Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một đoạn sông Tô Lịch đầy rác
Tiếc nuối những dòng sông xưa- nay
Sông Tô Lịch xưa vốn là một sông cổ của tứ giác nước Thăng Long, được coi là biên giới ngăn cách giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Xưa kia, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Khách buôn từ khắp nơi có thể theo dòng sông Tô đưa hàng vào trong kinh thành. Đã có một thời, hai bờ sông Tô Lịch bát ngát một màu xanh của các loại rau thơm, đặc biệt là rau húng Láng - loại rau đã đi vào ca dao như một thứ gia vị nổi tiếng không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình người dân Hà thành. Người Hà Nội xưa vẫn thường ca ngợi sông Tô Lịch đẹp như một bức tranh thủy:
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”
Hay Sông Nhuệ xưa có một vị trí vô cùng đặc biệt. Trước kia, nó là ranh giới tự nhiên giữa Thăng Long phía Đông và xứ Đoài mênh mông phía Tây. Sau năm 2008, sông Nhuệ nằm ở trung tâm Hà Nội, nhìn trên bản đồ, sông Nhuệ uốn lượn như một dải lụa mềm mại giữa lòng thành phố. Dòng sông Nhuệ mang biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đi vào trong thi ca, trong bài hát “Người con gái Việt” của nhạc sĩ Lân Tuất: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ. Quê hương tôi màu sen tấm áo vân hồng, hàng lúa chín thiết tha. Quê hương tôi 10 năm giặc chiếm đóng, còn đâu bóng người con gái đẹp giữa mùa xuân trẩy hội bên đình…”
Thế nhưng tất cả những dòng sông ấy đã chỉ còn là “quá cảnh” khi trước đây dòng sông hiền hòa bao nhiêu, thì giờ lại đáng sợ bấy nhiêu.Ngày nay, người ta chỉ coi sông Tô Lịch như một cái “cống lộ thiên” của thủ đô. Người ta vẫn gọi nó theo một cái tên chơi chữ là sông “hương”- bởi quanh năm nó luôn bốc lên những mùi hôi thối. Nước sông đổ ra đen ngòm, rau muống tự nhiên sinh sôi tươi tốt, không một sinh vật sống dưới nước nào dám bơi lội trên dòng nước ấy. Người dân không “nỡ” ăn rau muống được thả trên sông vì sợ…ngộ độc.
Đấy là những đoạn sông may mắn rau muống vẫn còn mọc lên được, có những đoạn chỉ thấy đen kịt, đặc quánh giữa rác, bùn bẩn, ô nhiễm nghiêm trọng đến mức không loài thực vật nào có thể mọc lên nổi, mùi hôi thối bốc lên như một nỗi ám ảnh kinh hoàng của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ.Những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn chảy qua hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, nhiều năm phải “chống chọi” với cảnh ô nhiễm của dòng sông.
Mặc dù đã qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng hiện dòng sông này vẫn ô nhiễm nặng nề: nước sông càng lúc càng cạn, màu nước càng ngày càng đen và bốc mùi hôi thối nặng. Thậm chí dòng sông hiện nay trông chẳng khác nào một hồ chứa nước thải mà chẳng còn loài sinh vật nào có thể sống được. Qua tìm hiểu, mỗi ngày có tới gần 250.000 m3 nước thải xả thẳng xuống dòng sông mà không hề qua xử lý.
Hay sông Nhuệ- Đáy xưa vốn trong xanh là thế nay cũng đã bị biến đổi hoàn toàn. Với chiều dài gần 20 km chảy qua địa bàn thủ đô (điểm đầu ở Q.Bắc Từ Liêm, điểm cuối tại H.Phú Xuyên), nhiều khúc của sông Nhuệ nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và gần như không còn xuất hiện sự sống dưới lòng sông. Theo các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ, thực trạng ô nhiễm trên sông diễn ra đã lâu và ngày một tăng theo sự xuất hiện của hàng loạt những khu đô thị, khu chung cư.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (54 tuổi, ngụ ở làng đào Ngọc Trục thuộc P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm) cho hay: “Chỉ khoảng hơn chục năm trước, người dân chúng tôi vẫn thả lưới, đánh dậm... để kiếm con tôm, con cá. Không những thế, nước sông Nhuệ còn được các hộ làm nông dùng để cấy hái, trồng cây cảnh, sản xuất hoa màu. Nhưng những năm gần đây, nước sông ngày càng ô nhiễm. Không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc đủ thứ bệnh ngoài da”.
Cư dân sinh sống trên địa bàn còn cho biết, sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng đã gây ảnh hưởng tới mạch nước nước ngầm. Hàng loạt giếng nước của các hộ dân sinh sống dọc con sông dần bị chuyển sang màu đục nhờ nhờ, nổi váng và có mùi hôi, tanh. Nhiều đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường H.Thanh Oai về lấy mẫu nước giếng đi xét nghiệm, và kết quả cho thấy nước giếng ở Cự Khê bị nhiễm asen ở mức độ cao vượt ngưỡng cho phép.
Đó là không chỉ là số phận riêng của hai dòng sông Tô Lịch và Nhuệ Đáy mà còn là số phận chung của rất nhiều các con sông khác hiện nay trong nội đô. Tại các sông thoát nước chính khác của Hà Nội như sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu... tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức báo động đỏ. Ở nhiều đoạn, lòng sông chẳng khác cái ao tù, nước đen đặc, nổi váng, bốc mùi xú uế nặng, ruồi nhặng bu kín.
Rất nhiều hộ dân sống dọc con sông Lừ (Đoạn từ phường Nam Đồng tới phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội) luôn than phiền về việc dòng sông bốc mùi hôi thối, ngột ngạt đặc biệt là vào những ngày hè oi bức.
Hóa chất từ nguồn nước thải tại xã Dương Nội, Hà Đông nhuộm đỏ sông La Khê ( một nhánh của sông Nhuệ).
Cần nhìn lại những gì con người đã làm
Nguyên nhân khiến nhưng dòng sông vốn hiền hào ấy lại trở thành những con quái vật bốc mùi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật có lẽ đáng trách nhất phải nói đến sự vô tâm, vô ý thức và tàn phá nặng nề của con người.
Có lẽ, cũng khó mà “sống” được khi mỗi ngày, những con sông này đang phải hứng chịu một cách quá tải hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý từ hệ thống thoát nước chung của thành phố, bao gồm nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp và thậm chí là nước thải bệnh viện... Chỉ riêng hệ thống sông Nhuệ - Đáy, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), có đến 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 80.000m3 mỗi ngày.
Dòng chảy bị tắc nghẽn, do quy hoach xây dựng lấn chiếm dòng chảy, rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi tràn lan xuống lòng sông. Dòng chảy không được khơi thông dẫn đến nhiều đoạn và trở thành môi trường lưu giữ những chất độc hại gây ra biến đổi môi trường nước sông và các kênh mương, làm suy giảm chất lượng nguồn nước.
Mặc dù nhà nước đã có nhiều phương án, chính sách để cải tạo, nạo vét khơi thông dòng chảy, triển khai nhiều hệ thống thu gom nước thải và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Bảy Mẫu có công suất 13.300 m3/ngày/đêm, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày/đêm, Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô có công suất 84.000 m3/ngày/đêm... Ngoài ra còn triển khai thực hiện dự án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch, Kim Ngưu.... Tuy nhiên, tiến độ thi công của những kế hoạc đó vẫn còn quá chậm so với tốc độ tàn phá của con người, tốc độ chết của những dòng sông.
Thực trạng ô nhiễm tại những con sông nội đô đã lên đến mức báo động, nó không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống an sinh, xã hội của người dân.Tất cả những điều trên khiến chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại và suy ngẫm, trăn trở nhiều hơn.