Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Không đâu như Việt Nam, người vay có tính "xù nợ" rất cao”(!?)

(14:10:17 PM 11/10/2015)
(Tin Môi Trường) - “Người vay ở Việt Nam khác thế giới, có xu hướng xù nợ, tâm lý xù nợ rất cao. Rất nhiều con nợ lấy lý do đi chữa bệnh, khóa cửa thế là đành chịu…”

Đó là ý kiến của ông Vũ Đức Long, Nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), tại buổi Họp lấy ý kiến về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong thực hiện quy định, thực hiện quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến phát mại tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC tổ chức ngày 9/10.

 

Không đâu như Việt Nam, người vay có tính "xù nợ" rất cao”(!?)



Người vay thích... xù nợ?

Ông Vũ Đức Long đánh giá: “Tôi thấy nợ xấu có vẻ đã đằm đằm xuống nhưng tôi nghĩ con số nợ xấu nợ xâú 3% là con số đẹp, thực tế thì cao hơn nhiều.Còn VAMC mới thu nợ chứ chưa phân loại để xử lý. Chúng ta cũng đã sát nhập ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém nhưng đeo nợ vẫn dai dẳng. Tôi cho nguyên nhân sâu xa là Bộ luật Dân sự”.

Theo ông, nhiều nước coi tài sản đảm bảo là vật quyền. Nếu hợp đồng cho vay đến hạn không trả được thì lập tức người cho vay có quyền yêu cầu trả nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Cơ chế thế giới rất đơn giản, một là trực tiếp hai là đề nghị thẩm phán… chứ ko phải như Việt Nam bên cho vay phải đi đối thoại với bên vay. Đáng nói là tình trạng người đi vay thì luôn có tính xù nợ.

“Người vay ở Việt Nam khác thế giới, có xu hướng xù nợ, tâm lý xù nợ rất cao. Rất nhiều con nợ lấy lý do đi chữa bệnh, khóa cửa thế là đành chịu. Còn trong bộ Luật Dân sự  có nhiều cửa, ngóc ngách để con nợ tận dụng từ đó xù nợ mà chúng ta không ngăn chặn được”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng tính cưỡng chế của toàn bộ hệ thống không có tác dụng cho nên Ngân hàng gần như đơn phương độc mã. Cần củng cố về cơ chế pháp luật, đưa công an, chính quyền vào cuộc, giúp ngân hàng tiếp cận tài sản, thu hồi tài sản và phát mại.

Thứ hai, bán đấu giá của Việt Nam có vấn đề. Nghị định 17 nghe rất hay nhưng doanh nghiệp bán đấu giá gần như khó quản lý, rất dễ xảy ra tình trạng hỗ trợ con nợ, trì hoãn, định giá không bình thường, tạo lợi ích cho con nợ trong đấu giá tài sản. Cần sửa đổi Nghị định 17, phải sửa và sửa nhanh,  nếu không doanh nghiệp bán đấu giá sẽ “hoành hành”, hỗ trợ cho con nợ trong đáu giá tài sản .

“Tôi ủng hộ đề xuất quyền chủ động cưỡng chế, thừa phát mại đưa vào luật. Chính quyền quận huyện kết hợp với công an, thi hành án nếu không thông được vấn đề này ko xử lý được”, ông Long nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Hà Nội cũng cho biết tính tự giác của con nợ thấp. Thậm chí có những nơi con nợ nhìn nhau xem “con nợ kia không trả nợ có làm sao không”

“Vừa rồi ở La Phù, Hoài Đức, chúng tôi đã phối hợp với thi hành án tổ chức hội nghị về công tác này. Người vay vay xong không chịu trả mặc dù có khả năng trả. Khi không trả ngân hàng buộc phải đưa ra tòa nhưng khi thi hành án lại cũng nhìn nhau xem ông thi hành án có thu nợ được con nợ kia không. Tạo ra hiệu ứng dây chuyền rất nguy hiểm”, ông Trung cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng để giải quyết nợ xấu trước hết phải hiểu nợ xấu là gì? Bởi thực tế ngay cả nhiều Bộ trưởng vẫn chưa hiểu được điều này. Ông cũng cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay phải sửa đổi Luật Dân sự.

 

“Chúng ta cứ nói đưa nợ xấu về 3%, mấy trăm nghìn tỷ…nhưng nhiều người cũng không hiểu được nợ xấu mất ở đâu, nợ xấu do ai sinh ra. Vẫn nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng quá xấu, cho vay ăn tiền nên mới có nợ xấu. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Nợ xấu xuất phát từ nền kinh tế, ví dụ có thời điểm đất mấy trăm triệu không bán nhưng đến thời điểm này bán được mấy chục triệu. Luật Dân sự mới là vấn đề mấu chốt để giải quyết đang vướng hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng không có nơi đâu như Việt Nam “người đi vay to hơn người cho vay”.

“Đi gửi ngân hàng không ai thiếu một xu tiền lãi nhưng đi vay lại ko muốn trả. Chúng ta phải đồng tình, đấu tranh để xử lý những con nợ đấy. Cứ bảo đẩy mạnh cho vay nhưng vay không trả rồi bị đi tù thì còn ai dám cho vay, tín dụng không ai bảo vệ”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó phòng công nợ Vietcombank cũng cho rằng thực trạng xử lý nợ còn nhiều vấn đề, nhiêu khê, xử lý phát mại tài sản cũng rất khó khăn. Trong khi đó quy định của pháp luật thiếu chế tài xử lý nợ xấu.

“Gần như thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng cũng như Vietcombank cần nhiều sự hợp tác của con nợ. Con nợ thực hiện không đúng hợp đồng nhưng không có biện pháp xử lý. Tổ chức tín dụng không có quyền xử lý nếu con nợ không hợp tác. Chính vì thế có những vụ 20 năm không xử lý xong. Con nợ có thể đưa ra khiếu nại hoặc có nhiều chiêu khiến kéo dài liên miên”, ông Nam cho biết.

Tại ngân hàng?

Còn ông Đỗ Văn Kha, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc thi hành án dân sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại cho rằng những khó khăn vướng mắc khi xử lý nợ xấu thông qua phát mại tài sản đảm bảo nằm ở phía Ngân hàng. Theo ông, hiện nay tài sản đưa vào thế chấp định giá quá cao, nhưng đấu giá không bán được. Thứ hai, tài sản không phải của chủ sở hữu đi vay nhưng ngân hàng vẫn cho vay.

Ví dụ một doanh nghiệp ở Lâm Đồng thuê lại 10 biệt thự cổ, thế chấp ngân hàng và được ngân hàng cho vay mấy chục tỷ. Mặc dù doanh nghiệp chỉ là người đi thuê, khi vướng thì không thể giải quyết được, tài sản thế chấp đã sai ngay từ đầu.

 “Khi thẩm định giá cho vay phải làm kỹ, có như thế hậu quả mới hạn chế, phải đề phòng ngay từ đầu như vậy”, ông Kha nêu ý kiến.

Ông Vũ Tiến Vinh- Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng những phát sinh nổi cộm trong vấn đề giải quyết tranh chấp đó là vấn đề định giá ngân hàng cao hơn thị trường. Không ai biết định giá đúng hay sai. Khi tòa xét xử mới nói định giá này cao hơn rất nhiều so với thị trường. Vấn đề quan trọng là phải xử lý tận gốc chứ không phải cho vay rồi, nợ xấu rồi mới bàn nhau đi giải quyết nợ xấu thì đó chỉ là giải quyết phần ngọn.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề là không để nợ xấu xảy ra chứ không phải để xảy ra rồi mới giải quyết,  rất khó xử lý”, ông Vinh nhấn mạnh.

“Khi thẩm định tài sản tôi thấy trong biên bản nhận tài sản ghi rõ một thửa đất, trên đó có nhà cấp 4 nhưng trên địa bàn, trên diện tích đó là nhà 5 tầng. Như vậy phải chăng cán bộ tín dụng không thẩm định hoặc thẩm định sai. Khi tòa xét xử sẽ quay lại từ đầu nhưng tòa tuyên theo hồ sơ định giá do tổ chức tín dụng cấp nên sẽ không thể thực hiện”, ông Vinh nêu dẫn chứng.

Vì thế theo ông Vinh, nên quy định một tổ chức định giá độc lập, nếu định giá sai, công ty định giá phải chịu trách nhiệm.

TS.Phạm Ngọc Long, Viện trưởng viện SISME cho biết, theo kết quả thu thập ý kiến từ các ngân hàng, khi tổ chức tín dụng xử lý phát mại tài sản đảm bảo có 90%  không tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, chủ tài sản là con nợ không đồng ý bàn giao tài sản hoặc bàn giao không đúng quy định (chiếm 95%). Thậm chí có doanh nghiệp chống đối, cản trở việc tiếp nhận bàn giao tài sản (chiếm 90%); các cơ quan hữu quan chưa phối hợp hỗ trợ tốt theo trách nhiệm quy định (90%).
 

 Khi tổ chức tín dụng khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án, những bất cập pháp luật khiến Tòa không thể hoàn tất thủ tục tố tụng khi bị đơn cố tình lẩn tránh, đi khỏi nợ cư trú, khó xác minh địa chỉ rõ ràng, đã chết mà chưa xác định người thừa kế…chiếm 98%. Xung đột về pháp lý liên quan quy định về thủ tục giải quyết vụ án thường bị kéo dài chiếm đến 93%.

Theo Infornet