Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phải chứng minh bị hiếp dâm mới được phá thai?

(10:53:12 AM 10/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Theo dự thảo Luật dân số đang được đưa ra lấy ý kiến, một trong các trường hợp được phá thai trên 12 tuần tuổi là do bị hiếp dâm. Đề xuất này đang gây nhiều thắc mắc.

 Phải chứng minh bị hiếp dâm mới được phá thai?
Ảnh minh họa


Nhiều người đặt câu hỏi người bị hiếp dâm làm sao tự chứng minh? Cơ quan, đơn vị nào sẽ thực hiện việc chứng minh này? Nếu khi chứng minh được, thai đã quá lớn thì phải làm sao? Liệu việc chứng minh bị hiếp dâm mới được phá thai có vi phạm quyền riêng tư hay không?

Làm sao chứng minh?

Độc giả Nguyễn Thị Vạn đặt câu hỏi bằng chứng bị hiếp dâm là gì?

“Đã hơn 12 tuần mà còn phải chứng minh thì mới được phá, chứng minh được thì có khi thai đã quá lớn hoặc đứa bé đã chào đời”, chị Phương Thảo (Q.7, TP.HCM) băn khoăn.

Trong khi đó, một bạn đọc khác lại bày tỏ sự không đồng tình vì “những lý do tế nhị như vậy, người ta cần giấu thì bắt phải chứng minh. Sao ác thế? Nếu phá được thì phá cho người ta, chứng minh cách nào?”, bạn đọc viết.

Anh Huỳnh Quốc Bảo (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nêu ý kiến: Trong trường hợp không chứng minh được thì không cơ sở đảm bảo chất lượng nào dám nhận phá thai. Điều này đẩy người bị hiếp dâm hoặc loạn luân vào tình thế: một là giữ lại đứa bé, hai là phải tìm đến các cơ sở phá thai chui.

“Cả hai tình huống này đều nguy hại, bất lợi cho người mẹ và đứa trẻ. Phá thai chui có thể làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ. Đứa bé ra đời trong tình thế không mong muốn là sự thiệt thòi của chính nó”, anh Bảo nhận xét.

Lo dịch vụ chui, dịch vụ không an toàn với sức khỏe phụ nữ cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình về vấn đề này.

Góp ý cho dự thảo này trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn, anh Lê Hoàng Minh Sơn chia sẻ quan điểm không nên giới hạn quyền phụ nữ được phá thai an toàn trên 12 tuần tuổi.

“Một nghiên cứu đã chỉ ra 53% phụ nữ phát hiện ra có thai từ 12 tuần hoặc hơn, do vậy nếu giới hạn tuổi thai sẽ gây nhiều hậu quả nguy hiểm cho người phụ nữ, trong khi kỹ thuật phá thai và y tế tại VN có thể đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn để phá thai cho tới 22 tuần tuổi. Một số lý do để phá thai ở phụ nữ có thai trên 12 tuần tuổi như bị hiếp dâm, thai dị tật, ảnh hưởng đến sức khoẻ thì lúc chứng minh được thì thai đã lớn hơn nhiều, khó khăn cho việc phá thai và tăng nguy cơ cho phụ nữ”, anh Minh Sơn góp ý.

Theo GS. TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em hiện nay, dự thảo luật chia ra điều kiện phá thai dưới 12 tuần tuổi và trên 12 tuần tuổi với mục đích ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi. Điều này được giải thích là trên 12 tuần tuổi mới xác định được giới tính thai nhi.

“Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật thì thời gian này đang được rút ngắn. Vì vậy, việc quy định “cứng” sẽ lạc hậu”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nói.

Mặt khác, người được quyền quyết định cho phép phá thai phải chứng minh được người có yêu cầu phá thai là có mục đích lựa chọn giới tính thai nhi.

“Liệu ai có thể biết chắc chắn mục đích này ngoài cặp vợ chồng?”, GS.TS Nguyễn Đình Cử đặt câu hỏi.

Không khả thi


GS.TS Nguyễn Đình Cử đánh giá khi bị hiếp dâm dẫn đến có thai ngoài ý muốn, người phụ nữ đã bị chấn thương về mặt tâm lý. Nếu xoáy sâu vào quá trình chứng minh này, rất có thể người phụ nữ sẽ bị tổn thương nặng nề hơn.

“Có khi người bị hiếp dâm là người không minh mẫn, có vấn đề về thần kinh hoặc người ít hiểu biết…, việc yêu cầu họ tham gia vào quá trình chứng minh mình bị hiếp dâm là rất khó. Đó là chưa kể nếu không bắt được kẻ hiếp dâm thì việc chứng minh cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều”,  GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định.

Luật sư Hà Hải cho luật hiện hành quy định tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đưa ra kết luận có bị hiếp dâm hay không. Không bệnh viện hay trung tâm giám định nào đưa ra một loại giấy tờ nào đủ cơ sở pháp lý chứng minh được một người bị hiếp dâm.

Quy trình để đi đến bản án quyết định của tòa phải mất khá nhiều thời gian, trình tự từ khâu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, sau đó đưa ra tòa xét xử; nếu có kháng cáo, kháng nghị sẽ tiếp tục kéo dài đến tòa phúc thẩm. Thời gian này có thể kéo dài trên 6 tháng, thậm chí vài năm.

“Như vậy sẽ làm nảy sinh tình huống thai nhi đã quá lớn, phá sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người mẹ hoặc đứa bé chào đời trước khi việc chứng minh hoàn tất. Vì thế, quy định này, theo tôi là không khả thi”, LS Hà Hải nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, LS Huỳnh Phước Hiệp nói thêm việc chứng minh hành vi hiếp dâm có cấu thành hay không là nhiệm vụ của cơ quan điều tra, không phải việc của người dân. Và người dân cũng không làm được điều này.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, nếu người bị hại thuyết phục được bác sĩ rằng họ bị hiếp dâm và bác sĩ chấp nhận phá thai cho họ thì nếu sau đó xảy ra khiếu nại, tố cáo, bác sĩ lại phải làm một việc ngoài chuyên môn là chứng minh rằng người đó thật sự bị hiếp dâm và quyết định phá bỏ thai nhi  của bác sĩ là có cơ sở.

Bên cạnh đó, về khía cạnh quyền riêng tư, LS Hà Hải cũng cho rằng việc yêu cầu chứng minh bị hiếp dâm mới được phá trên trên 12 tuần tuổi là vi phạm quyền được bảo vệ đời tư, danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ.

“Theo quy định thì khi xét xử những vụ án hiếp dâm, nếu nạn nhân yêu cầu, hoặc tòa có thể xem xét xử kín để hạn chế chuyện đời tư của họ bị lan truyền. Nhưng giờ lại quy định muốn phá thai trên 12 tuần tuổi phải chứng minh được rằng mình đã bị hiếp dâm, như vậy là không hợp lý”, luật sư Hà Hải nói.

Để giảm thiểu tỉ lệ nạo phá thai?

Các chuyên gia y tế cho rằng, để giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai cần tăng cường cung cấp các biện pháp dự phòng liên quan đến thông tin, giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và tiếp cận biện pháp tránh thai.

Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện hướng dẫn về phá thai an toàn theo qui định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần tạo môi trường về qui định và chính sách cần có để đảm bảo mỗi một phụ nữ đều được hợp pháp tiếp cận với các dịch vụ phá thai có chất lượng.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Theo TTO