Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giàn lưới và các sản phẩm của tàu giã cào bay đang cập bến bán cho thương lái - Ảnh: Lệ Giang
|
Dù đang là chính vụ khai thác cá tôm nhưng nhiều ngư dân nghèo ven vịnh Vân Phong như xã Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bấm bụng cho ghe, thúng lên bờ nằm phơi khô, lưới chài bó lại thành cục cất trong nhà.
“Ai cũng sợ cào bay “ăn thịt” hết lưới chài của mình”- ông Lê Ngọc Hoàng ở thôn Quảng Hội 2, xã Vạn Thắng, bức xúc.
Như B52 rải thảm!
Nhìn ngôi nhà của ông Hoàng nằm sát mép nước biển thật đáng thương, nói đúng thực chất là cái lều vừa đủ kê cái giường và chỗ nấu ăn.
“Mấy năm trước không có cào bay vào vịnh phá hoại, mùa gió đông bắc mỗi đêm đi câu cũng kiếm được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Bây giờ cá, tôm đều bị cào bay lủm sạch, ngay cả những con nhỏ bằng chân nhang cũng không thoát” - ông Hoàng tố cáo giã cào bay đã dồn gia đình ông vào chân tường.“Lưới của mình đã có đèn đỏ báo hiệu thành hàng, nhưng tàu của mấy ông cào bay không có đèn đuốc gì cả, họ sợ bị bắt nên đi như câm như điếc, chẳng thèm để ý gì. Cái miệng lưới (chiều ngang từ chiếc tàu này sang chiếc tàu kia) rộng mấy cây số, đi qua một cái coi như cả giàn lưới của mình nằm trọn trong đụt giã của họ. Mình kêu van cho tàu dừng lại, mấy ông còn nói “Ai bảo mấy ông thả lưới tùm lum ráng chịu!” - ông Nguyễn Trác ở thôn Tân Phước Đông, xã Vạn Phước, kể.
Vùng biển xã Vạn Phước, Vạn Thọ, Vạn Khánh... nằm ở hóc vịnh Vân Phong, nước cạn, kín gió quanh năm, rất thuận lợi việc nuôi tôm hùm. Thế nhưng nạn cào bay hoành hành mấy năm nay đã làm triệt tiêu nghề nuôi tôm hùm ở đây.
“Trước đây lồng, bè nuôi tôm nằm san sát dài tít ra ngoài xa, nay đã dẹp bỏ hết rồi. Bởi con tôm hùm thích ở những vùng nước trong sạch, đêm nào cào bay cũng phá như bom của máy bay B52 rải thảm, mỗi lần cào bay đi qua nước đục từ dưới trào lên cuồn cuộn, cả một vùng rộng nước đen sì. Thử hỏi có con gì mà sống nổi!” - ông Lê Văn Long, người có thâm niên 12 năm nuôi tôm hùm (nay phải bỏ nghề), cho biết.
Sát thủ môi trường
Nhắc đến hai từ “cào bay”, bất cứ ngư dân nào cũng sợ hãi vì sự tàn phá thật kinh khủng. Tàu giã cào bay được “lên đời” từ những chiếc thuyền cào đôi có công suất máy 30 - 60 CV.
Bây giờ cào bay được cải hoán vỏ tàu to, lắp đặt động cơ máy ôtô, công suất 300 - 600 CV/tàu, chân vịt loại to bốn cánh, mỗi khi hoạt động cả hai tàu cùng kéo ga, ban đêm giữa biển thanh vắng nghe tiếng gầm rú như máy bay phản lực! Vận tốc của nó có thể đạt 8 - 10 hải lý/giờ (1 hải lý tương đương 1,8km) nên dân biển mới gọi là “giã cào bay”.
Bộ lưới của giã cào bay có chiều rộng 1,5-2 hải lý, chiều dài thì tít tắp. Phía dưới đáy họ gắn những dây xích sắt to đùng đủ sức kéo cả giàn dưới quét sát xuống đáy biển, có thể lủi xuống tận lớp bùn để cào sạch những con ốc, con ghẹ đang giấu mình dưới đó.
Mỗi mẻ lưới của tàu giã cào bay kéo lên luôn đạt sản lượng 1,5 - 3 tấn (một đêm có thể kéo được 2 - 4 mẻ lưới). Vì vậy cào bay ở đầm, vịnh là siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, điều kinh khủng hơn cả của giã cào bay là sự hủy diệt môi trường. Nơi nào giã cào bay đi qua, xem như chỗ đó là biển chết! Bởi từ con cá thu vài chục ký đến những cá con chỉ mới bằng chân nhang đều dính lưới. Từ con ốc, con ghẹ ẩn náu dưới bùn cũng bị cào sạch! Thậm chí cả cỏ biển, rong biển cũng bị tàn phá nặng.
Thanh tra bó tay! Đơn thư cầu cứu, tố cáo nạn giã cào bay của bà con đã gửi nhiều lần đến xã, huyện, tỉnh. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa yêu cầu thanh tra sở thành lập đoàn kiểm tra tình hình vi phạm pháp luật của tàu cá trong vịnh Vân Phong, nhưng chẳng ăn thua gì. Ông Đặng Quốc Phú, chánh thanh tra sở này, ngao ngán: “Chỉ cần tàu của thanh tra, biên phòng xuất hiện, cào bay, giã cào đều “thụt” đầu hết, nhưng chúng tôi quay lưng về họ lại ra hoạt động bình thường. Sử dụng canô nhỏ âm thầm phục kích trên biển thì dân cào bay chẳng sợ chút nào vì tàu của họ to, chạy nhanh. Canô của mình nhỏ như tấm lá phía dưới, tàu cứ chạy lướt qua như thường mà chẳng làm gì được cả”. |