Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành
Sản phẩm làm ra đắt hơn nhập khẩu, máy móc thiết bị đắp chiếu, công nhân mất việc, sơ tính đã thua lỗ hơn 1.700 tỉ đồng.
Ngay lập tức, thói quen cũ lại hiện về. PVTex, cũng như một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém khác, nghĩ ngay tới xin cơ chế đặc thù: nào là giảm thuế VAT, giảm tiền điện nước, giảm tiền thuê đất, giảm phí nước thải, tái dựng lên hàng rào thuế nhập khẩu với xơ sợi, thậm chí nghĩ tới đề xuất chính sách buộc các nhà sản xuất trong nước phải sử dụng sản phẩm của PVTex!
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp thêm sức ép cho những nhà cải cách trong nước để dứt khoát nói không với những thói quen bao cấp đó. PVTex buộc phải cạnh tranh. Nếu gục ngã, doanh nghiệp phải phá sản, tài sản phải được chuyển tới những người kinh doanh hiệu quả hơn. Đó là kỷ luật lạnh lùng của thị trường.
Của đau con xót, nếu PVTex là của tư nhân, ông chủ sẽ ráng hết sức để sống sót. PVTex “đắp chiếu” thì tài sản nhà nước thất thoát, toàn dân và con cháu chúng ta cùng gánh chịu. Đặc biệt những chuyện như thế này rất khó tìm chính xác một ai để quy trách nhiệm. Từ đó khiến người dân dễ nghi ngờ liệu biết bao của chung đã róc rách trở thành của riêng? Mà trong thực tế, chúng ta đã từng thấy chuyện ở Vinashin…
Ai cũng biết, ai cũng hiểu những điều đơn giản ấy. Chỉ có điều có nhiều người được lợi từ những DNNN kém hiệu quả tựa như PVTex. Họ chính là lực lượng cản trở cải cách. Ôm lấy bao cấp, xin thêm cơ chế chính sách, cản trở áp dụng phá sản, một số DNNN và những người được lợi vùng vẫy cố giữ lấy các thể chế hiện hành đang có lợi cho mình.
Nhân chuyện Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, cần ủng hộ mạnh mẽ các chính sách thúc ép DNNN tuân thủ kỷ luật thị trường.
Thứ nhất, cần ủng hộ việc thoái vốn nhà nước ở các DNNN có hiệu quả. Chỉ có điều, bản chất thoái vốn là bán vốn cho tư nhân, muốn tránh tham nhũng cần minh bạch và đấu giá cạnh tranh dưới sự giám sát khắt khe hơn của công chúng.
Thứ hai, cần ủng hộ việc dùng Luật phá sản để giải quyết nợ nần của DNNN yếu kém. Trong thủ tục ấy, giới chủ nợ phải có quyền dàn xếp, họ dần dần thu lấy quyền quản lý tài sản từ khu vực doanh nghiệp yếu kém.
Cả hai gọng kìm trên sẽ giúp thúc ép quản trị tốt hơn các nguồn tài nguyên quốc gia. Đó chính là một phần của cuộc cải cách thể chế rộng lớn cần phải tiến hành để đón lấy những cơ hội từ TPP.