Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác ngập làng tỷ phú Minh Khai
Sự giàu có…..
Làng Minh Khai hay còn gọi là làng “Khoai”, nơi được coi như bãi tập kết phế thải lớn nhất khu vực phía Bắc.Nổi lên với cái tên “làng tỷ phú tái chế” không ai không biết đến sự giàu có của làng Khoai với những tòa biệt thự sang trọng, nhà cao tầng san sát, SH, xế xịn lao vù vù trong ngõ xóm.
Với thâm niên hoạt động hơn 20 năm, mỗi ngày làng Khoai “ùn ùn” đón nhận hàng nghìn tấn rác thải từ khắp nơi đổ về trong cả nước chủ yếu là túi bóng nilon, chai nhựa, rác thải y tế… Rồi từ những khối phế thải khổng lồ đó lại“đầu thai” ra hàng trăm tấn hạt nhựa, túi bóng, hộp xốp, thìa nhựa…. Đối với những hạt nhựa “ngon” có thể đem bán cho các cơ sở sản xuất các loại hàng cao cấp và công nghệ hiện đại (như: rổ, rá, bàn ghế nhựa... ). Còn ở làng Khoai các đơn đặt hàng chủ yếu là những sản phẩm đơn giản, công nghệ thấp (như túi nilong, ống nhựa, móc áo, màng mỏng...).
Bác Thắng, chủ một hộ sản xuất nhỏ cho biết: “Mỗi tháng cơ sở sản xuất nhỏ của bác tái chế khoảng 50 - 60 tấn rác và tạo ra được khoảng 40 - 50 tấn thành phẩm, thu nhập sau khi trừ đi tất cả các khoản như: lương công nhân, mua nguyên liệu, sửa máy móc... thì trung bình mỗi tháng xưởng nhỏ lẻ như chúng tôi sẽ thu về khoảng 20 – 30 triệu/tháng. Đấy là với hộ gia đình, còn ở khu làng nghề thì thu về sẽ nhiều hơn, có khi gấp đôi ba lần”.
Cũng vì thế mà làng Khoai cũng thay da đổi thịt hoàn toàn. Không chỉ bảo đảm thu nhập cho người dân trong làng mà còn tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động khu vực lân cận với mức thu nhập trung bình từ 3-5 triệu/người/tháng.
Rác ngập đường...
Phía sau sự giàu có…
Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực mà nghề buôn đồng nát đã mang lại cho làng Khoai những năm gần đây, thế nhưng mặt trái đằng sau sự giàu có ấy lại như một bức tranh tương phản, nhếch nhác giữa hai màu sáng tối luôn hiện hữu với cuộc sống người dân nơi đây.
Những biệt thự, tòa nhà sang trọng là thế nhưng lúc nào cũng đóng cửa im ỉm cả ngày,nhưng lại nằm lọt thỏm giữa muôn vàn những núi rác to nhỏ trải dài từ đầu làng cuối xóm. Ngày nắng oi ả mùi khét lẹt, hắc xịt bốc lên đến ngạt thở. Ngày mưa, đường xá lầy lội với những đống phế thải chảy nước. Cống rãnh, kênh mương trong vùng ứ đọng nước đen kịt với những ống nước thả luôn xả thẳng ra hết công xuất. Tiếng máy nghiền, máy, máy thổi ngày đêm gào thét. Ống khói nhà xưởng ngày đêm xả những làn hắc ám, đen xì lên bầu trời.
Những con người dường như bị nuốt chửng trong những đống rác cao quá đầu người. Ngậm ngùi nhận ra rằng dù có đi xe sang, xế xịn, tay đeo đầy vàng, túi cặp nách một mớ tiền thì cũng vần vũ trong mớ hỗn độn giữa rác và rác. Những đứa trẻ cũng có “tuổi thơ thật dữ dội”bên những núinilon bẩn, chai nhựa, mùi hôi thối, chất độc hại và cái án tử luôn lơ lửng treo trên đầu.
Và rác ngập đầu...
Và những mối nguy hại khôn lường…
Sự giàu lên từng ngày của làng Khoai tỷ lệ thuận với sự “phình to” của những đống rác lộ thiên hoặc đã được chôn vùi dưới đất, những dòng nước thải chưa qua xử lý đang từng ngày, từng giờ ngấm vào lòng đất, nguồn nước.Khí thải xả thẳng lên trời từ những ống khói đang hòa tan vào bầu không khí có hàng nghìn con người đang hít vào thở ra và những “ổ bệnh” trong cơ thể người dân đang ngày một tích tụ.
Những mối nguy hại không chỉ dừng lại ở đó, khi mà mỗi ngày có hàng nghìn tấn hạt nhựa “bẩn”, túi bóng nilon, hộp nhựa đựng cơm, thìa nhựa, ống hút “bẩn”… được bung ra thị trường bởi những lò tái chế thủ công, kém chất lượng và hậu quả là hàng nghìn người tiêu dùng lại vướng vào chuỗi hệ lụy khôn lường đó.
Có lẽ, câu chuyện về những trẻ em bị phơi nhiễm chì ở thôn Đồng Mai (Văn Lâm, Hưng Yên), làng nghề nung gạch ở xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ), hàng trăm người đã bị chết vì căn bệnh ung thư quái ác, lao phổi, viêm họng và bệnh gan do khói bụi từ hàng trăm những lò nung thủ công thải ra môi trường khiến không khí, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Hoặcnhững lời kêu cứu khẩn cấp của người dân tại “làng ung thư” thôn Dục Tú 3 (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) về thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xuất phát từ những xưởng nung, đúc phế liệu kim loại là những hồi chuông vang lên để người dân, cũng như chính quyền địa phương phải“giật mình” về tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại nơi mình đang sinh sống và quan ngại hơn về những “bản án tử” đã và đang treo lơ lửng trên đầu.
Những “bản án tử” đang treo lơ lửng trên đầu người dân