Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP HCM: Lấn biển Cần Giờ thêm 480 héc ta

(00:12:09 AM 21/10/2015)
(Tin Môi Trường) - UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ được nghiên cứu lập phương án đầu tư Dự án lấn biển Cần Giờ với diện tích mở rộng thêm 480 héc ta so với dự án cũ, lên 1.080 héc ta.

TP HCM: Lấn biển Cần Giờ thêm 480 héc ta
Bãi biển 30-4 tại Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: Duy Nguyễn.

 

Theo Sở Quy hoạch – kiến trúc TP HCM, cơ quan này đang hướng dẫn Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ lập quy hoạch chi tiết 1/2000 toàn bộ diện tích dự án này (600 héc ta cũ và 480 héc ta mới) để trình UBND thành phố phê duyệt ngay trong tháng 11-2015.

Yêu cầu của chính quyền thành phố đặt ra trong quy hoạch này là phải đề xuất được phương án giao thông đường bộ phù hợp trên cơ sở bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Quy hoạch giao thông đường thủy và đường hàng không phải thiết kế các bến cảng, luồng tàu, bãi đáp trực thăng và các công trình giao thông, công trình dân dụng khác phục vụ cho nhu cầu giao thông đường thủy, giao thông đường hàng không và phát triển du lịch…

Được biết, dự án lấn biển Cần Giờ (còn gọi là dự án Khu đô thị biển Cần Giờ) đã có từ 15 năm trước nhưng chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Khu đô thị du lịch Cần Giờ - không đủ tiềm lực để triển khai. Thực tế, hồi cuối năm 2007, dự án có tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng này đã được chủ đầu tư khởi động nhưng sau đó đã đình trệ.

Mới đây, hồi tháng 6-2015, chính quyền TP HCM đã đồng ý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup tham gia làm đối tác chiến lược để thực hiện dự án này. Với việc Vingroup tham gia đầu tư, thành phố kỳ vọng dự án sẽ được thực hiện nhanh, tạo động lực phát triển cho Cần Giờ.

Với hơn 70.000 héc ta rừng đước, dừa nước, sông và kênh rạch, Cần Giờ được xem như một lá phổi của TP HCM, trong đó, một nửa diện tích là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000 với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.

Theo Quang Chung (TBKTSG)