Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tháng 8 năm 2009, hai người New Zealand mang theo máy ảnh tới khu vực xa nhất của sa mạc Gobi ở Mông cổ để tìm bằng chứng về sự tồn tại của một loại quái vật mà chưa từng ai bắt được hay chụp ảnh được nó ngoài những câu chuyện truyền miệng và những hình vẽ rợn người.
Họ có kế hoạch lắp đặt các thiết bị theo dõi đặc biệt cho phép ghi lại sự thay đổi nhỏ nhất của cát khi có một con vật to lớn chuyển động trên cát để tìm ra dấu vết của loài sâu Tử thần trong truyền thuyết.
Sâu Tử thần Mông Cổ trong bộ phim điện ảnh kinh điển cùng tên.
Sâu Tử thần Mông Cổ được người du mục gọi là Allghoi Khorkhoi hay “sâu ruột đầy máu”. Nó được mô tả có hình dáng tương tự như ống tiêu hóa của một con bò, dài chừng 0,6 tới 1,5 m, thân hình tròn trịa, có màu đỏ tươi và những đốm đen hay mảng đen trên người, trên đầu và ở đuôi có gai.
Theo truyền thuyết được những người dân sa mạc Gobi rỉ tai nhau từ hàng ngàn năm qua, loài sâu này có một khả năng kỳ bí như nó có thể phun ra chất độc acid vàng gây chết người ngay lập tức khi tiếp xúc hoặc có thể tiêu diệt con mồi từ xa bằng một luồng điện siêu mạnh.
Sâu tử thần Mông Cổ lần đầu tiên được những người phương Tây chú ý tới sau khi được nhắc tới trong cuốn sách có nhan đề “Trên đường đi tìm người cổ đại” của một giáo sư người Mỹ tên là Roy Andrews Chapman xuất bản năm 1926.
Vị giáo sư này kể rằng ông đã bị thu hút và bị thuyết phục bởi câu chuyện về một loại quái vật ông được nghe kể trong một một cuộc họp của những quan chức Mông Cổ.
“Không ai trong số những người có mặt ở đó từng được đối diện với sinh vật này nhưng tất cả họ đều tin về sự tồn tại của nó và mô tả về nó một cách vô cùng tỉ mỉ” – ông viết.
Hình ảnh sâu Tử thần Mông Cổ trong tác phẩm của họa sĩ người Bỉ Pieter Dirkx.
Trong cuốn sách của mình, Chapman còn trích dẫn lời Thủ tướng Mông Cổ Damdinbazar người đã mô tả về sâu tử thần năm 1922 như sau:
“Trông nó giống như một khúc xúc xích dài, không có đầu và chân. Sự xuất hiện của nó đồng nghĩa với một cái chết tức thì. Nó sống ở những phần hoang vắng nhất thuộc sa mạc Gobi…”.
Năm 1932, Chapman bổ sung thông tin về quái thú này trong cuốn “Sự chinh phục mới của Trung Á”: “Chúng được cho là tồn tại ở những vùng sa mạc khô hạn nhất ở Gobi, vùng cát ở phía Tây Gobi”
Còn nhà thám hiểm người Tiệp Khắc Ivan Mackerle thì mô tả sâu tử thần theo lời kể của dân địa phương như sau: “Trông nó giống khúc xúc xích, mập ú như cánh tay người đàn ông, khá giống ruột của gia súc. Đuôi nó ngắn như thể bị cắt, nhưng không nhọn.
Thật khó mà xác định được đâu là đầu, đâu là đuôi bởi vì không thấy rõ mắt, mũi, miệng. Nó di chuyển rất lạ thường - cuộn tròn lăn vút đi, hay bò ngoằn ngoèo một bên thân. Nó sống trong các đụn cát hoang vắng và các thung lũng nóng cháy của sa mạc Gobi mà phía dưới là những cây saxaul mọc ngầm.
Bạn có thể trông thấy nó vào thời điểm nóng nhất trong năm là tháng 6 và tháng 7. Sau đó, nó sẽ vùi trong cát và ngủ hầu như suốt thời gian còn lại trong năm. Thường thì nó sẽ bò lên mặt đất sau cơn mưa, hay khi đất ẩm”.
Người ta tin rằng, những con sâu Tử thần rất thích màu vàng và những loại thực vật ký sinh ở hoang mạc như cây goyo. Bằng chứng là người Mông Cổ còn truyền nhau câu chuyện về kể về một cậu bé đang chơi ngoài trời với một chiếc hộp màu vàng thì bị một con sâu bí mật chui vào bên trong.
Khi cậu chạm tay vào hộp thì cậu bé chết ngay lập tức. Theo dấu vết ngoằn ngoèo trên cát để lại, cha mẹ của cậu bé biết chuyện gì đã xảy ra và quyết tâm đi tìm con sâu để trả thù. Nhưng thay vì giết được nó, họ đã bị nó giết chết!?
Những người tin vào sâu Tử thần đều cho rằng việc tiếp xúc với bất kỳ điểm nào trên mình nó đều cực kỳ nguy hiểm. Nọc độc của nó có thể ăn mòn kim loại và có thể giết chết một con lạc đà to khỏe ngay trong chớp mắt. Và họ tin rằng nơi trú ngụ của loài sâu này là phần sa mạc hoang vắng, khắc nghiệt ở phía nam Gobi.
Gobi trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “rất rộng và rất khô”. Đây là một vùng đất hình cung rộng chừng 1,3 triệu km2 và được xem là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.
Nhưng khác với những sa mạc bình thường khác, ở Gobi không chỉ có cát mà còn có cả những dãy núi và các tảng đá khổng lồ. Nó được tin vốn là một phần của hồ nước hay biển ăn sâu vào nội địa từ 10.000 tới 12.000 năm trước nhưng sau một cơn đại hồng thủy, nước đã bị cuốn trôi hết về phía nam và phía tây dẫn tới tình trạng như hiện nay.
Sự tồn tại của sâu Tử thần vẫn là một đề tài tranh cãi nóng bỏng mà đến ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được câu trả lời. Cuộc tìm kiếm sâu Tử thần của những nhà thám hiểm New Zealand không phải là cuộc thám hiểm đầu tiên được tiến hành.
Dưới thời Xô Viết, các nhà khoa học Liên Xô cũng đã từng tổ chức các cuộc tìm kiếm ở sa mạc Gobi và đem về nhiều câu chuyện thần bí.
Vào tháng 5/2005, các nhà khoa học và thám hiểm thuộc Trung tâm sở thú Fortean, Thế giới kỳ bí và E-Mongol đã bỏ ra một tháng để nghiên cứu các bản báo cáo và tiếp tục truy lùng sâu Tử thần.
Dù chưa được tận mắt chứng kiến nhưng họ tin rằng sinh vật này có thể tồn tại và ở đâu đó thuộc những vùng đất khắc nghiệt nằm dọc biên giới Trung Quốc – Mông Cổ.
Ông Richard Freeman, trưởng nhóm nghiên cứu trên cho rằng, có thể sinh vật lạ này không phải là sâu bởi những con sâu sống được rất cần tới độ ẩm. Nó có thể là một loài bò sát không chân, sống ở dưới mặt đất. “Nó có thể là thành viên khổng lồ của một nhóm bò sát có tên là thằn lằn giun hay rắn hai đầu”. Trong thực tế đã có một nhóm động vật này nhưng chúng vẫn chưa được biết tới nhiều do ít được quan tâm nghiên cứu.
Ông Freeman cũng cho rằng mọi người đã quá thổi phòng về năng lực giết người của sâu Tử thần. Ông cho rằng nó giống như con rồng lửa, kỳ nhông của thời Trung cổ, nhưng cực độc. Chính Alexander Đại đế đã từng mất hàng trăm chiến binh sau khi những người này uống nước trong một dòng suối có một con kỳ nhông nằm ở đó.
Sâu Tử thần trong truyền thuyết của người Mông Cổ.
Ngay cả thời điểm hiện tại ở Sudan, nhiều người còn nghĩ rằng con trăn vốn hiền lành vẫn có thể gây chết người qua tiếp xúc.
Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng sâu Tử thần Mông Cổ có thể là một sinh vật mang hai đặc tính của lươn phóng điện và rắn hổ mang phun nọc độc mà không cần cắn tồn tại trên thực tế.
Rắn phun nọc độc có thể tấn công con mồi cực kỳ chính xác ở khoảng cách xa trên 3m. Khi muốn phun hay xịt, nó sẽ phồng mang, phun độc tố từ tuyến nọc dưới răng ra, phóng chính xác vào mắt của đối thủ.
Còn lươn phóng điện là một loại sinh vật trông giống như con lươn bình thường, sống ở dưới bùn lầy, ở các vùng nước yên tĩnh. Cứ khoảng 10 phút nó lại nổi lên mặt nước để hít không khí rồi lặn xuống dưới đáy một lần.
Gần 80% không khí mà loài lươn này hấp thu được là do nổi lên trên mặt nước. Điều đó cho thấy, rất có thể là nó có một người anh em họ hàng sống trên bờ.
Lươn phóng điện có khả năng phóng ra nguồn điện cao lên đến 500-650 volt, dùng để làm tê liệt hay giết con mồi. Có đến 600.000 “cục pin khô” được sắp xếp trên thân mình được ví như chiếc bình ắc quy của con lươn. Phần đuôi của nó mang điện tích dương trong khi phần đầu mang điện âm.
Khi con lươn chạm đầu hay đuôi của nó vào các sinh vật khác, một luồng điện sẽ được phóng ra. Khi nó nghỉ ngơi thì không phát sinh các xung điện này. Dù tất cả các sinh vật đều có thể tạo ra điện sinh học, nhưng chỉ có các sinh vật dưới nước là tạo ra điện để chuyển động, thông tin liên lạc và tấn công kẻ thù.
Dẫu vậy, lươn phóng điện không hề mang độc tố.Tuy nhiên, môi trường khắc nghiệt như sa mạc Gobi khó có thể là nơi sinh sống của chúng.