Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn cho các tỉnh Nam bộ trong mùa khô 2015 – 2016
Theo đó, các tỉnh Nam bộ cần thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, bố trí lịch thời vụ hợp lý; chủ động nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ trữ nước ngọt, giải quyết tốt việc cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần dự báo kịp thời, chính xác thời tiết, tình hình nước mặn xâm nhập; tình hình nguồn nước ở thượng nguồn sông Cửu Long, lưu lượng nước đổ về hạ lưu nhằm giúp các tỉnh trong khu vực bố trí mùa vụ, cây trồng hợp lý, tránh thiệt hại. Các tỉnh trong khu vực cũng cần tuyên truyền, giáo dục người dân sử dụng tiết kiệm nước ngọt, bảo vệ nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm.
Đối với các công trình thủy lợi đang xây dựng dở, chưa khép kín, Tổng cục Thủy lợi đồng tình với kiến nghị của các tỉnh tiếp tục đầu tư cho: Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre ( Bến Tre ); Dự án đưa nước ngọt về huyện Tân Phú Đông, vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang); Dự án thủy lợi hồ Phước Hòa (Long An), nối với hồ Dầu Tiếng; công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt bằng sà lan của tỉnh Hậu Giang… nhằm phục vụ cho công tác phòng chống hạn mặn trong 5, 10 năm tới. Đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi khu vực Nam bộ, Tổng Cục phó Tổng cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành tốt các công trình thủy lợi, cần theo sát tình hình thời tiết để hỗ trợ các địa phương, có lịch đóng, mở cống hợp lý, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy Văn khu vực Nam bộ và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa mưa ở Nam bộ sẽ chấm dứt vào cuối tháng 10 này, xâm nhập mặn sẽ bắt đầu vào tháng 12, tình hình hạn mặn trong mùa khô sẽ hết sức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân 2015 – 2016, do tổng lượng mưa ở khu vực Nam bộ phổ biến từ 600 – 1500 mm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 – 50%. Từ giữa tháng 5/2015 đến nay, mực nước tại các trạm chính trên sông Mê Kông vùng Trung Hạ Lào, Campuchia và đầu nguồn sông Mê Kông luôn thấp hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm tại vùng thượng nguồn, mực nước trên sông Mê Kông thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử cùng thời kỳ từ 1 – 2 mét. Cuối tháng 9 vừa qua, mực nước sông Tiền tại Tân Châu đạt mức cao nhất 2,51 mét; mực nước sông Hậu ở Châu Đốc đạt mức cao nhất 2,35 mét, thấp hơn báo động I từ 0,65 – 0,9 mét. Đây là năm có đỉnh lũ thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.