Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa 13/10
Lễ mít tinh Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa là dịp để cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, Hội Chữ thập đỏ các cấp về thảm họa thế giới năm 2015, qua đó có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về một thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa. Đây cũng là dịp tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương trong nước và các tổ chức quốc tế trong công tác phòng ngừa, ứng phó giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 10 đến 15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số ở những vùng trọng điểm thiên tai. Là thành viên tích cực của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với vai trò là một tổ chức nhân đạo nòng cốt của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các cấp tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và nhân dân; tổ chức lực lượng, phương tiện và các điều kiện vật chất khác phục vụ công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa; tham gia sơ tán, di dời, bảo vệ nhân dân, cứu người bị nạn; tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp về tiền, hàng, thuốc chữa bệnh….Trung bình hàng năm, Hội vận động và thực hiện hàng chục dự án quốc tế; trồng và chăm sóc 24.000 ha rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn tại 11 tỉnh, thành; duy trì hoạt động của 44 trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, 26 trạm ứng phó khẩn cấp; xây dựng trên 27.500 nhà chữ thập đỏ…
Tại buổi lễ, lực lượng ứng phó thảm họa Chữ thập đỏ cùng các tình nguyện viên đã tham gia diễn tập phòng chống thiên tai với các tình huống: tổ chức cứu hộ, cứu nạn thuyền, mảng của ngư dân trôi dạt trên biển do ảnh hưởng của bão; sơ cấp cứu và đưa ngư dân bị nạn vào bờ an toàn; sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông; sơ tán khẩn cấp các hộ dân đến nơi an toàn khi bão đổ bộ…