Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Học sinh trường THCS Bình Hưng Hòa - nơi đang xảy ra những bất đồng giữa tập thể giáo viên và hiệu trưởng
Bất hợp tác
Theo kế hoạch, trường sẽ chi 65% tiền thu được từ hoạt động dạy BDVH cho những GV trực tiếp đứng lớp, 15% cho hoạt động gián tiếp, 20% cho điện nước và chi khác.
Không thắc mắc về tỷ lệ chi nói trên nhưng tập thể GV của trường muốn kiểm soát việc chi tiêu khoản 20% nói trên là chi vào những việc gì, có cần thiết, có thực chi và giá cả có hợp lý… Tuy nhiên, hiệu trưởng trường là cô Lại Thanh Vân đã không đáp ứng yêu cầu này, nên GV kiên quyết không hợp tác.
Đòi hỏi được kiểm soát số tiền 20% nói trên của GV có chính đáng? Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục-đào tạo Q.Bình Tân cho biết, theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thì hiệu trưởng phải công khai các khoản chi.
Việc công khai có thể thực hiện trong các cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường hoặc công khai trên bảng để tập thể giám sát. Việc công khai cũng phải được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan.
“Điều quan trọng là mọi thứ phải minh bạch. Hiệu trưởng mua sắm cái gì cũng công khai minh bạch thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra” - ông Tuyên nói. Cũng theo ông Tuyên, nhà trường phải tổ chức ban mua sắm chứ không thể để hiệu trưởng cứ thích mua gì thì mua. Khi phát hiện giá cả mua sắm quá chênh lệch so với giá thực thì GV phải phản ánh với ban chấp hành công đoàn, ban thanh tra nhân dân để xem xét lại việc báo giá, đấu giá.
Trở lại với câu chuyện của trường THCS Bình Hưng Hòa, không phải ngẫu nhiên mà GV lại yêu cầu được kiểm soát việc chi tiêu. Trước đó, trong quá trình đấu tranh với bà hiệu trưởng, GV từng phát hiện 30% nguồn thu học phí dạy BDVH cho HS bị thất thoát.
Hiệu trưởng “đổ thừa” do “bị thất thu”, nhưng lại không thể chứng minh thất thu như thế nào. Đến khi GV gây áp lực đòi hiệu trưởng phải công khai để kiểm soát nguồn thu thì số tiền dư ra lên đến 128 triệu đồng cho một học kỳ (học kỳ II năm học 2012-2013).
Đến năm học sau, 2013-2014, khi GV lơi lỏng kiểm soát thì 30% nguồn thu lại biến mất. Tập thể GV khiếu nại, quận về xác minh thì bà hiệu trưởng giải trình bằng 41 khoản chi mà tập thể GV cho là không có thực.
Nhờ GV khiếu nại, ở học kỳ II năm đó, 41 khoản chi “khống” bị triệt tiêu, số tiền dôi dư lên đến gần 100 triệu đồng. Từ thực tế trên, tập thể GV đã không còn tin vào việc chi tiêu của bà hiệu trưởng, muốn mọi khoản chi tiêu của trường phải được kiểm soát.
Khi nào xử lý hiệu trưởng?
Theo phản ánh của nhiều GV, trong thời gian bà hiệu trưởng Lại Thanh Vân nghỉ hộ sản, cô Đỗ Thị Thủy - hiệu phó, lãnh trách nhiệm điều hành trường, mọi hoạt động của trường diễn ra rất suôn sẻ, các khoản thu chi đều được công khai minh bạch.
Đến tháng 4/2015, sau thời gian nghỉ hộ sản, bà Vân trở lại lãnh đạo trường thì tình hình lại trở nên rối ren. Hậu quả rõ nhất là đến nay, đã bắt đầu năm học hơn hai tháng nhưng trường không thể tổ chức được hoạt động BDVH cho HS.
Một vấn đề khiến tập thể GV Trường THCS Bình Hưng Hòa đặc biệt quan tâm là bà Lại Thanh Vân đã hết nhiệm kỳ hiệu trưởng từ tháng 8/2014. Vậy hiện nay bà Vân có còn là hiệu trưởng của trường không?
Trả lời câu hỏi này, ông Tuyên cho biết, hiện Quận ủy Bình Tân đã có thông báo đợi đến khi nào có thông báo khác mới giải quyết và thông tin thêm: “Mọi chuyện trong kết luận thanh tra đã rõ, ai cũng thấy rồi. Quận cũng đã nắm hết sự việc. Trong tháng 10 này Phòng sẽ xử lý theo kết luận thanh tra. Cụ thể, Phòng sẽ xuống trường họp lấy ý kiến góp ý và bỏ phiếu để chọn hình thức kỷ luật đối với cô Vân. Sau đó, Phòng sẽ tập hợp hồ sơ trình Phòng Nội vụ để Phòng Nội vụ trình Ủy ban quận. Ủy ban quận sẽ họp Hội đồng kỷ luật”.
Trước băn khoăn của tập thể GV về việc cô Vân không còn xứng đáng làm người lãnh đạo trường, ông Tuyên cho rằng phải chờ kết quả cuộc họp góp ý và bỏ phiếu của tập thể cán bộ GV đối với cô Vân trong thời gian tới. Ông cũng trấn an tập thể GV Trường THCS Bình Hưng Hòa hãy bình tĩnh và tập trung lo giáo dục HS.
“Điều lệ trường phổ thông không quy định phải chờ hết nhiệm kỳ hoặc đủ hai nhiệm kỳ mới xử lý kỷ luật. Tại Q.Bình Tân, nhiều hiệu trưởng làm không tốt đã bị xử lý giữa nhiệm kỳ. Làm không tốt thì phải ra đi. Nếu hiệu trưởng mà không còn được tín nhiệm thì nên tự giác làm đơn xin đi chứ đừng chờ Phòng điều, nếu còn một chút tự trọng” - ông Tuyên khẳng định.
Chuyện nực cười
Ngày thứ Sáu 7/3/2015, cô Đỗ Thị Thủy - hiệu phó đang chịu trách nhiệm lãnh đạo nhà trường (vì bà hiệu trưởng Lại Thanh Vân nghỉ hộ sản) có yêu cầu cô Trần Thị Nga - nhân viên văn thư của trường - lấy con dấu đóng vào một văn bản để nộp gấp về Phòng Giáo dục-đào tạo Q.Bình Tân, nhưng cô Nga để quên chìa khóa ở nhà.
Cô Thủy yêu cầu cô Nga về lấy chìa khóa, cô Nga hẹn hôm sau, thứ Bảy, sẽ mang vào. Nhưng ngày thứ Bảy, rồi Chủ nhật cô Nga cũng không vào trường mà cùng gia đình đi chơi xa. Tình thế gấp gáp buộc cô Thủy phải mời Chủ tịch Công đoàn và bảo vệ lập biên bản để mở tủ lấy con dấu sử dụng.
Lỗi của cô Nga trong vụ việc này là rất rõ ràng, nhưng sau đó cô Nga lại đi khiếu nại cô Thủy “lấy và sử dụng con dấu trái phép”, Phòng Giáo dục - đào tạo và Quận ủy đã về thanh tra.
Ngày 18/9/2015, Phòng Giáo dục-đào tạo họp với Hội đồng sư phạm trường để lấy ý kiến xét kỷ luật cô Thủy. Trớ trêu là bà Lại Thanh Vân - người đang bị tập thể GV tố cáo và đang chờ xử lý kỷ luật - lại là người chủ trì cuộc họp lấy ý kiến xét kỷ luật cô Thủy.
Sự việc trên không khỏi khiến tập thể cán bộ, GV Trường THCS Bình Hưng Hòa thắc mắc: Hiệu trưởng Lại Thanh Vân có rất nhiều sai phạm nhưng chờ mãi vẫn không thấy Phòng Giáo dục-đào tạo và Q.Bình Tân xử lý, trong khi cô Thủy mở tủ lấy con dấu để sử dụng vào việc công (có sự chứng kiến của Chủ tịch Công đoàn và bảo vệ nhà trường) chỉ là chuyện nhỏ nhưng lại trở nên “ầm ĩ”!