Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sân bay Tân Sơn Nhất khá chật chội, thiếu các dịch vụ miễn phí. Ảnh: Hải An.
Mới đây, trang The Guide to Sleeping in Airports đưa ra danh sách những sân bay tốt nhất và tệ nhất châu Á và thế giới. Trong khi Nội Bài, Đà Nẵng nằm trong top đầu của châu Á thì Tân Sơn Nhất có năm thứ 2 liên tiếp ở top 8 sân bay tệ nhất thế giới.
Trước đó, Nội Bài bị “điểm danh” trong top sân bay tệ nhất châu Á theo khảo sát năm 2014 cũng của trang web này. Như vậy, trong khi Đà Nẵng, Nội Bài thăng hạng, vị trí của Tân Sơn Nhất không hề được cải thiện.
Thực tế, trang web này là một mạng cộng đồng của khách du lịch, trong đó, các thành viên tham gia chia sẻ trải nghiệm và kinh nghiệm khi phải lưu trú tại sân bay trong một thời gian dài. Bảng khảo sát của mạng này được đưa ra từ tháng 9 năm trước và kết thúc vào cùng kỳ năm sau. Đối tượng tham gia chính là những người phải lưu trú tại các sân bay trong thời gian chờ trung chuyển, tách đoàn, nạp nhiên liệu hay gặp sự cố hoãn hủy chuyến.
Khảo sát của The Guide to Sleeping in Airports gồm 6 điểm chính, trong đó có phần đánh giá tổng thể và chi tiết sân bay với 7 hạng mục chất lượng về vệ sinh, thiết bị (wifi), thực phẩm, an ninh và xuất nhập cảnh, chăm sóc khách hàng, khu vực nghỉ ngơi và buồng ngủ (nếu có).
Nhận xét về thứ bậc của Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong danh sách này, chuyên gia của một hãng hàng không nhỏ ở Việt Nam cho rằng, đó chưa hẳn là tín hiệu xấu bởi đây là đánh giá của nhóm khách hàng dành rất nhiều thời gian tại sân bay.
"Họ quan tâm nhiều tới các tiện ích nhận được trong thời gian chờ đợi dài, thay vì những nhu cầu cơ bản. Thậm chí, một sân bay có quy trình hoạt động nhanh, trơn tru có thể cũng không được đánh giá cao nếu thiếu các dịch vụ giải trí, lưu trú tạm thời cho nhóm khách hàng này", ông này cho biết.
Vị này dẫn chứng, những ý kiến tham khảo từ khách hàng trên website của Skytrax (Công ty đánh giá và xếp hạng hàng không của Anh - một tổ chức đánh giá có uy tín trên toàn cầu) lại ghi nhận nhiều ý kiến tốt về Tân Sơn Nhất. "Hơi đông đúc nhưng thủ tục chỉ mất khoảng 20 phút", "có cả một cửa hàng Apple tại nhà ga", "nhà vệ sinh là chấp nhận được so với số lượng khách hàng" là đánh giá của nhiều khách du lịch từng trải nghiệm Tân Sơn Nhất trong năm 2015.
Wifi chậm, đồ ăn không ngon, nhân viên nói tiếng Anh chưa tốt và thất lạc hành lý là điều nhiều khách hàng kêu ca về Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, lãnh đạo của một hãng hàng không nhỏ tại Việt Nam (người từng trải nghiệm nhiều sân bay quốc tế) cho rằng, xét về chất lượng trong khu vực Đông Nam Á, Tân Sơn Nhất có thể chỉ nhỉnh các ga hàng không tại Campuchia, Lào hay Myanmar.
"Vấn đề chủ yếu là Tân Sơn Nhất diện tích chật quá, không còn đất để triển khai dịch vụ thêm nữa. Nhà ga chỉ đủ cung cấp các dịch vụ tối thiểu, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng đến làm thủ tục rồi lên máy bay luôn, chứ không phục vụ các đối tượng dành thời gian tại đây", vị này cho biết.
Ông này giải thích, nhóm khách trong khảo sát của The Guide to Sleeping in Airports vốn đánh giá cao những dịch vụ miễn phí tại sân bay trong thời gian trung chuyển hoặc chờ chuyến. Nhóm khách này ở Tân Sơn Nhất ít, nhà ga lại không có những dịch vụ miễn phí mà họ yêu thích thì việc chấm điểm kém là dễ hiểu.
"Họ sẽ so sánh theo kiểu tôi phải trả 16 USD ở Singapore thì có wifi tốt, ghế nằm nếu thuộc khu vực chờ chuyến lâu, chương trình biểu diễn ca nhạc miễn phí, khu vực vui chơi cho trẻ em... Trong khi đó, tôi phải trả 18 USD ở Tân Sơn Nhất thì chẳng được hưởng gì", ông này phân tích.
Lãnh đạo này bổ sung, việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ tạo tiền đề tăng chất lượng cảng hàng không quốc tế tại một trong những địa bàn hấp dẫn nhất của Việt Nam. "Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào tư duy của nhà quản lý, vào việc họ có muốn phát triển những dịch vụ chất lượng quốc tế nhưng được cung cấp miễn phí cho khách không. Quản lý một sân bay cũng giống như một cơ sở công cộng, có nhiều nhóm khách hàng với nhu cầu khác nhau. Nhà quản lý có thể bao quát hết hay không phụ thuộc vào nhận thức về tư duy dịch vụ".
Trái ngược với Tân Sơn Nhất, Nội Bài lọt vào danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á, sau một năm rơi vào nhóm bị đánh giá yếu nhất. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh văn phòng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, cơ sở hạ tầng được đầu tư đã đóng góp một phần vào sự thay đổi trong con mắt du khách quốc tế.
"Quan trọng hơn là sự phối hợp của các hãng bay, nhà hàng, quầy lưu niệm... nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ sân bay theo quy định của Cục hàng không. Hiện tại, nhà ga cũng đã triển khai dịch vụ cho những khách hàng nối chuyến dài những không muốn về thành phố nghỉ ngơi thì có thể thuê một sleepbox để ngủ. Nhà ga cũng có khu giải trí trong phòng cách ly, đi kèm các dịch vụ như massage, khu vui chơi cho trẻ em...", lãnh đạo trên dẫn chứng.
Mới được đầu tư bổ sung, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ, sân bay Nội Bài được thăng hạng. Ảnh: Anh Tuấn.