũng như hồ điều tiết. Dạng hồ này được gọi là hồ khô.

KTS Khương Văn Mười nhận định với lực lượng tri thức hiện nay, TP.HCM hoàn toàn có khả năng đưa ra các giải pháp chống ngập hiệu quả. Nhà nước đứng ra làm có thể kiểm soát về mặt chi phí, kỹ thuật và nhiều yếu tố khác, khi đó, người dân cũng sẽ có sự đóng góp, ủng hộ thay vì yêu cầu mỗi hộ dân tự làm.

“Thay vì từng hộ gia đình làm hồ chống ngập, chúng ta có thể hồ trữ nước lớn tại các khu vực công cộng. Lượng nước trữ lại này có thể xử lý để tái sử dụng hoặc đợi đến mùa khô thì bơm trả về nguồn. Mặt khác, tại những chỗ ngập gần kênh, có thể sử dụng hệ thống bơm tự động ra kênh, đó cũng là một giải pháp”, KTS Khương Văn Mười chia sẻ.

Theo TTO