Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Campuchia, Việt Nam cùng nhiều hiệp hội, tổ chức phi chính phủ của Thái Lan và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phản đối công trình này vì sẽ tác động lớn đến môi trường, đặc biệt ở các nước vùng hạ lưu.
Tuy là một trong các nhánh phân lưu tại mặt cắt qua vị trí công trình nhưng Don Sahong được xem là nhánh sâu, luồng dẫn cá chính lên thượng lưu. Vì vậy, công trình thủy điện Don Sahong sẽ tác động đáng kể đến các loài thủy sản có tập quán di cư sinh sản, trong đó có loài cá heo nước ngọt. Kết quả theo dõi sự thay đổi số lượng cá heo nước ngọt sông Mê Kông cho thấy sự phát triển và tác động của con người trên lưu vực đã làm giảm đáng kể số lượng loài cá quý này và nguy cơ tuyệt chủng là rất cao. Do đó, việc xây dựng đập Don Sahong sẽ góp phần làm cho sự tuyệt chủng của loài cá này đến sớm hơn, hay nói cách khác là “tử huyệt” của toàn hệ sinh thái hạ lưu vực sông Mê Kông.
Vấn đề khác cũng cần được quan tâm là tác động của chuỗi mắt xích các công trình thủy điện trên dòng chính. Nếu việc xây dựng Xayabury và Don Sahong thuận lợi, đồng nghĩa các công trình khác sẽ lần lượt được hình thành. Trước mắt, đã thấy Lào dự kiến xây tiếp công trình Pakbeng. Như vậy, tác động “cộng hưởng” của hàng loạt công trình thủy điện trên sông Mê Kông là khó lường, phù sa về ĐBSCL sẽ giảm đáng kể. Khi đó, biến hình lòng dẫn, xói lở bờ sông và ven biển là những hậu quả vô cùng tai hại đối với đồng bằng trù phú này.
Để chủ động ứng phó với các bất lợi do phía thượng nguồn xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện, Việt Nam cần tổ chức các cuộc thảo luận, đưa ra việc thống nhất về thiết kế của các công trình trên dòng chính. Chẳng hạn, bắt buộc thiết kế phải có đường cho cá di chuyển, cống xả bùn cát đáy. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về việc thiết lập quy trình vận hành của các hồ thủy điện cả mùa lũ lẫn mùa khô. Vận hành nhỏ nhất phải lớn hơn lưu lượng kiệt; vận hành xả lũ lớn nhất theo lưu lượng đến…
Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát việc vận hành của các công trình bởi nhiều nước và yêu cầu cung cấp, chia sẻ và cập nhật thông tin cho các nước ở hạ lưu về mực nước hồ, lưu lượng xả, lưu lượng đến… trên các website của dự án công trình.
Đạt được các thỏa thuận trên sẽ góp phần giảm tác động bất lợi của các công trình thủy điện trên dòng chính, chủ động ứng phó với các tác động bất lợi đối với ĐBSCL. Tinh thần hợp tác Mê Kông, cùng nhau khai thác tài nguyên nước một cách bền vững cho khoảng 70 triệu người dân sống trong lưu vực sông đang là bài toán khó cho các chính phủ, cơ quan có trách nhiệm liên quan.