Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chống ngập cứu sân bay Tân Sơn Nhất thoát nguy cơ đóng cửa

(16:11:07 PM 18/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Phải giải quyết việc thoát nước hệ thống mương nước A41 (P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM), nếu không sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng cửa vì trạm phát điện nguồn của đài chỉ huy bị hư hỏng do ngập nước.

 Chống ngập cứu sân bay Tân Sơn Nhất thoát nguy cơ đóng cửa
Miệng cống A41 bị rác bít quá nửa - Ảnh: Lê Nam


Cảng hàng không quốc tế này vừa có công văn đến các cơ quan chức năng cảnh báo như trên.

Mương nước này kéo dài từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa. Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm lên trên tuyến mương, xâm phạm hành lang kênh rạch như tại vị trí CLB Hàng không (đường Phan Thúc Duyện và đường Giải Phóng)...

Ngập trong rác

Sáng 17-10, chúng tôi đến khu vực mương nước A41. Tại đây, rác thải đầy mương nên cản trở dòng chảy. Mùi hôi thối xộc lên nồng nặc. Con mương bị bồi lấp nặng nề bởi đủ loại rác: từ rác thải sinh hoạt tới trụ ximăng, các lavabô sứ bị hư, bồn cầu sứ, chậu hoa, các bao tải chứa đầy chất thải...

Dưới lòng mương là vậy, trên hai bờ người dân tập kết củi, gỗ, xây cất lấn chiếm khoảng không. Ở nhiều vị trí, nhà dân xây cất chồm ra gần 1/2 con mương. Ở gần đoạn cuối con mương, hai lỗ cống bị rác bít ngập hơn nửa miệng cống.

Ngay phía trên sát miệng hai ống cống này là một đống rác thải đủ thứ gồm cành cây, xỉ than, các bao rác vứt bừa bãi, tràn xuống mương.

Ông Phan Duy Niêm (60 tuổi, sinh sống ở đường Thăng Long, P.4, Q.Tân Bình từ năm 1990) cho biết mương này quá nhỏ lại đầy rác, không được nạo vét thường xuyên nên khi mưa lớn dòng chảy thường bị tắc nghẽn.

“Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân TP và đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã đề cập việc này rất nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đó. Chúng tôi đề nghị phải làm cống hộp cho kín để người dân không vứt rác xuống và cống phải làm to hơn. Nếu không có kinh phí thì Nhà nước hoặc người dân cùng làm” - ông Niêm đề nghị.

Uy hiếp đóng cửa sân bay

Trao đổi, giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu cho biết nhánh mương A41 này thoát nước cho khoảng 50% lượng nước khu vực sân đỗ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vì vậy khi cống này bị nghẽn đã gây ngập cục bộ, uy hiếp khu vực đặt máy phát điện trạm nguồn đài chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất (nằm ở khu đài chỉ huy cũ chuyên cấp điện cho đường băng và đài rađa sân bay).

Ông Mậu cho biết: có những cơn mưa lớn nước không thoát kịp đã tràn vào khu vực đài chỉ huy, nhiều cơn mưa lớn nước ngập lên đến 20cm. Liên tục trong các ngày 9, 15, 16-10 lượng mưa lớn khiến nước mưa dâng đến 20cm, nhân viên sân bay phải dùng ván gỗ, bao cát, bạt nilông ngăn không cho nước tràn vào trạm 
điện đài chỉ huy.

Theo ông Mậu, mương thoát nước A41 (một trong những nhánh mương thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất) đoạn từ đường Phan Thúc Duyện và đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) không được nạo vét thường xuyên, ách tắc dòng chảy, nhiều chỗ bị lấn chiếm.

Ông cho biết sân bay Tân Sơn Nhất đã vài lần kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND Q.Tân Bình cùng các đơn vị liên quan giải tỏa các khu vực xây dựng lấn chiếm và nạo vét hệ thống mương để đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực sân bay.

Văn bản mới đây nhất gửi Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, UBND Q.Tân Bình và Cảng vụ hàng không miền Nam đề nghị giải quyết khả năng thoát nước hệ thống mương nước A41.

Văn bản này cho biết: việc nước không thoát kịp có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống điều hành bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của đài chỉ huy không hoạt động được, sân bay có thể bị đóng cửa vì trạm phát điện nguồn khó hoạt động trong điều kiện ngập nước.

Văn bản cũng đề nghị các đơn vị sớm tổ chức giải tỏa các khu vực, giải quyết việc lấn chiếm hoặc kinh doanh của người dân trên hai bờ mương, trả lại sự thông thoáng; thường xuyên nạo vét, làm vệ sinh, khơi thông dòng chảy, đặc biệt là các vị trí lấn chiếm ở thượng nguồn để đảm bảo thoát nước cho sân bay; ban hành lộ giới hệ thống mương thoát nước (bao gồm kích thước đáy, miệng mương và đường giao thông hai bên) và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực không xả rác xuống kênh rạch; kiểm tra và xử phạt đối với trường hợp vi phạm…

Theo Lê Nam/TTO